Ở nơi bốn mùa sen nở

HẢI NHI 02/02/2023 07:16

Cuối năm, nhiều người vẫn bắt gặp sen khoe sắc tại một khu đầm ven Hà Nội. Và còn ngạc nhiên hơn nữa khi ông chủ đầm Lã Tiến Hiệp, người được gọi vui là “phù thuỷ” lai tạo sen vẫn đang dần hiện thực hóa giấc mơ chinh phục hoa sen nở mỗi dịp tết về.

Bông sen nửa màu trắng, nửa màu hồng đột biến từ loài sen trắng viền hồng.

Cơ duyên đến với sen

Anh Lã Tiến Hiệp hiện là người quản lý Trung tâm thực nghiệm, nghiên cứu và phát triển nguồn gen cây sen (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Gia Lâm, Hà Nội). Trung tâm được mở ra với mục đích nghiên cứu, bảo tồn, lai tạo, phát triển các giống sen tại Việt Nam và trên thế giới. Nơi đây hiện có 215 loài sen với kỳ vọng thu hút người đến tham quan, tìm hiểu về các loại sen, nhằm phát triển thương hiệu sen Việt.

Chia sẻ về cơ duyên đến với sen, anh Hiệp kể: Tôi vốn mê loài hoa sen có vẻ đẹp thuần khiết biểu trưng cho văn hóa, cốt cách của người Việt Nam, vì vậy tôi tìm hiểu, nghiên cứu về sen đã lâu rồi. Công tác trong ngành nông nghiệp nên tôi có cơ hội tới thăm các mô hình trồng sen ở Đồng Tháp, Huế, Bắc Ninh, hồ Tây (Hà Nội)... Đặc biệt là dịp sang Trung Quốc tôi thấy vô số giống sen lạ và đẹp. Thấy cây sen hay quá nên trong tôi luôn ấp ủ ý tưởng trồng và lai tạo các giống sen. Nhưng khoảng 6 năm trở lại đây tôi mới bắt đầu được sống với niềm yêu thích của mình. Nói vậy thôi chứ để có được ngày hôm nay cũng chẳng hề đơn giản, vì tôi và những cộng sự ở trung tâm phải tự mày mò bỏ công sức lai tạo các giống mới cũng như tự bỏ vốn để nhập khẩu giống sen.

Anh Lã Tiến Hiệp. Ảnh: Ngọc Dung.

Trò chuyện với “phù thủy” lai tạo sen, có thể thấy sau vẻ chân lấm tay bùn ấy lấp lánh một tâm hồn nghệ sĩ. Bởi thế, mới thấy mỗi loài sen anh tạo ra lại mang một vẻ độc đáo riêng có. Anh Hiệp vừa pha ấm trà sen Tây Hồ vừa giới thiệu về những loài sen quý: Đây là giống sen Tender Girl có cánh to, màu trắng tinh khôi tuyệt đẹp. Loài sen này khá phổ biến ở Vân Nam - thủ phủ sen Trung Quốc, nhưng lại rất khó thích nghi với khí hậu nóng ẩm miền Bắc. Sau nhiều lần lai tạo loại sen giống mới đã có sức chống chịu thời tiết tốt hơn. Tôi cũng trồng thành công sen kim cương hồng vốn khó tính, giống sen đặc biệt hiếm ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Loại này sắc hồng lộng lẫy, hương thơm rất đậm, cánh bền. Những giống sen mới nhất được lai tạo thành công trong mùa sen 2022, có thể kể đến HT Queen Pink, HT Prince Red (HT- chữ viết tắt của Hiệp và Thủy, Thủy là cộng sự của tôi), rồi tới sen trắng đài xanh, sen đỏ nếp. Trong đó, HT Queen Pink là loài sen lai tạo mà tôi ưng ý nhất từ trước đến nay. Đây là loài bán kép có bộ cánh riêng, bên ngoài có từ 14 - 15 cánh, bên trong có khoảng 20 cánh nhỏ, sắc hồng tươi tắn.

Là “phù thủy” tạo ra các loài sen, nhưng khi hỏi về việc lai tạo sen Tịnh Đế, anh Hiệp cười: Tôi đã nghe truyền thuyết sen Tịnh Đế là hiện thân của tình yêu. Rồi ai gặp sen Tịnh Đế thì được xem là điềm lành, hay còn biểu trưng cho sự thịnh vượng sung túc và may mắn… Nhưng theo lý giải của người làm nghiên cứu thì sen Tịnh Đế là một trong những đột biến gen trên loài sen chứ chúng không phải là một loài sen riêng.

Với sen Tịnh Đế, trên đầm sen thi thoảng mới gặp một bông. Hoa bị đột biến trong quá trình phát triển gen trong thân cây. Như khi tôi kết hợp một số dòng sen để tạo nên giống sen trắng kép viền hồng. Trong quá trình đột biến đã tạo ra sen 2 màu, một nửa màu đỏ, một nửa màu trắng. Anh Hiệp cũng cho hay: Để lai tạo một loài mới thì đơn giản, nhưng cái khó là tạo hương và sắc, khó nhất là quá trình tạo mùi hương. Anh khẳng định, sen có số lượng loài rất lớn, nhưng chưa có mùi hương nào có thể để vượt qua dòng sen cổ Việt Nam như sen hồng và sen trắng kép hồ Tây.

Hiện tại khu đầm diện tích 7,5 ha của trung tâm có 65 loài bản địa, từ miền Nam, miền Trung, miền Bắc. Sen gốc bản địa của Huế có thể kể đến: Gia Long hồng, sen trắng, hồng cánh đơn còn hay gọi là hoa quỳ. Rồi sen Đồng Tháp, sen Củ Chi, sen hồ Tây. Thường mùa sen kết thúc vào tháng 9, nhưng tới cuối tháng 11 nhiều loài sen ở khu đầm vẫn khoe sắc.

Sen hồng Tịnh Đế.

Thuần hóa sen tết

Theo anh Hiệp, hoa sen biểu trưng cho hy vọng về sự bình an, thanh tịnh trong tâm hồn, bớt đi những ưu phiền, chỉ có niềm vui và sự hạnh phúc. Bởi thế mà anh muốn làm những chậu sen tết phục vụ người yêu hoa. Tuy nhiên, ở miền Bắc, gần Tết Nguyên đán thường có những đợt gió mùa đông bắc làm cho không khí khô, thời tiết có lúc xuống tới 4-5 độ C, sen hầu như sen không phát triển. Vậy nên anh phải thuần hóa, "bắt" sen thích ứng với nhiệt độ thấp bằng cách giao thoa phấn các loài để tạo ra một giống mới về bộ cánh, về màu sắc, về hương thơm để hoa có thể bung nở đúng dịp tết. Có những loài đã ổn định về bộ cánh, màu sắc nhưng chưa có hương, nên anh vẫn phải tìm mùi hương cho hoa. Vì một loài sen chuẩn phải hội đủ các yếu tố: Bộ cánh, màu sắc, mùi hương.

Chậu sen môi hồng công chúa được lai tạo để nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán.

Tết vừa qua, anh đã thử nghiệm thành công được khoảng 30 chậu sen dòng: Juwaba, Quan âm trắng, Quan âm hồng, Hoàng Yến, môi hồng Quảng Nam, Bạch Tuyết, môi hồng công chúa. Mỗi chậu từ 2-3 bông có giá từ 300 - 400 ngàn đồng.

“Biến đổi khí hậu khiến thời tiết thay đổi liên tục, rất khó nắm bắt. Nhưng tôi sẽ khống chế ở một thời điểm nào đó, để sen có bước phát triển ổn định. Với việc lai tạo một giống sen hay một giống cây trồng nào đó thì thời gian ít nhất là khoảng 5 năm mới có thể được công nhận giống chuẩn, chứ không thể vội được. Năm nay, khách hàng gọi đặt sen chơi Tết từ tháng 11 nhưng tôi chưa dám nhận. Khoảng 3 năm nữa trung tâm mới có thể nhân giống đại trà các loại sen tết và phát triển để đưa thành thương phẩm”, anh Hiệp tiết lộ.

Không dừng lại ở việc lai tạo và bảo tồn các giống sen quý, anh Hiệp còn mong muốn đưa những thành quả nghiên cứu của mình đến với bà con, để những loài sen quý có thể làm thay đổi cuộc sống của người nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở nơi bốn mùa sen nở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO