Phạm Công Danh bị đề nghị truy tố thêm tội ‘Cố ý làm trái’

Đức Sơn 12/07/2017 14:50

Trong giai đoạn II của vụ án, Phạm Công Danh bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm tháng 1/2017.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra giai đoạn II vụ án liên quan đến ông Phạm Công Danh, Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) - Cựu chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh.

Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố Phạm Công Danh và các đồng phạm các tội: “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng VNCB, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiền Phong (TP Bank).

Trong giai đoạn II của vụ án, Phạm Công Danh bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo tài liệu điều tra, sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối Đại Tín (sau này đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), trong khi Ngân hàng này đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát chặt chẽ.

Do cần tiền, Phạm Công Danh đã lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành của VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ vay vốn khống rút tiền sử dụng bằng cách gửi tiền sang các ngân hàng: TP Bank, Sacombank… để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty của Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân đứng tên trên hồ sơ vay vốn 3 ngân hàng này gây thiệt hại cho VNCB trên 6.100 tỷ đồng.

Về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo CQĐT, Phạm Công Danh và đồng phạm đã lập các hồ sơ vay vốn khống rút tiền sử dụng trả các khoản vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh, sử dụng cá nhân bằng cách gửi tiền sang Sacombank khoảng 1800 tỷ đồng để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do 6 công ty của Danh thành lập đứng tên trên hồ sơ vay vốn ngân hàng này gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.800 tỷ đồng.

Đồng thời, Phạm Công Danh cũng lập các hồ sơ vay vốn khống hơn 1.600 tỷ đồng rút tiền sử dụng trả cho bà Hứa Thị Phấn để mua Ngân hàng Đại Tín, trả các khỏa vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân với tổng số tiền hơn 1.700 tỷ đồng để cầm cố,và trả nợ các khoản vay của 11 công ty đứng tên hồ sơ vay vốn tại TP Bank gây thiệt hại cho VNCB số tiền trên 1.740 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị cáo còn lập hồ sơ vay vốn khống hơn 4.700 tỷ đồng rút tiền sử dụng chứng minh năng lực tài chính để thực hiện đề án tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 4.700 tỷ đồng, trả các khoản vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh… gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 2.500 tỷ đồng.

Ngoài Phạm Công Danh, còn có 23 bị cáo khác là các cán bộ lãnh đạo, nhân viên VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh cùng bị truy tố với cùng tội danh của Phạm Công Danh.

Trước đó, tháng 1/2017, TAND TP HCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm và tuyên án 30 năm tù đối với Phạm công Danh về tội “Cố ý làm trái…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phạm Công Danh bị đề nghị truy tố thêm tội ‘Cố ý làm trái’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO