Ở lại nước ngoài trái phép bị phạt 100 triệu đồng

K.Lê 07/03/2020 08:00

Đây là nội dung đáng chú ý của Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ở lại nước ngoài trái phép  bị phạt 100 triệu đồng

Từ 15/4, ở lại nước ngoài trái phép sẽ bị phạt tiền 100 triệu đồng.

Theo Điều 47 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, từ 15/4, người lao động đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng khác liên quan sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng nếu có một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép khi hết hạn hợp đồng lao động; Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng mà không phải do bị cưỡng bức lao động; Sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.Ngoài việc bị xử phạt bằng tiền đối với các hành vi trên, người lao động sẽ bị buộc phải về nước.

Ngoài ra, doanh nghiệp dịch vụ không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp dịch vụ do không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Thu, quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động không đúng quy định… sẽ bị phạt tiền từ 150-200 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp dịch vụ vi phạm điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 180-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Sử dụng giấy phép hoạt động của doanh nghiệp khác để tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp mình…. Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, doanh nghiệp còn có thể bị buộc đình chỉ hoạt động đến 6 tháng và khắc phục hậu quả.

Nghị định cũng quy định mức phạt đối với vi phạm quy định về giao kết hợp đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 2-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động; buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Nghị định nêu rõ: Các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở lại nước ngoài trái phép bị phạt 100 triệu đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO