Phá thế độc quyền nước sạch

Tinh Anh 05/10/2020 13:30

Nước sạch không thể thiếu trong cuộc sống. Nó là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nên phải được giám sát nghiêm ngặt, liên tục để bảo đảm cung cấp phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân có chất lượng tốt nhất và tuyệt đối an toàn.

Nhiều người dân Hà Nội phải xếp hàng lấy nước sạch khi xảy ra sự cố Nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu, tháng 10/2019.

Lâu nay, ngành nước sạch cũng giống như ngành điện, luôn giữ thế độc quyền sản xuất, phân phối, bán lẻ. Do vậy, chất lượng nguồn nước sạch ở một số nơi, một vài lúc không đảm bảo vệ sinh an toàn theo quy chuẩn đã được Nhà nước ban hành. Thậm chí ở một số địa phương, ngay cả ở Thủ đô Hà Nội, tình trạng mất nước sạch sinh hoạt thường xuyên xảy ra mà cơ quan chức năng chưa kịp thời có biện pháp khắc phục.

Chẳng phải hàng vạn hộ dân phía nam của Hà Nội cứ lâu lâu lại một phen “mất vía” với cảnh “nhịn” tắm, vệ sinh, giặt giũ, thậm chí phải “cơm hàng, cháo chợ”, hoặc mua từng bình nước tinh khiết về nấu cơm, đun nước... vì đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ đó sao? Người ta nói “quá tam ba bận”, nhưng việc người dân không có nước sạch sinh hoạt đã xảy ra tới “quá thập” lần rồi.

Ở một số địa phương, khi xét nghiệm cái được gọi là “nước sạch”, thậm chí các chỉ số an toàn cho sức khỏe còn không bằng cả nước giếng khơi, hoặc giếng khoan bơm trực tiếp lên dùng. Cũng vì vậy mà ở không ít vùng nông thôn, người dân không hề mặn mà với “nước sạch”, tỷ lệ hộ sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan cao hơn dùng nước sạch. Như vậy cũng có nghĩa hệ thống nước sạch ở vùng miền đó lãng phí, không hiệu quả.

Người dân không muốn dùng nước sạch thay cho nước giếng khoan, giếng khơi không chỉ vì chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh, mà còn vì giá thành quá đắt đỏ so với thu nhập của họ. Tạm thời chưa bàn đến việc ở một số nơi người dân muốn dùng phải đóng tiền xây dựng hệ thống cấp nước sạch, chỉ riêng việc chi trả hóa đơn nước sạch hàng tháng cũng là vấn đề nan giải với các “lão nông tri điền”.

Tất cả những vấn đề liên quan đến việc cung cấp nước sạch xảy ra trong thực tế như vừa nêu ở trên, các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Bộ NNPTNT... cũng đã “nhìn thấy”, chỉ có điều chưa thể khắc phục “ngay và luôn” được. Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ ngoài việc ban hành Chỉ thị 34, còn yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Luật Quản lý cấp nước sạch để trình Quốc hội vào năm 2022.

Việc ban hành Luật Quản lý cấp nước sạch nhằm luật hóa các vấn đề liên quan tới việc cấp nước sạch, đảm bảo 100% người dân có thể tiếp cận nước sạch với chất lượng vệ sinh an toàn tuyệt đối. Trong thời gian chờ nghiên cứu, xây dựng dự thảo luật, Bộ Xây dựng có trách nhiệm trình Chính phủ ký ban hành nghị định điều chỉnh các vấn đề liên quan đến cấp nước sạch vào năm 2021, để thay thế Nghị định 117 (2007) và Nghị định 124 (2011).

Dù chưa ban hành luật và nghị định (thay thế các nghị định không còn phù hợp), Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã bao hàm được hầu hết các vấn đề liên quan đến cấp nước sạch. Tại Chỉ thị 34, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch theo hướng khắc phục tình trạng phân khúc, độc quyền cung cấp nước sạch theo địa bàn.

Đại bộ phận dư luận xã hội đều đồng tình, ủng hộ chủ trương phá bỏ thế độc quyền trong sản xuất, kinh doanh nước sạch, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Song, vẫn có ý kiến cho rằng, chỉ có thể cho tư nhân tham gia trong khâu sản xuất nước sạch, còn phân phối, bán lẻ nước sạch thì Nhà nước phải độc quyền. Quan điểm này vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận, bởi muốn bỏ độc quyền thì phải thực hiện toàn diện, triệt để chứ không thể nửa vời.

Chẳng có lý do gì để phải bàn cãi việc có cho tư nhân đầu tư lắp đặt hệ thống phân phối, bán lẻ nước sạch. Đơn giản là không có bất cứ sự “nguy hiểm” nào cho an ninh, quốc phòng nếu xã hội hóa toàn diện việc cấp nước sạch, từ sản xuất đến bán lẻ. Đến đường dây truyền tải điện cao thế (220/500KV) còn có thể cho tư nhân lắp đặt, lý nào mạng lưới đường ống phân phối nước sạch lại không thể xã hội hóa?

Điều gì không gây nguy hại cho an ninh quốc gia, bất ổn cho trật tự an toàn xã hội, lại có lợi cho người dân thì nên làm và cần làm ngay, chớ có “bàn lùi”. Phá thế độc quyền trong cung cấp nước sạch chính là việc làm có lợi cho người dân, lại không có hậu quả gì, tại sao lại không sớm triển khai thực hiện?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phá thế độc quyền nước sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO