Phản biện của Mặt trận được HĐND, UBND các cấp chấp nhận

02/02/2016 17:00

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký UBTUMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim tại Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đề ra phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ; một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND các cấp trong nhiệm kỳ 2016-2021, diễn ra chiều ngày 2/2. 

Phản biện của Mặt trận được HĐND, UBND các cấp chấp nhận

Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim.

Dự phiên họp có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Báo cáo về công tác tham gia xây dựng chính quyền địa phương nhiệm kỳ 2011-2016 của MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Vũ Trọng Kim cho biết: Cho đến nay, 63 tỉnh, thành phố và hầu hết cấp huyện, cấp xã đã xây dựng và ban hành quy chế phối hợp công tác giữa UBMTTQ với chính quyền cùng cấp và hàng năm đều tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp, đồng thời bổ sung sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc phối hợp. Qua đó, mối quan hệ phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với chính quyền địa phương các cấp ngày càng được củng cố, đổi mới và đạt được những hiệu quả thiết thực.

"Với vai trò, trách nhiệm là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã tham gia phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016" - Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim nêu rõ

Điểm nổi bật nhất trong công tác xây dựng pháp luật của Mặt trận được Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim nhấn mạnh trước các đại biểu dự hội nghị chính là việc, trong thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam và nhiều tổ chức thành viên Mặt trận đã tham gia trực tiếp vào quá trình soạn thảo và tổ chức nhiều hoạt động góp ý kiến và phản biện xã hội cho nhiều dự án luật, pháp lệnh và nghị định trên các lĩnh vực về tổ chức bộ máy nhà nước, về quản lý hành chính, về kinh tế, văn hoá - xã hội, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng nhằm góp phần hoàn thiện thể chế và phương thức, nội dung hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

"MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức thành công việc lấy ý kiến nhân dân góp ý xây dựng Hiến pháp năm 2013, tham gia góp ý kiến xây dựng Luật tổ chức Quốc hội năm 2015, Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 và nhiều luật chuyên ngành thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước với nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhiệm kỳ 2016-2021 sắp tới" -Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim nói.

Đề cập đến vấn đề giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, theo Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim thì nhiều ý kiến của UBMTTQ, các tổ chức thành viên Mặt trận ở địa phương được HĐND, UBND các cấp chấp nhận, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các văn bản về quản lý nhà nước trên địa bàn địa phương.

Thông qua việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và tổ chức phản biện xã hội vào các dự thảo văn bản pháp luật, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền, góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội ngay từ khâu xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo tiền đề thuận lợi để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, nhất là ở cấp cơ sở.

Cũng theo Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim, việc phối hợp với chính quyền thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được UBMTTQ các cấp và nhiều tổ chức thành viên chủ động, tích cực tham gia. Thông qua thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên vận động, tổ chức để nhân dân thực hiện quyền dân chủ, tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của chính quyền cơ sở.

UBMTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương đã phối hợp với chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, làng, ấp, bản, khu phố, tổ dân phố; kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư và các Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

"Đến nay hầu hết xã, phường, thị trấn trên toàn quốc đã có Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và hầu hết các khu dân cư đã có Ban công tác Mặt trận. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn về tổ chức và kinh phí hoạt động nhưng các Ban công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng vẫn nhiệt tình, hăng hái làm nhiệm vụ, hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh dân chủ ở cơ sở, tăng cường giám sát, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh" - Phó Chủ tịch bày tỏ.

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong thời gian qua, thường trực HĐND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ cùng cấp trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trình HĐND. UBMTTQ và các tổ chức thành viên giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và đại biểu HĐND, đóng góp ý kiến về xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát về các vấn đề có liên quan.

"Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND và UBMTTQ các cấp và các đoàn thể thành viên, các hoạt động của HĐND đã tạo được sự đồng thuận nhất trí cao giữa Đảng, Chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân"-ông Phúc nói.

Trong khi đó, nhận định về sự phối hợp của UBND, HĐND với Mặt trận, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, UBND các cấp chú đã trọng xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với MTTQ và các đoàn thể nhân dân cùng cấp. Theo Bộ trưởng Bình, trong các kỳ họp định kỳ, UBND các cấp đều mời đại diện các tổ chức này tham dự để góp ý vào các báo cáo, đề án có nội dung liên quan. Đồng thời tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể nhân dân để giải quyết theo thẩm quyền.

Từ những thành công tại địa phương khi HĐND TP Hồ Chí Minh luôn được đánh giá là HĐND mạnh, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả của những thành công trên chính là do thông qua các cuộc giao ban với tổ trưởng các tổ đại biểu Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh nắm được những yêu cầu, tồn tại, khó khăn. Từ đómcó kế hoạch hoạt động, tổ chức tiếp công dân, tiếp xúc cử tri theo luật định, đồng thời phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh theo dõi, tổng hợp, đôn đốc cơ quan hữu quan nghiên cứu giải quyết những ý kiến kiến nghị của cử tri.

Hoại Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phản biện của Mặt trận được HĐND, UBND các cấp chấp nhận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO