Ông Biden và tham vọng tái thiết nước Mỹ

Thế Tuấn 05/04/2021 06:54

Với kế hoạch đầy tham vọng tái thiết nước Mỹ trong vòng 8 năm, số tiền dự kiến bỏ ra là 2.000 tỉ USD, ông Biden được đánh giá là “một vị Tổng thống mạnh mẽ bất chấp tuổi tác”. Trước đó, ông Biden cũng đã đặt bút ký giải ngân gói hỗ trợ 1.900 tỉ USD phục hồi kinh tế Mỹ trước đại dịch Covid-19.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đề nghị gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD ngay sau khi gói hỗ trợ 1.900 tỉ USD được triển khai.

Dự tính chi 2.000 tỉ USD để tái thiết nước Mỹ của ông Biden gấp đôi so với vị Tổng thống tiền nhiệm, ông Donald Trump, trong năm 2016 là chi 1.000 tỉ USD vào các tuyến đường bộ, đường sắt với lí do “rất nhiều cây cầu có nguy cơ đổ sập”. Giới quan sát nhìn nhận, 75 ngày bước vào Nhà Trắng, hóa ra ông Biden lại có nhiều quyết định mạnh mẽ hơn người ta trông chờ ở một vị Tổng thống “truyền thống”.

1.Những động thái mới rất mạnh mẽ của ông Biden khiến người ta nhớ lại, ngay trong ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng, trong Phòng Bầu dục, vị tân Tổng thống Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh. “17 sắc lệnh được ký ngay trước các ống kính truyền hình. Sắc lệnh đầu tiên buộc phải mang khẩu trang tại các công sở của chính quyền liên bang. Sắc lệnh này khẳng định cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là một ưu tiên của Tổng thống. Ông Joe Biden cũng chính thức quyết định đưa Hoa Kỳ trở lại với Thỏa thuận Khí hậu Paris, và ra lệnh hủy bỏ việc cấp phép cho các hoạt động khoan dầu tại những khu vực nằm trong diện được bảo vệ. Đây là một cách để khẳng định quyết tâm chú trọng thực sự đến các vấn đề môi trường. Cùng đó là các sắc lệnh đối với người nhập cư… Ông Biden muốn một nước Mỹ đoàn kết, mở cửa ra với thế giới và tôn trọng môi trường”, nhận xét của truyền thông Pháp.

Trong bài viết có tựa đề “Khởi đầu mạnh mẽ của Tổng thống Biden”, tạp chí The Economist cho rằng cam kết đó của ông Biden dường như có vẻ đáng tin cậy, cho dù đó là những dự án lớn, cần rất nhiều nguồn lực và thời gian. The Economist nêu rõ, ông Biden muốn chi thêm 2.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng, cả cứng và mềm, trong 8 năm tới. Trong đó sẽ có 400 tỉ USD dành cho ngành chăm sóc sức khỏe và 180 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ ít phát thải carbone.

Đáng chú ý, vẫn theo The Economist, số tiền khổng lồ đó được lấy từ ngân sách liên bang nhưng nó sẽ được bù lại bằng cách tăng thuế đối với các tập đoàn, điều mà rất ít Tổng thống trước ông Biden “dám” làm, vì ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế lên các chính khách Mỹ là rất ghê gớm.

Hứng thú trước những dự định táo bạo của ông Biden, nhà sử học Michael Beschloss còn nói rằng “kỷ nguyên Biden đã đến”. Ông này cho rằng ông Biden xứng đáng sánh ngang với hai trong số các Tổng thống Dân chủ đổi mới nhất trong thế kỷ XX, đó là Franklin Roosevelt và Lyndon Johnson.

Bình tĩnh hơn, giới quan sát chính trường Mỹ cho rằng, ông Biden có thể quyết nhiều vấn đề lớn vì khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông có nhiều lợi thế. Nhất là đại dịch Covid-19 đã làm cho nước Mỹ bải hoải nên bắt buộc phải tìm ra cách vượt thoát “với bất cứ giá nào”. Với đại dịch Covid-19, “đã qua rồi cái thời đưa ra những lời khuyên hợp lý và an ủi gia đình các bệnh nhân xấu số”, nay nước Mỹ đã tiêm chủng vaccine một cách ào ạt.

Ông Biden bước vào cuộc chiến “hậu Covid-19” khi nước Mỹ dư thừa vaccine. Mặt khác, khi đề xuất những gói chi tiêu khổng lồ, Nhà Trắng cũng không gặp quá nhiều cản trở vì đã đến lúc phải bơm tiền ra nếu không muốn nền kinh tế tiếp tục suy thoái, và phải gấp rút vực dậy kinh tế Mỹ với vị trí dẫn đầu thế giới.

2.Trở lại với khoản kinh phí 2.000 tỉ USD, nói với Reuters, ông Biden nhấn mạnh: “Đây là khoản đầu tư chỉ có một lần ở nước Mỹ, nó không giống bất kỳ điều gì chúng ta từng chứng kiến hoặc đã thực hiện trước đây. Nó lớn, nó táo bạo và chúng ta có thể hoàn thành nó”.

Còn theo một bình luận của Hãng tin CNBC, thì khoản kinh phí khổng lồ kia sẽ mang lại cho nước Mỹ những dự án thu hút hàng triệu người tham gia xây dựng những cơ sở hạ tầng như đường xá, giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu và đẩy mạnh các dịch vụ dân sinh như chăm sóc người cao tuổi.

Bình luận viên của CNBC cho rằng, nếu 621 tỉ USD được rót vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, như sửa chữa đường xá, nâng cấp hệ thống giao thông, ưu tiên phát triển các phương tiện giao thông chạy bằng điện… thì lập tức nó sẽ làm nền kinh tế Mỹ “trỗi dậy”.

Cũng chính từ những ưu tiên hàng đầu này mà ông Biden được người Mỹ “chấm điểm” khá cao. Thông tin này được đưa ra trong một cuộc thăm dò mới đây do ABC News/Ipsos thực hiện. Theo đó, 72% những người được hỏi nói họ ủng hộ cách thức ông Biden xử lý đại dịch Covid-19 (con số đó đầu tháng 2 là 68%). Tới hết tháng 3, chỉ 28% số người được hỏi không tán thành cách ông Biden đối phó với Covid-19.

Về việc phân phối vaccine Covid-19, cứ 4 người được hỏi thì có 3 người hài lòng. Tới nay, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết đã có hơn 1/3 dân số trưởng thành của nước này (35%) nhận được ít nhất một liều vaccine. Trong hôm 25/3, Tổng thống Joe Biden đã mở đầu cuộc họp báo chính thức đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống bằng cam kết tăng gấp đôi mục tiêu ban đầu về vaccine, lên tới 200 triệu liều khi kết thúc 100 ngày đầu tiên nắm quyền.

Về kinh tế, vẫn theo thăm dò của ABC News/Ipsos, 60% số người được hỏi tán thành cách ông Biden điều hành, chỉnh đốn nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn. Còn về cách ông Biden “ứng xử” với cuộc khủng hoảng y tế công, có tới 96% số người được hỏi tán thành.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đã “xuôi chèo mát mái”, ông Biden vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề cam go khác. Trong đó, nhập cư là phân cực nhất trong loạt vấn đề được nêu trong cuộc thăm dò, với đa số thành viên Cộng hòa (89%) và cá nhân độc lập (54%) không ủng hộ ông Biden. Đáng chú ý, có tới 1/3 thành viên Dân chủ (đảng của ông Biden) cũng nói như vậy.

Tương tự, cách xử lý bạo lực súng đạn của ông Biden không nhận được sự đồng tình từ 86% thành viên Cộng hòa, 56% cá nhân độc lập và 37% thành viên Dân chủ.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Biden, đó là lời hứa “hàn gắn nước Mỹ”. Nhưng ở vào thời điểm cuối tháng 3/2021, có nghĩa là đã hơn 2 tháng kể từ ngày 20/1, ông Biden chính thức làm việc trong Nhà Trắng, cho đến nay vẫn đạt được rất ít tiến bộ. Thăm dò của ABC News/Ipsos cho thấy, 30% người Mỹ được hỏi nghĩ rằng ông Biden đang làm cho đất nước đoàn kết hơn, tỷ lệ tương tự nghĩ ông đang khiến đất nước trở nên chia rẽ hơn. Còn lại có đến 40% số người được hỏi “không biết trả lời ra sao”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Biden và tham vọng tái thiết nước Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO