Nuôi lợn rừng

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng 10/12/2021 15:00

Nuôi lợn rừng đã trở thành một nghề. Ở tỉnh nào cũng có các gia đình nuôi lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao. Kỹ thuật nuôi lợn rừng đã được chúng tôi viết thành sách để phổ biến rộng rãi.

Lợn rừng phân bố rất rộng trên trái đất. Ở mỗi vùng sinh thái khác nhau, chúng có màu lông, độ lớn, khả năng sinh sản… khác nhau. Lợn rừng ở châu Âu cao tới 1m, nặng gần 3 tạ và lưng dài tới 1,5 m. Lợn châu Á nhỏ hơn, gọn gàng, chân cao và chạy rất nhanh. Hai răng nanh mọc chòi ra (nên có nơi gọi là lợn lòi). Đầu răng rất nhọn và cong lên ở hai bên mép. Nó thành vũ khí lợi hại để tấn công kẻ thù. Để phân biệt thịt lợn rừng với thịt lợn nhà, bà con thường nhìn vào chân lông. Ở lợn rừng cứ 3 lỗ chân lông lại mọc chụm vào một chỗ như khóm lúa, còn lợn nhà thì mỗi sợi lông mọc riêng 1 chỗ.

Trong tự nhiên, lợn rừng sống hoang dã, con đực thường sống ta thẩn một mình và tự tạo ra một “lãnh địa” riêng. Còn lợn cái thì hay sống thành đàn với con cái, đến khi lợn cái động dục thì lợn đực mới tìm đến đàn nái để “trăng hoa”. Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là lá cây, củ, quả tìm kiếm được trong rừng. Đã vậy, nó lại vận động liên tục nên thịt rất nạc, hàm lượng Cholerteron thấp, thực khách mê nhất điều này.

Thấy được giá trị của lợn rừng, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở các tỉnh đã tổ chức thuần hóa lợn rừng, tổ chức lai tạo, chăm sóc nuôi dưỡng lợn rừng lai, tổ chức liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lợn rừng tự đào hố để ở. Chúng tha đầy rác về để độn chuồng. Chúng thường làm ổ ở những nơi kín đáo. Chúng có tập tính đi kiếm ăn vào ban đêm…Tất cả những đặc điểm ấy, chúng ta cần vận dụng để tiến hành nuôi lợn rừng.

Phải bố trí chỗ nuôi càng rộng rãi càng tốt để lợn chạy, nhảy. Xung quanh nên có tường hoặc lưới B40 được quây vững chắc. Chỗ nuôi cần nhiều ánh sáng, tránh nuôi nhốt như kiểu lợn nhà. Trong khu nuôi, nên có những hố nước hay bể nước xây cạn để lợn vào đó tắm táp. Nó rất thích vầy nước rồi lên bờ nằm phơi nắng.

Trong khu nuôi càng có nhiều cây bóng mát càng tốt. Tuy nhiên, phải có chỗ quang để ánh nắng chiếu vào. Cố gắng chu cấp đủ thức ăn có nguồn gốc thực vật cho chúng. Hạn chế việc cho lợn rừng ăn cám công nghiệp vì nó dễ tích mỡ.

Ở Thái Lan, người ta hay lấy lá keo dậu tươi cho lợn rừng ăn. Họ cho rằng, lá keo dậu còn giúp lợn rừng tẩy được giun sán. Nhiều người vẫn vớt bèo tây lên cho chúng ăn sống. Ngoài ra, các loại rau, cỏ, củ,quả, đậu, khoai, sắn…đều là thức ăn tốt cho lợn rừng.

Phải hết sức chú ý đến con giống. Nơi cung cấp con giống phải có lợn đực là lợn rừng chính gốc. Còn con cái là con lai mang 75% máu là dòng máu lợn rừng. Như vậy con đẻ ra mới là chú lợn đầy khí phách rừng rú!

Mọi việc chăm sóc và phòng trừ bệnh cho lợn rừng cũng na ná với lợn nhà. Bà con nên tìm đọc cuốn “Nghề nuôi lợn rừng” trong bộ sách “100 nghề cho nông dân” mà chúng tôi đã biên soạn. Trong sách đã có đủ các nội dung cần biết khi chúng ta bắt tay nuôi lợn rừng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi lợn rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO