Ông Lê Truyền: Dựa vào nhân dân, nguồn lực Mặt trận là vô tận

Cẩm anh (thực hiện) 30/10/2020 10:00

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết nhìn nhận công tác Mặt trận ngày nay ở nhiều khía cạnh.

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết.

PV:Thưa ông, là người gắn bó với công tác mặt trận, nhìn lại thời điểm ra đời và lịch sử 90 năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nếu nói một cách khái quát nhất thì ông sẽ nói gì về vai trò to lớn của Mặt trận đối với sự nghiệp cách mạng, với đất nước và nhân dân?

Ông Lê Truyền: Lịch sử 90 năm của Đảng cộng sản Việt Nam và lịch sử 90 năm của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam là lịch sử của quá trình gắn bó keo sơn giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam thực hiện phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong các giai đoạn: Từ lúc hoạt động bí mật đến khi hoạt động công khai, từ lúc chưa có chính quyền đến khi đã giành được chính quyền, từ vùng tạm chiếm đến vùng tự do, từ trong điều kiện có chiến tranh đến điều kiện hoà bình xây dựng, từ khi đất nước bị chia cắt làm hai miền đến khi Tổ quốc thống nhất, cả nước cùng tiến hành xây dựng đất nước.

Thưa ông, trong bối cảnh đất nước ở giai đoạn hiện nay, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong hệ thống chính trị?

- Nói điều này thì không phải vì mình là người làm công tác mặt trận mà mình đề cao. Nhưng rõ ràng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn có vai trò rất quan trọng, chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng, công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng. Trong điều kiện nước ta Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò nòng cốt phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, làm đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Vì thế cần phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Mặt trận trong việc mở rộng thực hành dân chủ ở các cấp, trên mọi lĩnh vực, coi đây là nội dung hoạt động quan trọng của Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước thông qua quy định về góp ý và quy chế giám sát, phản biện xã hội. Thực chất đây là hoạt động quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân. Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thể hiện tương xứng với yêu cầu mới trong cơ chế tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nòng cốt phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Thưa ông, trong những năm gần đây, vai trò và vị thế của Mặt trận đã được khẳng định mạnh mẽ, rõ ràng trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Càng ngày mật độ khẳng định về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những văn kiện của Đảng càng tăng thêm. Trong thực tế người dân cũng cảm thấy Mặt trận ở thời kỳ này có vai trò quan trọng.

Thưa ông, yếu tố quan trọng nhất để đoàn kết dân tộc trong tình hình hiện nay là gì?

- Chủ trương, đường lối, chính sách đúng, hợp lòng dân mới là yếu tố quan trọng nhất để có đồng thuận và đoàn kết dân tộc. Chứ nhiều khi bộ, ngành hoặc địa phương triển khai những việc không hợp lòng dân mà cứ đòi hỏi Mặt trận phải đi “kê cho bằng” thì Mặt trận có tài thế nào cũng không thể làm được. Mặt trận muốn tập hợp đoàn kết thì một mặt vừa phải vận động nhân dân nhưng mặt khác phải làm sao có tiếng nói để đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khớp với lòng dân thì vai trò tập hợp đoàn kết của Mặt trận mới phát huy được.

Các cấp Mặt trận hiện nay đang thực hiện - kể từ sau khi được Hiến pháp 2013 khẳng định - vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội, thưa ông. Nhưng đó là những việc rất mới và rất khó, nhiều khi vào những việc cụ thể thì cũng khó nhìn thấy những hiệu ứng đạt được ngay lập tức.

- Tất cả các việc ấy đều được nói đến, đặt ra từ lâu rồi. Bây giờ mới đủ điều kiện để thực hiện thôi. Có một từ rất quan trọng, trước đây ta vẫn nói nhưng đến Hiến pháp 2013 mới được công nhận chính thức, đó là từ “đại diện”: Mặt trận đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thường nếu tôi là một người đại diện thì phải đại diện cho ai? trước ai? Vậy ở đây có thể hiểu Mặt trận đại diện cho nhân dân trước Đảng và Nhà nước. Điều này quan trọng vì nó xác lập vị trí của Mặt trận.

Khi xã hội đồng thuận, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật và lòng dân khớp với nhau thì Mặt trận là cầu nối gắn kết tất cả những mối quan hệ đó. Khi những mối quan hệ ấy chưa khớp thì Mặt trận làm gì? Đó là chỗ cần lý giải, từ ban công tác mặt trận ở cộng đồng dân cư đến các cấp mặt trận đều phải có một cái cách tiếp cận như thế thì mới phát huy được vai trò đại diện cho nhân dân của Mặt trận.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình Phạm Thị Hân trao quà hỗ trợ cho người dân ở vùng lũ huyện Lệ Thủy.

Ông có suy nghĩ gì về khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay?

- Nói đến chính sách đại đoàn kết, vấn đề đầu tiên là phải nhận biết và tôn trọng tính đa dạng, sự khác biệt giữa các tầng lớp nhân dân trong xã hội, mà xu hướng là sự khác biệt, tính đa dạng ngày càng tăng lên. Vậy muốn đại đoàn kết được trong bối cảnh như thế thì phải chọn 1 mục tiêu chung để làm điểm tương đồng. Tất cả những gì không phù hợp với điểm tương đồng chung để tập hợp đoàn kết thì phải bỏ ra khỏi mục tiêu chung. Hòa hợp dân tộc (đừng hiểu hòa hợp dân tộc chỉ là vấn đề sau chiến tranh, bên này bên kia) chính là phải mở rộng điểm tương đồng, bỏ những cái chưa phù hợp với giới này giới khác, người này người khác, nhóm này nhóm khác. Ví dụ ngay ở một làng quê nhỏ ngày xưa tất cả đều nghèo, đều trong họ ngoài làng thì nó khác. Nay cũng làng quê ấy do quá trình đô thị hóa tác động, do thay đổi cơ cấu kinh tế, cách làm ăn, do di dân từ các nơi khác đến… thì đã có sự đa dạng, khác biệt của một cộng đồng dân cư. Không thể lấy họ hàng, làng mạc để đoàn kết dễ dàng như ngày trước được nữa. Bây giờ đoàn kết là phải quan tâm đến từng nhóm người trong xã hội, đáp ứng nhu cầu của họ nhưng không trái với lợi ích chung.

Làm cách nào để đoàn kết tất cả những sự đa dạng, khác biệt ấy lại? Chúng ta mong muốn tập hợp được mọi người, đoàn kết được với nhau, thì phải tìm được điểm tương đồng. Rồi mỗi người sẽ góp sức vào theo quan điểm và chỗ đứng của họ cho mục tiêu chung mà đã tìm thấy điểm tương đồng. Làm đường lối, chính sách đại đoàn kết bây giờ phải bắt nguồn từ căn cơ như thế. Bắt nguồn từ truyền thống nhân ái, khoan dung, dân chủ, không hẹp hòi để nhân dân tự nguyện đi theo mục tiêu chung, là dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Chính vì sự đa dạng của các tầng lớp nhân dân hiện nay mà nói đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân cũng không đơn giản, thưa ông?

- Rắc rối lắm chứ không đơn giản, để xác định như thế nào là quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng trong các trường hợp cụ thể. Nguyện vọng của nhân dân thì nhiều, đa dạng, phong phú. Nhân dân nêu rất nhiều nguyện vọng khác nhau thì xác định như thế nào là quyền hợp pháp, chính đáng. Có những quyền lợi phù hợp với nhóm người này, với nhóm khác lại không thích hợp. Ví dụ tôi nhớ có lần tranh luận về vấn đề có thanh toán bảo hiểm một lần hay không. Đó đúng là lợi ích của người lao động, nhưng những người lao động lại có những hoàn cảnh, nhóm người lao động rất khác nhau. Từ việc cụ thể này để thấy có những lợi ích hợp pháp và chính đáng phải xuất phát từ lợi ích của từng nhóm người cụ thể để kiến nghị thay đổi chính sách cho phù hợp.

Rồi ngay cả với những kiến nghị mà mình cảm thấy chưa chính đáng, chưa hợp pháp thì cũng phải lý giải cho nhân dân thế nào đó. Phải bằng những con đường tiếp xúc, thảo luận trao đổi kỹ để tìm tiếng nói đồng thuận.

Thưa ông, đi vào việc cụ thể của Mặt trận hiện nay là giám sát, phản biện xã hội. Ở rất nhiều cấp Mặt trận cơ sở, nhiều cán bộ mặt trận nói rằng vẫn còn rất nhiều điểm vướng khi thực hiện?

- Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Mặt trận đại diện cho nhân dân là góp phần vào để quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Suy cho cùng cứ làm thật rõ, thật đúng vai trò đại diện thì sẽ làm tốt được giám sát - phản biện. Giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân. Giám sát - phản biện xã hội của Mặt trận phải bắt nguồn từ phát hiện của nhân dân, mong mỏi của nhân dân để nâng cao tính hiệu quả của giám sát.

Khi nào giám sát của Mặt trận bắt nguồn từ ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì nó sẽ có sức mạnh. Đặt vấn đề như thế là đòi hỏi sự gắn kết của hệ thống thông tin giữa các cấp Mặt trận với ý kiến của nhân dân, thông qua báo cáo, thông qua các đợt đi khảo sát, thông qua đợt giám sát chuyên đề. Nhìn vào lực lượng giám sát đừng chỉ nhìn vào bộ máy của Mặt trận các cấp mà phải nhìn vào sự hưởng ứng ủng hộ của nhân dân, nếu nhân dân tin tưởng vào Mặt trận thì nhân dân sẽ tham gia giám sát cùng Mặt trận, đó mới thực chất là sức mạnh của nhân dân. Cho nên về nguồn lực mà nói thì vô tận, tai mắt nhân dân thì ở đâu cũng có. Nhưng ngược lại, Mặt trận phải làm có hiệu quả thì nhân dân mới có lòng tin, niềm tin ấy được duy trì và phát triển, thành sức mạnh đồng thuận.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) Trần Thị Tuyết Lan trao hỗ trợ người dân ở vùng cồn bãi sông Gianh.

Thưa ông, ở góc độ của mình ông còn điều gì còn băn khoăn về công tác mặt trận hiện nay, nhất là việc chăm lo bồi dưỡng cán bộ Mặt trận đặc biệt ở cấp cơ sở?

- Theo tôi thì có còn những nơi nhất là ở cấp cơ sở, đội ngũ cán bộ mặt trận chưa được chăm lo tương xứng với vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận ở thời kỳ này. Cho nên càng phải đặt vấn đề đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận. Để xóa bỏ tất cả những nhận thức chưa đúng về Mặt trận thì tự các cấp Mặt trận phải chứng minh bằng chính việc mình làm.

Cần sớm có biện pháp tháo gỡ, giải tỏa những băn khoăn, trăn trở đã có từ lâu trong những người làm công tác Mặt trận. Đó là, xác định vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc là rất quan trọng, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, nhưng điều kiện bảo đảm lại chưa tương xứng, đặc biệt là chính sách cán bộ chưa thỏa đáng...

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Lê Truyền: Dựa vào nhân dân, nguồn lực Mặt trận là vô tận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO