Quy định trừ điểm bằng lái xe tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là làm sao tránh việc “hối lộ” lực lượng chức năng để tránh bị trừ hết điểm, buộc phải thi lại. Dự thảo luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 16/9, trước khi trình ra xin ý kiến Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, cá nhân ông đồng tình với việc trừ điểm trong giấy phép lái xe. Quy định này đưa vào thực hiện, người điều khiển phương tiện phải nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn, thường xuyên theo dõi các thông tin trên cơ sở dữ liệu. Phải luôn luôn chú ý, chấp hành nghiêm chỉnh luật khi điều khiển xe trên đường. Nhưng có điều làm sao để thực hiện quy định này cho nghiêm minh. Ai đáng bị trừ điểm phải trừ, không có du di, xin xỏ. Bởi những cái đó sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
PV: Ông nhận định thế nào về việc mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm và điểm số sẽ bị trừ khi lái xe vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Cá nhân tôi thấy rằng chúng ta nên phân ra thành nhiều mức. Ví dụ bị hết 12 điểm trong 1 năm đầu thì thời gian cho họ thi lại chỉ sau khoảng 1-2 tháng. Vì nếu để sau 6 tháng sẽ ảnh hưởng nhiều mặt, đằng sau người lái xe là vợ, con của họ. 6 tháng không làm việc vậy họ sinh sống bằng cách gì? Chưa kể doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải nếu có vài lái xe vi phạm họ lại phải tuyển dụng thêm lái xe mang tính thời vụ, ảnh hưởng tới chuyện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Do đó theo tôi nên phân ra thành nhiều mức, chẳng hạn những ai bị trừ hết 12 điểm trong lần 2 hoặc 3 thì có thể ở mức 5-6 tháng sau mới được thi lại bằng lái, còn ai vi phạm trong lần đầu chỉ nên 1-2 tháng sau có thể thi lại được. Bởi việc bắt thi lại bằng lái xe đã là hình phạt nghiêm khắc đối với lái xe. Tôi cho rằng luật lần này làm sao phải vừa rất nghiêm túc nhưng cũng phải hết sức nhân văn, tính đến các mặt có liên quan như đời sống gia đình và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ủy ban Dân tộc đã đề nghị Bộ Công an cân nhắc, bỏ nội dung quy định cấp điểm bằng lái vì hoàn toàn không phù hợp với tình hình giao thông và cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Cơ quan này cũng đặt ra vấn đề phát sinh tiêu cực, một số cán bộ sẽ lợi dụng quy định này để nhũng nhiễu người dân. Vậy theo ông làm sao để tránh vấn đề tiêu cực?
- Đây là điều đáng lo ngại, cho nên cần công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch sẽ chống được những vấn đề tiêu cực. Đây cũng là vấn đề cần tính đến, tham khảo kinh nghiệm quản lý của một số nước như Mỹ, hay châu Âu đã áp dụng. Ban soạn thảo cũng cần lấy thêm ý kiến góp ý. Khi luật đưa ra Quốc hội thảo luận, ý kiến của các ĐBQH sẽ bổ sung, góp ý cho cơ quan soạn thảo để tiếp thu.
Việc trừ điểm giấy phép lái xe các nước họ đã áp dụng, qua đó thấy tác dụng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe, người lái xe luôn luôn xác định phải chấp hành để không bị trừ điểm, quy định này sẽ có tác dụng răn đe, giúp quản lý tốt đối với người điều khiển phương tiện. Về cách thức tổ chức nên đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm các nước để áp dụng thực tế tại trong nước. Nếu làm công khai minh bạch sẽ có tác dụng nghiêm minh.
Vậy theo ông làm sao để việc trừ điểm cũng đảm bảo tính chính xác khi 1 năm lái xe chỉ có 12 điểm?
- Trong 1 năm, nếu như lái xe bị trừ điểm nhưng chưa hết 12 điểm thì sang đầu năm sau lại quay trở lại có đủ 12 điểm. Lỗi nặng có thể bị trừ nhiều điểm, lỗi nhẹ trừ ít điểm. Theo dự kiến, các lỗi trừ điểm ra sao sẽ được quy định tại Nghị định của Chính phủ, hoặc Thông tư của Bộ Công an. Lỗi nào bị trừ mấy điểm? Cách thức trừ như thế nào sẽ có văn bản dưới luật quy định. Quan trọng khi bị trừ điểm làm sao để người lái xe biết để dè chừng, giữ gìn trong quá trình điều khiển phương tiện.
Việc trừ điểm giấy phép lái xe mục tiêu hướng tới cũng là để đảm bảo an toàn giao thông, nhưng đó cũng chỉ là một giải pháp. Cá nhân ông có những đề xuất nào về mặt giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông?
- Đầu tiên, các chủ phương tiện phải tăng cường quản lý an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện sức khỏe của lái xe. Còn đối với các đơn vị kinh doanh vận tải cần khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo đúng quy định, kiểm tra an toàn kỹ thuật trước khi đưa phương tiện ra vận hành. Rà soát thường xuyên các dữ liệu trên thiết bị giám sát hành trình xem từng lái xe có vi phạm về tốc độ, hành trình, thời gian làm việc hay không? Nếu có cần chấn chỉnh ngay.
Người thường xuyên vi phạm, doanh nghiệp phải có biện pháp điều chuyển, thay thế, ngăn chặn kịp thời những lái xe thường xuyên vi phạm. Tiếp đến, cơ quan quản lý nhà nước là ngành giao thông phải quản lý siết chặt, những đơn vị nào có vi phạm phải kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo tôi, cơ quan quản lý là ngành giao thông cần nghiên cứu chính sách để khuyến khích những đơn vị làm tốt, đảm bảo an toàn để khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải làm tốt. Đặc biệt, cơ quan tuần tra kiểm soát là lực lượng công an cần làm cho nghiêm. Ai vi phạm đến đâu, xử lý đến đó, không để xảy ra tiêu cực trong lĩnh vực này.
Trân trọng cảm ơn ông!