Omicron sẽ kết thúc đại dịch Covid -19?

Mai Phương 06/01/2022 09:48

Ngày càng nhiều dữ liệu cho thấy số ca bệnh nặng và nhập viện vì Omicron không tăng theo số ca nhiễm. Dù đã trở thành biến thể chủ đạo tại Mỹ, Anh hay Đan Mạch, nhưng Omicron không gây hậu quả nặng nề như biến thể Delta. Điều này mở ra hy vọng làn sóng mới ít nguy hiểm hơn.

Đại dịch Covid-19 đang được hy vọng sẽ sớm kết thúc dù làn sóng thứ 4 đang diễn ra. Ảnh: Reuters

Đẩy lùi biến thể Delta

Một kết quả nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Nam Phi cho thấy, khả năng lây lan của Omicron cao gấp 36,5% so với biến thể Delta, thay vì gấp từ 2 đến 5 lần so với ước tính trước đó. Tuy nhiên, Omicron có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn, dựa trên số ca nhập viện và tử vong thấp hơn so với các biến thể khác. Vì thế, giới chuyên gia hy vọng làn sóng dịch do Omicron sẽ ít gây ảnh hưởng như Delta.

Nhà virus học Alex Sigal của Viện Nghiên cứu Y khoa châu Phi tại Durban, Nam Phi cho rằng, xu hướng này khiến con người cảm thấy dễ sống chung với Omicron hơn so với các biến thể trước đó.

“Chúng tôi đã thực hiện các nghiên cứu ở Nam Phi song chưa biết việc áp dụng cho các quốc gia khác sẽ như thế nào. Nhưng những nghiên cứu nhỏ trước đó nhìn chung là đúng và bây giờ vẫn đúng. Theo tôi, kết quả này cho thấy biến thể Omicron có thể ít làm gián đoạn cuộc sống của chúng ta hơn so với trước đây”. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi cũng cho thấy, người nhiễm biến thể Omicron sẽ hình thành kháng thể giúp miễn dịch trước biến thể Delta. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng không khuyến khích miễn dịch theo hình thức tự nhiên.

Sau 14 ngày từ khi các bệnh nhân biểu hiện triệu chứng, mức độ miễn dịch ngăn tái nhiễm biến thể Omicron tăng lên đến 14 lần, trong khi mức độ miễn dịch giúp ngăn biến thể Delta tăng 4 lần.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Mỹ cũng cho thấy, dù Omircon lây lan nhanh hơn nhưng lại gây ra ít ca nhập viện hơn. Hơn nữa, các triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron không khác nhiều so với nhiễm cúm và cũng kéo dài trong 4-5 ngày. Quan trọng nhất, biến thể Omicron dường như đang hoạt động như một loại vaccine tự nhiên.

Nghiên cứu của Mỹ cũng chỉ ra rằng, kháng thể sản sinh sau khi nhiễm Omicron mạnh hơn bất kỳ kháng thể nào khác có được từ việc tiêm phòng. Và có lẽ, đây chính là lý do mà kể cả khi số ca mắc mới dâng "như sóng thần" tại các quốc gia như Mỹ và Anh thì vẫn chưa bị coi là nghiêm trọng. Kháng thể là tấm khiên bảo vệ cơ thể, giúp nâng cao sức chiến đấu với virus và những bệnh khác giống như Covid-19. Việc tiêm vaccine phòng bệnh chính là để kích thích cơ thể sản sinh kháng thể chống lại virus.

Trong khi đó, chuyên gia Nga nhận định, đại dịch Covid-19 hiện nay sẽ trở thành bệnh theo mùa, tương tự dịch cúm Hồng Kông cách đây hơn 60 năm.

Giảm độc lực

Biến thể Omicron được báo cáo lần đầu ở Nam Phi cuối tháng 11/2021 và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nó có tốc độ lây lan đáng báo động. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dữ liệu mới cho thấy sự kết hợp giữa một biến thể mang nhiều đột biến và khả năng miễn dịch của cộng đồng tăng đã dẫn tới một loại virus ít gây bệnh nặng hơn so với những làn sóng trước.

"Chúng ta bây giờ ở trong một giai đoạn hoàn toàn khác. Virus sẽ luôn tồn tại cùng chúng ta, nhưng tôi hy vọng rằng biến chủng mới sẽ khiến chúng ta có khả năng miễn dịch nhiều đến mức giúp chấm dứt đại dịch", bà Monica Gandhi, nhà miễn dịch học tại Đại học California ở San Francisco, Mỹ nói.

Một nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy, những người nhập viện trong làn sóng thứ 4, trong đó Omicron là chủng trội, có nguy cơ bị bệnh nặng thấp hơn 73% so với làn sóng thứ 3 do Delta gây ra.

Một số yếu tố dường như đã làm cho Omicron mang ít độc lực hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn so với các biến chủng trước. Một trong số đó là khả năng lây nhiễm vào phổi của virus. Nhiễm trùng Covid -19 thường bắt đầu từ mũi và lan xuống cổ họng. Ở ca nhẹ, virus thường ít khi vượt qua đường hô hấp trên. Nếu virus tấn công vào phổi, thường là khi các triệu chứng nghiêm trọng xảy ra.

Tại Hồng Kông, các nhà khoa học đã nghiên cứu một số mẫu mô phổi từ các bệnh nhân và phát hiện Omicron phát triển chậm hơn trong các mẫu mô đó so với những biến thể khác.

"Virus thường xâm nhập vào tế bào bằng hai con đường, nhưng bây giờ do những thay đổi với protein gai, nó dường như chỉ xâm nhập bằng một con đường. Nó có vẻ thích lây nhiễm đường hô hấp trên hơn là phổi" - ông Burgers, nhà miễn dịch học tại Đại học Cape Town, Nam Phi, cho hay.

Bên cạnh đó, dù Omicron có thể có khả năng tránh né kháng thể tốt hơn, một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nó khó có khả năng tránh né thành công lớp phòng thủ thứ hai của vaccine và miễn dịch tự nhiên, gồm tế bào T và tế bào B.

Tế bào T chịu trách nhiệm tấn công virus khi nó xâm nhập vào các tế bào cơ thể nếu kháng thể không ngăn chặn được nhiễm trùng ban đầu. Trong một nghiên cứu gần đây của ông Burgers và đồng nghiệp, các nhà khoa học đã sử dụng các tế bào bạch cầu từ bệnh nhân Covid-19 để cho thấy 70-80% phản ứng của tế bào T được duy trì với Omicron so với các chủng trước. Điều này có nghĩa với những người đã tiêm vaccine hoặc từng nhiễm virus trong 6 tháng, tế bào T có khả năng nhận diện và chống lại Omicron tương đối nhanh chóng.

Dù Omicron đang góp phần gây ra làn sóng ca nhiễm kỷ lục, đặc biệt ở phương Tây, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan chủng mới này có thể sẽ kết thúc đại dịch Covid-19 trong năm 2022 sau khi trở thành chủng vượt trội so với biến thể Delta, như cách dịch SARS biến mất không dấu vết trong hai năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Omicron sẽ kết thúc đại dịch Covid -19?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO