Ổn định chính sách tài chính, doanh nghiệp yên tâm

Thúy Hằng 08/01/2018 22:07

Sáng  8/1, Bộ Tài chính tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018. Dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chính sách tài chính phải ổn định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Ổn định chính sách tài chính, doanh nghiệp yên tâm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cần phải có biện pháp mạnh mẽ dẹp bỏ tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp. Phát huy phong trào doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn. Bộ Tài chính cũng cần đưa ra thông điệp: Cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì, xử lý nghiêm công chức hư hỏng trong đó bao gồm cả việc đưa ra khỏi ngành tùy theo mức độ vi phạm”.

Khắc phục tình trạng nhũng nhiễu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, ngành tài chính phải chủ động khắc phục những khiếm khuyết của tình hình kinh tế Việt Nam; đồng thời nghiên cứu chính sách kinh tế của các nước láng giềng để phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách tài chính phải ổn định để doanh nghiệp (DN) yên tâm sản xuất, kinh doanh.

“DN có lỗi nhiều lỗi ít, có DN cố tình vi phạm nhưng có DN bị oan sai vì thay đổi chính sách quá nhanh. Đó là lỗi từ cơ quan quản lý nhà nước” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, cần phải làm chính sách như thế nào để có thể dài hơi hơn, phải ổn định 5-10 năm. Những thay đổi nhanh chứng tỏ việc xây dựng chính sách của ta chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế, chưa đánh giá tác động, thiếu sâu sắc, thiếu lắng nghe, cần khắc phục. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ liên quan lưu ý khi thẩm tra các dự án luật để đảm bảo điều này.

Cũng liên quan tới chính sách thuế, Thủ tướng nhắc tới thực tế có tư duy theo quan điểm lợi cho cơ quan quản lý mà chưa hướng tới bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Quyền của cơ quan quản lý theo Thủ tướng là rất lớn như cấp mã số thuế, kiểm tra, thanh tra, phong tỏa tài khoản, đình chỉ hóa đơn hay chuyển cơ quan điều tra. “Quyền của cơ quan nhà nước quá lớn nhưng quyền của người nộp thuế mà chủ yếu là DN, người dân thì rất ít” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt hơn, Thủ tướng chỉ ra thực trạng một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của DN. Thủ tướng cũng nhắc lại vụ việc mất tích 213 container tại cảng Cát lái (Thành phố Hồ Chí Minh), hay cán bộ trong ngành tại An Giang tiếp tay DN gian lận hàng trăm tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.

Cần phải có biện pháp mạnh mẽ dẹp bỏ tình trạng trên. Phát huy phong trào DN nói không với chi phí bôi trơn. Bộ Tài chính cũng cần đưa ra thông điệp: Cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì, xử lý nghiêm công chức hư hỏng trong đó bao gồm cả việc đưa ra khỏi ngành tùy theo mức độ vi phạm - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng cũng cho rằng việc thu ngân sách hiện nay vẫn coi trọng tăng thuế hơn mở rộng cơ sở thuế. Xã hội đã xuất hiện nhiều lĩnh vực mới, liên kết toàn cầu như thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, Uber, Grab. Đây là những “mỏ vàng” mở rộng cơ sở thuế nhưng theo Thủ tướng do chậm nghiên cứu kinh nghiệm nên lúng túng trong hoạch định để quản lý.

Ngoài ra, chính sách thuế được Thủ tướng nhận định là chưa theo kịp và tương thích với các nước nên với các hoạt động ngoài Việt Nam như chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần… Việt Nam thường không thu được thuế. Bên cạnh đó thanh kiểm tra thuế, hải quan còn tràn lan, gây khó cho DN. “DN nói quá nhiều thanh tra, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, thậm chí thanh tra tỉnh, sở tài chính, chưa kể Kiểm toán Nhà nước. Thanh tra nhiều nội dung nhưng xử lý khác nhau, DN hoăc chịu đựng hoặc kêu lên tận Văn phòng Chính phủ - Thủ tướng nêu rõ.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ kiên quyết chống tiêu cực trong toàn ngành tài chính, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan.

Ổn định chính sách tài chính, doanh nghiệp yên tâm - 1

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Internet).

Thực hiện chính sách tài khóa thận trọng

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà. Theo ông Hà, năm 2018 ngành tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Để thực hiện nhiệm vụ ngành tài chính năm 2018, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói: Sẽ bám sát Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ

Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế theo hướng cơ cấu lại nguồn, đảm bảo tính trung lập của thuế, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Đồng thời, tăng cường công tác thu, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức, mở rộng cơ sở thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao.

Đề cập tới nhiệm vụ thu của ngành hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: Mục tiêu đầu tiên của ngành là tiếp tục cải cách hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả quản lý hải quan; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động XNK phát triển. Cơ quan hải quan sẽ tập trung vào mở rộng quản lý tự động ở khu vực cảng biển và cảng hàng không, rút ngắn thời gian thông quan và làm thủ tục nhận hàng của DN cũng như nâng cao hiệu quả quản lý.

“Nhiệm vụ trọng tâm được hải quan coi trọng là tổ chức thu thuế đối với hàng hóa XNK, phấn đấu thu đạt xấp xỉ 295.000 tỷ đồng (tăng 4-5% so với chi tiêu Quốc hội giao là 283.000 tỷ đồng). Trong nội bộ ngành tiếp tục có các giải pháp chống thất thu về giá, xuất xứ hàng hóa, mã số thuế suất, chủng loại, chỉ ra từng đơn vị, DN, cá nhân; áp dụng giải pháp công nghệ trong quản lý. Công tác chống buôn lậu tiếp tục được tăng cường, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra công vụ” - ông Nguyễn Văn Cẩn nói.

Đứng ở vị trí là đơn vị có nguồn thu ngân sách lớn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, ngành thuế sẽ tiếp tục báo cáo Bộ Tài chính, kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết xóa nợ đối với một số khoản nợ khó đòi, nợ dây dưa nhiều năm trên cơ sở phân loại rõ ràng các khoản nợ để làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Cùng với nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; tiếp tục sửa đổi bổ sung các quy trình quy chế. Đặc biệt, cơ quan thuế các cấp sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

Theo công bố từ Bộ Tài chính, dự toán thu cân đối ngân sách năm 2018 là hơn 1,319 triệu tỷ đồng trong đó riêng thu nội địa đạt 1.099 triệu tỷ đồng, thu dầu thô đạt 35.900 tỷ đồng và dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 179.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ổn định chính sách tài chính, doanh nghiệp yên tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO