Ổn định nguồn vaccine tiêm chủng cho người dân

An Thái 14/05/2022 14:00

Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline-GSK (Bỉ) và Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược toàn diện và lâu dài về cung ứng vaccine cho người dân Việt Nam.

Tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa

Sự hợp tác này mở ra cơ hội để đưa về Việt Nam nhiều loại vaccine mới, vaccine khan hiếm với số lượng lớn nhằm phục vụ nhu cầu tiêm chủng cho người dân.

Cơ hội tiếp cận nhiều loại vaccine mới

Vaccine đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, tại nước ta có những thời điểm rơi vào tình trạng khan hiếm những loại vaccine như: Vaccine thủy đậu, vaccine “5 trong 1”, vaccine “6 trong 1”. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng loạn giá vaccine, mỗi nơi mỗi kiểu.

Trước thực tế đó, Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược vừa qua giữa Tập đoàn GSK và VNVC hướng đến cam kết việc cung ứng vaccine với số lượng lớn cho Việt Nam và tạo điều kiện đưa về Việt Nam thêm nhiều vaccine mới, vaccine quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định nguồn vaccine cho trẻ em và người lớn tại Việt Nam. VNVC và GSK cũng cam kết cùng thực hiện nhiều hoạt động quan trọng như hướng thiết lập chuỗi cung ứng vaccine bền vững, mở rộng độ bao phủ vaccine đến mọi đối tượng, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của vaccine trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Theo bà Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC, dịch bệnh kéo dài trong hơn 2 năm qua đã gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Mặc dù vậy, Tập đoàn GSK vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho VNVC kịp thời giúp hàng triệu trẻ em và người lớn được phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tránh nguy cơ dịch chồng dịch, đây là điều rất có ý nghĩa cho cộng đồng.

Đại diện Tập đoàn GSK tại Việt Nam cho hay: Trong thời gian tới, GSK sẽ nỗ lực đưa về Việt Nam những loại vaccine mới. Đặc biệt là vaccine có thành phần thủy đậu, vaccine viêm gan A, viêm màng não tuýp B, não mô cầu ACYW, vaccine phòng virus Zona, cúm; mở rộng đối tượng tiếp cận đến người lớn và phụ nữ mang thai…

Cùng với đó, thời gian qua, VNVC đã ký kết hợp với tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới AstraZeneca đặt mua thành công 55 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sớm nhất được tiếp cận với nguồn vaccine phòng Covid-19 chất lượng, góp phần quan trọng vào chiến dịch tiêm chủng thần tốc, hiệu quả, ngăn chặn thành công dịch bệnh.

Chú trọng tiêm bổ sung các vaccine có tỷ lệ tiêm chủng thấp

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Năm 2021 là năm nhiều khó khăn đối với công tác tiêm chủng mở rộng, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng trên toàn quốc; phải duy trì công tác tiêm chủng mở rộng trong bối cảnh dịch Covid-19, có thời điểm nhiều địa phương phải tạm dừng công tác tiêm chủng thường xuyên do giãn cách xã hội, nhiều hoạt động tiêm chủng bổ sung đã không thể triển khai theo kế hoạch, nhân lực y tế nhân lực tiêm chủng phải ưu tiên cho hoạt động chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng e ngại đưa con đi tiêm chủng trong thời gian dịch bệnh, chính vì vậy năm 2021 là năm mà tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp nhất trong nhiều năm qua, mặc dù các địa phương cũng đã nỗ lực tổ chức tiêm vét, tiêm bù nhưng hầu hết các vaccine chưa đạt chỉ tiêu so với kế hoạch cho thấy ảnh hưởng lớn chưa từng có của dịch Covid-19 đến công tác tiêm chủng mở rộng.

Về kế hoạch năm 2022, tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng mở rộng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa kết thúc, để có thể bảo vệ được các thành quả đã đạt được cần tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên, tổ chức các chiến dịch tiêm bổ sung các vaccine có tỷ lệ tiêm chủng thấp như vaccine bại liệt, vaccine sởi - rubella, vaccine uốn ván - bạch hầu hấp phụ (Td) để phòng bệnh bạch hầu….

Theo Bộ Y tế, năm 2022 sẽ triển khai mũi 2 vaccine bại liệt IPV cho trẻ dưới 1 tuổi nhằm củng cố miễn dịch phòng bệnh bại liệt và bảo vệ vững chắc thành quả thanh toán bệnh bại liệt. Đồng thời thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc đưa vaccine mới vào tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022-2030 từ năm 2022 sẽ dần từng bước đưa thêm vaccine phòng bệnh mới Rota vào tiêm chủng miễn phí cho trẻ em.

Trước đó, đầu tháng 5/2022, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) năm 2022 tại 32 tỉnh, thành phố.

Trong các năm từ 2004-2012, bệnh bạch hầu cơ bản được khống chế ở Việt Nam với số ca mắc trung bình hàng năm là 21 trường hợp. Tuy nhiên, giai đoạn năm 2013-2020 đã ghi nhận các ổ dịch bạch hầu xảy ra rải rác ở một số địa phương. Mặc dù số ca mắc bạch hầu trong năm 2021 đã giảm, nhưng nguy cơ dịch bệnh quay trở lại luôn hiện hữu, nhất là khi tỷ lệ tiêm phòng vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván giảm tại nhiều địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính vì vậy, theo Bộ Y tế, để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng, việc tiếp tục duy trì triển khai vaccine Td cho trẻ 7 tuổi tại các địa bàn nguy cơ là hết sức cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ổn định nguồn vaccine tiêm chủng cho người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO