Ông Biden công du châu Âu cùng thông điệp ‘Nước Mỹ trở lại’

Phan Quang Vũ 13/06/2021 06:24

Ngày 10/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chào đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai bên, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Carbis Bay, Cornwall (Anh).

Ông Johnson nói “mọi người đều rất vui mừng”. Thủ tướng Anh đã ca ngợi nhà lãnh đạo Mỹ như “một làn gió mới” vì ông Biden muốn hợp tác với Anh và châu Âu hàng loạt vấn đề lớn, từ biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 cho đến vấn đề an ninh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng phu nhân đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân tại Carbis Bay, Cornwall, hôm 10/6. Nguồn: Evening Standard.

Họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Anh Johnson cho biết: Chúng tôi đang nỗ lực làm việc cùng nhau, đây là một làn gió mới. Chúng tôi đã trải qua một phiên thảo luận dài về hàng loạt vấn đề. Đề cập đến việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, ông Johnson nhấn mạnh rằng, Mỹ, Anh và EU “hoàn toàn hòa hợp” trong nhiều vấn đề quan trọng, để cùng tiến về phía trước khi mà “nước Mỹ đã trở lại”.

Liên kết đồng minh, hồi phục kinh tế

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài 8 ngày của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chính thức mở đầu bằng Hội nghị G7 tại Anh với nghị trình rộng lớn, từ vấn đề Anh - EU, đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu, cho tới chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Theo hãng tin AP, mục tiêu chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden là nhằm tái khẳng định vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, “vỗ về các đồng minh châu Âu vốn đang hoang mang” và thúc đẩy những sáng kiến liên kết phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trước khi lên chiếc Air Force One từ căn cứ quân sự Andrews ở bang Maryland để lên đường đến Anh, ông Biden phát biểu trên tờ Washington Post: “Trong thời điểm bất ổn toàn cầu, khi thế giới vẫn phải vật lộn với đại dịch thế kỷ, chuyến công du của tôi nhằm hiện thực hóa cam kết đã được khôi phục của Mỹ với các đồng minh và đối tác, và thể hiện năng lực của chúng ta trong việc vừa đối phó với các thách thức, vừa ngăn ngừa các mối đe dọa của kỷ nguyên mới”. Ông Biden cũng cho biết, chuyến đi cũng là nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới toàn thế giới rằng quan hệ giữa Mỹ và châu Âu vẫn đang “rất khăng khít”.

Chặng dừng chân đầu tiên của ông Biden là ngôi làng ven biển St. Ives của tỉnh Cornwall, nước Anh, nơi ông sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7, trong đó nội dung quan trọng nhất chính là tìm ra sáng kiến tái thiết sau đại dịch Covid-19. Trước ngày diễn ra hội nghị chính thức, cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính khối G7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản đã nhất trí đánh thuế các tập đoàn công nghệ cao ít nhất 15%.

Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để tái thiết, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và trợ cấp thất nghiệp cũng như hỗ trợ tài chính cho những lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất từ Covid-19.

Đáng chú ý, AP còn cho rằng ông Biden tới châu Âu cùng một hành trang đầy thiện chí với kế hoạch công bố Mỹ sẽ mua và tài trợ 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer Inc/BioNTech cho khoảng 100 quốc gia trong vòng 2 năm tới.

Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, cho biết chuyến đi của ông Biden đã được chuẩn bị “hết sức chu đáo” để khẳng định rằng “nước Mỹ đã trở lại” với những đồng minh truyền thống châu Âu. Ở phía khác, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết châu Âu sẵn sàng hợp tác với Mỹ và chuyến công du của ông Biden sẽ hiện thực hóa điều này.

Ông Biden phát biểu trước binh sĩ Mỹ đóng quân tại Anh. Ảnh Reuters.

Không chỉ biểu tượng mà còn rất thực tế

Tổng thống Biden rời Mỹ vào thời điểm chương trình nghị sự trong nước của ông đang gặp nhiều trở ngại, khi các cuộc đàm phán giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về gói đầu tư cơ sở hạ tầng sụp đổ và các ưu tiên lập pháp khác, chẳng hạn như quyền bỏ phiếu vấp phải những nghi ngờ nghiêm trọng. Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain, phụ tá lâu năm của ông Biden, đang ở lại Washington để giữ cho các ưu tiên đó đúng hướng.

Giới quan sát cho rằng, dù trọng tâm của vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ trong những tháng đầu nhiệm kỳ là giải quyết các vấn đề bên trong lãnh thổ Mỹ, chủ yếu là đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, nhưng chính sách đối ngoại vẫn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông.

Theo CNN, ông Biden là người có nhiều kinh nghiệm ngoại giao. Thời còn làm Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama, ông Biden đã có các chuyến công cán tới hơn 50 nước trên thế giới, với tổng quãng đường di chuyển trên 1,9 triệu km, có nghĩa là ông đã đi vòng quanh Trái Đất 48 lần.

Ông cũng sẽ trở thành vị Tổng thống Mỹ thứ 13 diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại lâu đài Windsor.

Trong những mục tiêu đặt ra trong chuyến công du lần này của ông Biden, thì việc củng cố liên minh truyền thống với châu Âu là quan trọng hơn cả. Trong một bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1/2021, ông Biden đã tuyên bố với các đồng minh và đối tác rằng: Lên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại. Chúng ta không nhìn lại phía sau. Chúng ta sẽ cùng nhau hướng nhìn về phía trước.

Chuyến công du lần này của ông Biden, theo giới quan sát, không chỉ mang tính biểu tượng mà rất thực tế. Những năm gần đây quan hệ giữa Mỹ và châu Âu rạn nứt khi mà hai bên áp thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng của nhau và nền tảng chủ nghĩa đa phương bị xói mòn khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan lên ngôi.

Tuy nhiên, theo New York Times, thách thức với ông Biden hiện nay là chính giới châu Âu vẫn còn hoài nghi về sự ổn định và tính bền vững chính sách của Washington, khi đến năm 2024 nước Mỹ lại có một Tổng thống mới. Hiện 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề về thương mại, thuế quan, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu, đóng góp của các nước thành viên cho NATO...

Trong chuyến công du 8 ngày tới châu Âu lần này, ông Biden đưa Jeff Zients - một trong những cố vấn chống đại dịch hàng đầu của Nhà Trắng đi cùng. Điều đó cho thấy đề tài virus SARS CoV-2 sẽ là một trong những chủ đề nghị sự quan trọng giữa các bên.

Ông Biden cũng tỏ ra lo ngại khi được cho là có thể sẽ phải đối mặt với sự bất bình của người châu Âu vì Mỹ tích trữ dư thừa vaccine nhưng lại chậm trễ chia sẻ với thế giới. Cùng đó, Nhà Trắng đã cam kết xóa bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, trong khi một số nước châu Âu, nổi bật là Đức, lại cực lực phản đối.

Về vấn đề này, CNN cho rằng, Tổng thống Mỹ sẽ tìm cách trấn an các đồng minh về vai trò của Mỹ trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 và ​​sẽ đưa ra một thông báo quan trọng liên quan đến sản xuất chế phẩm này tại Hội nghị thượng đỉnh G7.

Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Âu của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, “chính sách vaccine” ông Biden mang tới châu Âu chính là quan điểm mới của nước Mỹ về đại dịch Covid-19. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy sự kết nối mạnh mẽ của các nền kinh tế G7. Đó cũng chính là “hành lang thông thoáng để tăng tốc con tàu kinh tế khi dịch bệnh được khống chế”.

Tìm tiếng nói chung giữa hai bờ Đại Tây dương

Tuy nhiên, muốn có được tiếng nói chung giữa hai bờ Đại Tây dương thì cả ông Biden lẫn châu Âu còn phải nỗ lực rất nhiều. Xu hướng của ông Biden về chính sách “mua hàng Mỹ”, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ, là một trong những lý do khiến EU đã chuẩn bị một công cụ pháp lý mới nhằm đảm bảo sự nhượng bộ lẫn nhau trong các hợp đồng lớn. Việc giải quyết những tranh chấp thương mại kéo dài sẽ là phép thử thực sự cho những tuyên bố về việc làm mới lại mối quan hệ tốt đẹp xuyên Đại Tây Dương.

Trong đó đáng chú ý là việc nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Pháp muốn đưa tất cả các công ty công nghệ lớn (Big Tech) của Mỹ “vào khuôn khổ”, nhưng điều đó sẽ không dễ dàng có được cái gật đầu của ông Biden.

Một vấn đề nữa cũng được cho là ”vướng mắc quan trọng” đó là Dòng chảy phương Bắc 2. Cho tới nay EU vẫn không thể tìm ra giải pháp hợp lý để xóa bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dưới biển từ Nga sang Đức. Các nước công khai phản đối như Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia đã hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ giúp họ xóa bỏ dự án do Gazprom hậu thuẫn này.

Nhưng giấc mơ đó đã “tiêu tan” vào cuối tháng 5, khi ông Biden không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Về vấn đề này, nói như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì các lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tạo ra “một cái giếng nhiễm độc với một trong những đối tác thân cận nhất của chúng tôi, Đức”.

Như vậy, ông Biden có thể làm hài lòng Moscow, Berlin, nhưng với nhiều quốc gia châu Âu khác thì đó lại là điều ”không thể chấp nhận''.

Lịch trình chuyến công du 8 ngày của ông Biden

Ngày 9/6: Ông Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đến Anh. Ông Biden gặp mặt các quân nhân thuộc Không quân Mỹ đóng tại đây.

Ngày 10/6: Ông Biden gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson ở Cornwall, Anh.

Ngày 11 đến ngày 13/6: Ông Biden cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) trong 3 ngày.

Ngày 13/6: Ông Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại lâu đài Windsor. Sau đó lên đường tới Brussels (Bỉ).

Ngày 14/6: Ông Biden dự cuộc gặp đầu tiên với các lãnh đạo NATO; có cuộc gặp riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Ngày 15/6: Ông Biden tiếp tục dự các cuộc gặp của NATO và sau đó bay tới Geneva (Thụy Sĩ).

Ngày 16/6: Ông Biden gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva. Sau đó trở về nước Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Biden công du châu Âu cùng thông điệp ‘Nước Mỹ trở lại’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO