Ông Joe Biden đối diện với một thế giới nhiều đổi thay

Phan Quang Vũ 06/12/2020 07:00

Theo tờ Vox, sau ngày chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ thay ông Donald Trump, ngày 20/1/2021, ông Joe Biden sẽ có quá nhiều việc phải làm.

Đối nội, ông Biden có trách nhiệm “hàn gắn nước Mỹ” như ông từng hứa, cùng đó phải là tìm cách đương đầu với đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế. Đó là một núi công việc nặng nề, và với đối ngoại cũng nặng nề không kém.

Theo giới quan sát, về đối ngoại, tất nhiên ông Biden phải lo những vấn đề chiến lược. Tuy nhiên, một số vấn đề về chính sách đối ngoại ngắn hạn nhưng quan trọng cũng cần phải được dồn sức giải quyết trước tiên. Rất có thể sẽ là “rút củi đáy nồi” để không làm bùng lên ngọn lửa từ Iran, khi phải lường trước một hành động trả thù sẽ nổ ra do cái chết của nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh.

Ông Joe Biden khẳng định chính quyền của ông không phải “nhiệm kỳ Obama thứ ba” vì thế giới đã thay đổi quá nhiều.

1. Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran, Mỹ, các nước châu Âu, Nga và Trung Quốc đã đặt giới hạn nghiêm ngặt cho chương trình hạt nhân của Iran để Iran có thể được giảm trừng phạt. Mục tiêu của chính quyền Mỹ khi đó là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng con đường ngoại giao thay vì quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này năm 2018, áp đặt lại các biện pháp trừng phạt tài chính với Iran và đề nghị các nước châu Âu ngừng làm ăn với nước này.

Động thái này đã kích hoạt vòng xoáy leo thang căng thẳng kéo dài, khiến Iran tích trữ số lượng urani làm giàu nhiều gấp 12 giới hạn mà thỏa thuận cho phép. Hai nhân vật cấp cao Iran cũng bị sát hại, gồm Tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran và nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cáo buộc Israel sát hại ông Fakhrizadeh và cảnh báo: “Iran chắc chắn sẽ phản ứng sau sự hy sinh của nhà khoa học vào thời điểm thích hợp”.

Và như vậy nếu Iran trực tiếp hoặc gián tiếp tấn công Israel, ông Biden sẽ gặp nhiều áp lực trong việc ủng hộ Israel. Còn nếu Iran đáp trả các vụ ám sát này bằng cách tăng cường tấn công nhân sự Mỹ ở Iraq hoặc tìm cách ám sát quan chức Israel hoặc Mỹ, chính quyền của ông Biden sẽ gặp thách thức lớn.

Theo bà Ellie Geranmayeh, nhà phân tích về Iran tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu: “Phản ứng như vậy có thể sẽ làm giảm cơ hội ngoại giao với ông Biden cũng như cơ hội Mỹ giảm trừng phạt”.

Tiếp đó, cũng về hạt nhân, đó là vấn đề trên bán đảo Triều Tiên khi mà lại có thể có thêm những vụ thử tên lửa cực mạnh. Người ta vẫn chưa quên chỉ trong vòng vài tháng đầu khi ông Barack Obama nhậm chức, Triều Tiên đã thử tên lửa tầm xa và thiết bị hạt nhân. Còn trong năm đầu ông Trump làm Tổng thống, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên và thử quả bom hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay.

Nếu như vậy, buộc chính quyền của ông Joe Biden phải có phản ứng; tất nhiên không phải là phản ứng bằng chiến tranh.

Việc thứ ba, theo giới quan sát đó chính là Hiệp ước START mới (Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược) được Nga và Mỹ kí năm 2011, theo đó hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà hai nước sở hữu. Hiệp ước này sẽ hết hạn ngày 5/2/2021, khiến ông Biden phải gia hạn hiệp ước khi mới làm Tổng thống 16 ngày. Phần lớn chuyên gia đều cho rằng ông Biden và ông Putin sẽ nhanh chóng gia hạn hiệp ước trước hạn chót. Thách thức đối với ông Biden là hiện chưa rõ phía Nga sẽ làm gì trước khi đồng ý gia hạn START mới. “Rắc rối tiềm tàng này có thể khiến chính quyền của ông Biden tốn thời gian”- Michell Graphantid, chuyên gia vũ khí chiến lược đưa ra nhận xét.

Và việc thứ tư, cũng rất gấp rút là việc rút bớt quân Mỹ ở Afghanistan liên quan tới hòa đàm với Taliban. Trước đó, ông Trump đã chủ trương giảm số lượng binh sĩ Mỹ ở Afghanistan từ 4.500 xuống còn 2.500 vào ngày 15/1/2021, có nghĩa là chỉ 5 ngày trước khi ông Biden chính thức làm chủ Nhà Trắng.

Chuyên gia Jason Dempsey thuộc Trung tâm An ninh Mỹ nhận định: Rút thêm binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan khi các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan đang diễn ra có thể ảnh hưởng tới vị thế đàm phán của Kabul, khuyến khích Taliban thực hiện các vụ tấn công nhiều hơn.

Như vậy, câu hỏi đặt ra sẽ là ông Biden sẽ làm gì với số lực lượng còn lại ở Afghanistan?

Kinh tế nước Mỹ đang phải đối diện với suy thoái từ đại dịch Covid-19.

2. Kể từ ngày 7/11, khi ông Joe Biden được các hãng truyền thông “xướng tên” là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sau khi giành chiến thắng tại Pennsylvania và Nevada, nâng tổng số phiếu đại cử tri lên 290, thì giới quan sát chính trị đã đặt vấn đề ông Biden sẽ “làm gì với thế giới”?.

Các chiến lược gia về chính sách đối ngoại Australia tin rằng dưới “triều đại Joe Biden” nước Mỹ sẽ tham gia đầy đủ hơn với các đồng minh của mình ở khu vực châu Á -Thái Bình dương. Giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Australia Peter Jennings nhận định ông Biden sẽ đem lại những điều “tích cực” cho khu vực này.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) hy vọng ông Biden sẽ dẫn tới một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ xuyên Đại Tây dương, trên tinh thần thiện chí và hợp tác. Lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu cũng đã nhanh chóng chúc mừng ông Biden, bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ tạo xung lực mới cho mối quan hệ Mỹ - EU, tôn trọng các cam kết đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và thúc đẩy hướng tới một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU.

Trên thực tế, Đức, Canada và Pháp - đối tác G7 và NATO của Mỹ - là những nước đầu tiên công nhận chiến thắng của ông Joe Biden, ngay sau khi các hãng truyền thông lớn của Mỹ đưa tin. “Tôi mong đợi sự hợp tác trong tương lai với Tổng thống Biden” - Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết trong một tuyên bố trên Twitter.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông mong đợi chính quyền mới sẽ giải quyết “những thách thức lớn nhất của thế giới”, trong đó có biến đổi khí hậu - một vấn đề mà nhiều quốc gia không đồng quan điểm với ông Trump.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, cũng chọn chủ đề biến đổi khí hậu khi chúc mừng ông Biden: “Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi và tôi mong đợi sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước về các ưu tiên chung, từ biến đổi khí hậu đến thương mại và an ninh”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter: “Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để vượt qua những thách thức ngày nay. Hãy hợp tác cùng nhau”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngoài việc chúc mừng ông Biden cũng đưa ra lời chúc với bà Kamala Harris - người trở thành người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên giành được chức Phó Tổng thống Mỹ. “Thành công của bà là bước đột phá và là một điều vô cùng tự hào không chỉ đối với người dì của bà mà còn đối với tất cả những người Mỹ gốc Ấn Độ” - ông Modi viết.

Nhìn chung, giới chính trị gia thế giới đều hy vọng ông Biden sẽ đem đến luồng gió mới cho thế giới vốn đã và đang còn phải đối diện với rất nhiều căng thẳng. Người ta cho rằng, trong việc này vị nữ Phó Tổng thống, bà Harris sẽ chia sớt gánh nặng rất nhiều cho ông Biden, vì rằng bà nhận được thiện cảm từ khu vực châu Á lẫn châu Phi.

Là một chính trị gia lão luyện, ông Biden không vội đưa ra nhiều “ý tưởng” với thế giới. Trong khi, “dường như những vấn đề của nước Mỹ mới là mối bận tâm lớn lao”- nhận định của Fox news. Ngay cả những nhân vật quan trọng trong nội các mới được ông Biden chọn lựa, trong đó có cả Cố vấn An ninh quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng, Giám đốc CIA, Ngoại trưởng cũng không có một phát biểu nào rõ ràng. Điều đó cho thấy rất có thể với vấn đề đối ngoại, chính quyền của ông Biden sẽ “từ từ giải quyết” chứ không áp dụng liệu pháp sốc.

Ông Biden lần đầu tiên nói về vụ nhà khoa học hạt nhân Iran bị ám sát

Ngày 5/12, ông Joe Biden tái khẳng định mong muốn quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Tehran tuân thủ các điều khoản đã ký kết. Nhưng ông cũng khẳng định không chấp nhận việc cho phép Iran sở hữu năng lực hạt nhân. Trả lời phỏng vấn kênh CNN, lần đầu tiên ông Biden bày tỏ quan điểm cá nhân với vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu người Iran Mohsen Fakhrizadeh. Ông nhìn nhận, “rất khó để đánh giá xem vụ ám sát này” sẽ gây khó khăn như thế nào cho chính quyền của ông trong xử lý quan hệ với Tehran. Tuy nhiên, theo giới quan sát, câu trả lời của ông Biden là “chưa rõ ràng”, tuy rằng người ta có thể thấy ông không muốn đẩy vụ việc này tới chỗ căng thẳng trước một quốc gia đã tiến gần đến ngưỡng có đủ nhiên liệu để chế bom nguyên tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Joe Biden đối diện với một thế giới nhiều đổi thay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO