Ông Tất Thành Cang đã qua mặt lãnh đạo Thành ủy TP HCM như thế nào?

LÊ ANH 14/01/2021 06:45

Dù biết rõ vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ và sai quy định của Luật Doanh nghiệp, thế nhưng ông Tất Thành Cang khi còn là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM vẫn chấp thuận chủ trương cho Văn phòng Thành ủy TP HCM được biểu quyết phương án phát hành cổ phần, từ đó gây thiệt hại số tiền lớn cho Nhà nước…

Bút phê sai quy định

Ngay sau khi Cơ quan CSĐT thuộc Công an TP HCM công bố bản kết luận điều tra vụ án hình sự (số 481-25/KLĐT-PC03) và đề nghị truy tố chuyển cơ quan Viện KSND cùng cấp để điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, các sai phạm của ông Tất Thành Cang và đồng phạm đã lần lượt được phơi bày, liên quan đến 7 vụ việc khác nhau, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong thương vụ phát hành sai quy định 9.000.000 cổ phiếu giữa Công ty phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) cho Công ty Nguyễn Kim, cơ quan điều tra xác định, ông Tất Thành Cang đang giữ vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM (thời điểm từ ngày 5/2/2016 đến ngày 17/1/2018).

Khi đó, ông Cang được giao trách nhiệm phụ trách Văn phòng Thành ủy; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách Đảng bộ TP được Ban thường vụ Thành ủy thông qua; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình, các chương trình đầu tư phát triển của Đảng bộ TP HCM.

Dù vậy, vào ngày 16/5/2017, khi nhận được tờ trình (số 1148-TTr ngày 28/4/2017) của Văn Phòng Thành ủy TP HCM về giá phát hành cổ phiếu của SADECO (với đơn giá 40.000 đồng/cổ phiếu) cho một cổ đông chiến lược, ông Tất Thành Cang đã không báo cáo với tổ chức mà bút phê “đồng ý” vào tờ trình.

Cơ quan điều tra cho rằng, việc này là sai quy định tại Điều 125 và Điểm d, Khoản 2, Điều 149 của Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, dù biết rõ biết rõ việc phát hành cổ phiếu phải thông qua đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ nhưng ông Tất Thành Cang cũng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy là đại diện vốn tại Công ty SADECO để có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Đây là hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 219 BLHS.

Từ các hành vi kể trên, Cơ quan CSĐT đã cáo buộc ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại Công ty SADECO (tương đương 16,7%) với số tiền là hơn 157 tỷ đồng.

Tách bạch 7 vụ việc liên quan đến ông Tất Thành Cang

Ngay khi công bố và chuyển bản kết luận điều tra đến Viện KSND cùng cấp, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã tách thành 7 vụ việc khác nhau, sau đó chuyển giao từ Thanh tra TP để mở rộng điều tra các sai phạm của ông Tất Thành Cang và nhiều đồng phạm khác.

Trong số này, Cơ quan CSĐT đã chuyển giao hai vụ việc theo kết luận Thanh tra (số 33) kết luận về một số sai phạm xảy ra tại IPC và Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước. Trong cả hai vụ việc này, ông Tất Thành Cang và các đồng phạm đều có liên quan đến các sai phạm trong thương vụ hợp tác giữa IPC với Công ty CP đầu tư xây dựng giao thông Hồng Lĩnh tại dự án Khu dân cư Long Hậu - Long An; vụ phát hành 40.000 cổ phiếu của Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc để tăng vốn điều lệ cho Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước.

Đáng chú ý, đối với các sai phạm tại cả 7 vụ việc thì đến nay đều đã hết thời hạn điều tra mà chưa có kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, kết luận cung cấp tài liệu của các cơ quan, tổ chức liên quan. Do đó, Công an TP HCM đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ các hành vi sai phạm và giao Cơ quan CSĐT ra quyết định tách các vụ việc này ra để điều tra, xử lý sau.

Trong các vụ việc, Cơ quan CSĐT cho rằng cần làm rõ các vụ việc có dấu hiệu sai phạm kinh tế tại các doanh nghiệp Nhà nước do Thành uỷ TPHCM quản lý, với một phần trách nhiệm của ông Tất Thành Cang trong giai đoạn là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM.

Liên quan đến các sai phạm của ông Cang hiện nay Cơ quan điều tra đã ra các quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi của ông Phạm Nhật Vinh (nguyên Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Kim, hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài) và tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với ông Vinh.

Khi bắt được bị can này, sẽ phục hồi điều tra theo quy định. Cũng trong ngày 13/1, Công an TP HCM cho biết, các cơ quan chức năng của thành phố vừa phát lệnh truy nã quốc tế đối với Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Kim và sẽ thông tin kịp thời đến các cơ quan báo chí khi bắt được đối tượng.

Đề nghị truy tố ông Tề Trí Dũng

Ngày 13/1, Viện KSND TP HCM cho biết, đã nhận được kết luận điều tra, đề nghị truy tố của Công an TPHCM đối với ông Tề Trí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) và Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Sài Gòn) về cùng tội danh “Tham ô tài sản”. Trước đó, ông Tề Trí Dũng còn bị điều tra dấu hiệu “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan tại Công ty IPC trong việc chuyển nhượng nền đất tại dự án Khu định cư An Phú Tây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Tất Thành Cang đã qua mặt lãnh đạo Thành ủy TP HCM như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO