Phác đồ nào cho ‘bệnh’ ùn tắc?

Nguyên Khánh 22/09/2020 05:47

Sau một thời gian đường phố Hà Nội có vẻ giảm bớt lưu lượng người tham gia giao thông vì dịch Covid-19 và học sinh, sinh viên nghỉ hè thì nay đường phố lại kẹt cứng. Ùn tắc giao thông vẫn sẽ là bài toán khó nếu Hà Nội không tìm ra biện pháp căn cơ để chữa dứt điểm căn bệnh cố hữu này.

Đường Tố Hữu (Hà Nội) 17h chiều ngày 21/9. Ảnh: Quang Vinh.

Dù đã rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều tuyến đường mới được mở ra nhưng đường Hà Nội vẫn cứ rơi vào cảnh ùn tắc. Tắc nhất là vào những ngày mưa, lúc đó không cứ giờ cao điểm thì đường phố cũng chật như nêm cối. Anh Hoàng Văn Thành ở Trần Phú, Hà Đông chia sẻ, cơ quan anh ở phố Huế, hàng ngày phải vượt qua trục đường từ Trần Phú-Nguyễn Trãi -Tây Sơn nếu đi vào giờ cao điểm thì cả tiếng mới đến được cơ quan.

“Dân công sở nếu không muốn bị nhắc tên đi muộn thì cách tốt nhất là đi làm sớm và về muộn hơn thường lệ”, anh Thành nói.

Khổ vì “cõng” quá nhiều cao ốc và trường đại học

Không chỉ tắc đường ở trục Hà Đông, Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở mà ở hầu hết các tuyến đường có quá nhiều khu nhà cao tầng mọc lên, trục đường Tố Hữu là ví dụ. Tại trục giao thông này, khi mới được đưa vào sử dụng, người dân kỳ vọng có đường “thông thoáng”, giảm tải lưu lượng phương tiện cho đường Nguyễn Trãi, Đại lộ Thăng Long...

Những rồi chung cư cứ mọc lên dày đặc hai bên tuyến đường. Áp lực dân số tại khu đô thị, khu chung cư, nhà cao tầng đổ dồn khiến tuyến này trở thành nỗi ám ảnh của người và phương tiện mỗi khi qua lại khu vực ngã tư Tố Hữu -Trung Văn. Ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, kể cả vào cuối tuần.

Tương tự, trên tuyến đường vành đai 3, đoạn từ cầu Thanh Trì đến Mai Dịch (tức là các đường Pháp Vân, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng…) được mở rộng đã giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này. Nhưng không lâu sau, tuyến đường bị các khu đô thị bủa vây thì nhiều điểm ách tắc nghiêm trọng lại xảy ra.

Trong khi cao ốc mọc lên chi chít trong khu vực nội đô thì một phương án được cho là giảm áp lực giao thông nội đô đó là di dời các trường đại học, cơ sở sản xuất vẫn cứ chậm như rùa bò, thậm chí là giẫm chân tại chỗ.

Trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều tuyến đường rất ngắn vài km nhưng “cõng” cả chục trường đại học, cao đẳng như đoạn đường Xuân Thủy, Cầu Giấy gồm các trường: ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Thương Mại, ĐH Giao thông vận tải…

Hay như đường Nguyễn Trãi chỉ dài hơn 1 km (đoạn từ Nhà máy thuốc lá Thăng Long đến siêu thị Co.opmart) đã phải “gánh” đến 7 trường ĐH lớn (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Hà Nội, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông…).

Như vậy, mọi thứ liên quan đến tăng áp lực giao thông đều tăng: Tăng các tòa nhà cao tầng, không chịu di dời các trường học, cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội đô đó là lý do các phương tiện cá nhân cứ thế tăng theo cấp số nhân ở Hà Nội. Cụ thể, năm 2008, Hà Nội mới có hơn 2 triệu xe máy, đến nay tăng lên hơn 6,6 triệu xe máy. Bên cạnh đó, số lượng ô tô đã lên đến hơn 600.000 xe chưa kể xe taxi, xe ngoại tỉnh.

Phương tiện cá nhân tăng chóng mặt trong khi cơ sở hạ tầng giao thông lại tăng rất chậm. Thông thường, một đô thị trong quy hoạch phải có 22-25% diện tích đất đường là lẽ đương nhiên.

Nhiều tuyến đường trung tâm Hà Nội luôn ùn tắc. Ảnh: Quang Vinh.

Giải pháp nhiều nhưng vẫn bế tắc

Những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông, gồm: Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường công tác quản lý; xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân, khởi động lại phân luồng, phân làn giao thông; ứng dụng khoa học - kỹ thuật,… nhưng hầu hết những giải pháp này hoặc là còn vướng mắc chưa triển khai được hoặc là chưa phát huy hiệu quả nên đường phố tắc vẫn hoàn tắc.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội đã và đang ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quản lý phương tiện giao thông đô thị. Theo đó, hiện đã đưa vào sử dụng phần mềm GOVONE phục vụ công tác quản lý bảo trì đường bộ, đang xây dựng bản đồ số giao thông Hà Nội sử dụng phần mềm mã nguồn mở Open Street Map, tích hợp dữ liệu cho Hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Tuy nhiên, hiệu quả của các ứng dụng này cũng không giúp được nhiều bởi số lượng phương tiện cá nhân vẫn cứ tăng chóng mặt.

Một giải pháp được cho là hữu hiệu đó hạn chế phương tiện cá nhân bằng việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội trình Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố Hà Nội, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng.

Để giải bài toán ùn tắc, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần phải ưu tiên phát triển phương tiện công cộng. Hiện nay, xe buýt mới giải quyết được 20% lưu lượng đi chung, giao thông công cộng không đáp ứng yêu cầu nên giao thông cá nhân gia tăng là tất yếu.

Còn theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, dứt khoát chỉ cho xây dựng nhà cao tầng khi những công trình bảo đảm hạ tầng giao thông như vỉa hè, bãi đỗ xe, nhà để xe và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó phải có lộ trình giảm dần, kiểm soát, cấp đăng ký mới ô tô, xe máy cá nhân phù hợp…

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, giải quyết ùn tắc đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp từ vi mô đến vĩ mô. Về vi mô, trong giờ cao điểm, tình trạng các phương tiện dừng đỗ ven đường vẫn xảy ra cần xử lý ngay để tránh tạo thành nút cổ chai gây tắc. Vĩ mô là các giải pháp liên quan đến phát triển nhà ở, giãn dân ra khỏi khu vực nội đô, di dời các trường đại học, cơ sở sản xuất ra ngoại thành. Tất cả các giải pháp này cần tính toán cho kĩ, như di dời các trường học, cơ sở ra ngoại thành phải quyết liệt làm, đồng thời việc di dời này cũng cần phải làm đồng bộ tránh chuyện trụ sở di dời ra một chỗ mà chỗ ở vẫn ở nơi cũ chắc chắn sẽ gia tăng việc ách tắc mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phác đồ nào cho ‘bệnh’ ùn tắc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO