Phân bổ hàng cứu trợ đúng địa chỉ

Nguyễn Chung (thực hiện) 22/10/2017 06:00

“Hàng cứu trợ là sự tự nguyện của các tổ chức, cá nhân với tinh thần “tương thân, tương ái” được gửi gắm bằng tấm lòng và niềm tin. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định đây là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của những người làm công tác Mặt trận trước cấp ủy, chính quyền, trước nhân dân và trước những tấm lòng của nhà hảo tâm. Với nguyên tắc và phương châm “tiền hàng luôn được thông báo công khai, dân chủ; chuyển đến nhân dân đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời và đúng đối tượng”- ông Hà Văn Thủy, phó chủ tịc


Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

PV: Cơn lũ vừa qua khiến tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề. Nhiều tấm lòng hảo tâm của các tập thể, cá nhân đã và đang hướng về xứ Thanh với tinh thần sẻ chia “tương thân, tương ái”. Vậy, đến thời điểm này, công tác tiếp nhận và phân bổ tiền, quà cho bà con vùng lũ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Văn Thủy: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9 đến 12 tháng 10 năm 2017 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 300mm - 400mm. Mưa lớn kéo dài ngày đã làm xảy ra lũ ống, lũ quét trên miền núi và ngập úng, chia cắt nhiều xã, nhiều thôn ở các huyện trung du, vùng ven biển, gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của bà con.


Ông Hà Văn Thủy.

Trước tình hình đó, UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành thư kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống. Với tinh thần tương thân, tương ái các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hướng về quê hương, chung tay góp sức khắc phục hậu quả thiên tai. Tính đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận trên hơn 20 nghìn thùng mì tôm, gần 15 tấn gạo, trên 7.000 chai nước uống, hàng nghìn bộ quần áo, chăn, màn; hàng nghìn thùng đựng nước sạch, thuốc và trên 6 nghìn suất quà cứu trợ. Số tiền, hàng trên đã được UBMTTQ tỉnh cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ địa phương khẩn trương, nhanh chóng chuyển đến tận tay người dân vũng lũ một cách kịp thời, đúng đối tượng. Và hoạt động mà chúng tôi tập trung đó là phối hợp tổ chức cứu hộ, cứu nạn, thăm hỏi gia đình có người chết, mất tích, bị thương; dựng lều, bạt tạm hỗ trợ gia đình bị cuốn trôi, đổ sập nhà; cung cấp mì tôm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân đang bị cô lập với phương châm không để một người dân bị đói, rét trong mưa lũ.

PV: Thực tế tại nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề sau lũ, nhiều người vẫn băn khoăn: Đối với những trường hợp nhà bị sập hoàn toàn, mất người, nhà ngập sâu dưới nước trên 1m nhưng tài sản hư hỏng nặng, ao đầm thủy sản bị nước cuốn trôi; tiểu thương một số chợ bị hư hỏng và mất hàng hóa… đã nhận được hỗ trợ nhưng phần hỗ trợ này là không đáng kể. Vậy Thanh Hóa đã có những chính sách nào khác mang tính hiệu quả, thiết thực hơn để hỗ trợ đối với những trường hợp như vừa nêu trên không, thưa ông?

-Theo báo cáo của Văn phòng chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, cơn lũ vừa qua đã gây thiệt hại, ước tính lên đến 2.900 tỷ đồng. Để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, ngày 17-10-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã rất kịp thời ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Trước mắt, tỉnh huy động lực lượng, phương tiện và tập trung cao nhất để tìm kiếm những người đang bị mất tích do lũ lụt cuốn trôi. Đối với các xã, các thôn còn đang bị ngập nước thì tiếp tục cung cấp nước uống, lương thực cho nhân dân, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị rét, bị bệnh dịch. Đối với các xã, các thôn bị ngập nhưng hiện nay nước đã rút thì tập trung huy động phương tiện, hóa chất để xử lý môi trường, nhất là xử lý nguồn nước, đảm bảo nhanh chóng có nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân; đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân tu sửa, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, trường học, trạm y tế... để sớm ổn định đời sống.

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương ban hành các chính sách hỗ trợ trợ gia đình có người chết, người bị thương, nhà bị sập, tài sản của tổ chức, cá nhân đã được trưng thu để xử lý các trường hợp khẩn cấp: Hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có người chết; hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình có người đang bị mất tích; hỗ trợ từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng cho người bị thương; hỗ trợ 25 triệu đồng đối với 01 nhà bị sập. Hỗ trợ ngang bằng giá trị tài sản của tổ chức, cá nhân đã được trưng thu để xử lý các trường hợp khẩn cấp về sự cố đê điều trong đợt mưa lũ vừa qua.

Thưa ông, có thể nói, những năm gần đây, công tác phân bổ kinh phí, hàng cứu trợ rất nhạy cảm và trên thực tế đã có nhiều địa phương trong cả nước vướng phải những chuyện không hay, thậm chí mất cán bộ. Vậy Thanh Hóa đã và sẽ làm gì để tránh những điều này cũng như các nguồn hàng cứ trợ không bị thất thoát?

-Hàng cứu trợ là sự tự nguyện của các tổ chức, cá nhân với tinh thần “tương thân, tương ái” và được gửi gắm bằng tấm lòng và niềm tin. Vì vậy, trong nhiều năm qua chúng tôi luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trước cấp ủy, chính quyền, trước Nhân dân và trước những tấm lòng của nhà hảo tâm với nguyên tắc và phương châm “tiền hàng luôn được thông báo công khai, dân chủ; chuyển đến nhân dân đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời và đúng đối tượng”. Trong đó chúng tôi thực hiện tốt các nguyên tắc sau: Bám sát các chính sách, quy định của Nhà nước như Nghị định 64-NĐ/CP/2008 của Chính phủ, quy định của tỉnh; luôn tranh thủ và thực hiện đúng chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc phân bổ hàng hóa cho các địa phương.

Chúng tôi luôn thông báo công khai đầy đủ, rõ ràng nguồn tiền, hàng đã tiếp nhận được trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, theo dõi, giám sát và cùng thực hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Cứu trợ tỉnh trong thực hiện trách nhiệm phân công. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, MTTQ ở từng địa phương, nhất là cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư để bình xét, lập danh sách, xác định hộ thiệt hại để hỗ trợ; Mặt trận phối hợp cùng với chính quyền địa phương và nhân dân tham gia trong quá trình phân phối hàng hóa. Với cách làm trên, trong nhiều năm qua công tác cứu trợ của MTTQ tỉnh được thực hiện nghiêm túc, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích, không có sai sót xảy ra, dù là nhỏ nhất. Vì vậy, Ban cứu trợ MTTQ tỉnh luôn là địa chỉ tin cậy, gửi gắm tình cảm, vật chất của các cá nhân, tổ chức khi có thiên tai, bão lũ xảy ra.

Chúng ta đã có sự chuẩn bị, sự chủ động và kinh nghiệm để đối mặt với thiên tai, bão lũ. Tuy nhiên, thiệt hại vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mỗi khi mưa bão về. Phải chăng do tâm lý còn chủ quan, thụ động trong công tác phòng, chống thiên tai của một bộ phận không nhỏ người dân. Vậy trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ làm gì để cải thiện vấn đề này?

-Tỉnh Thanh Hóa luôn coi trọng và xác định công tác chủ động phòng ngừa là chính để giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra, vì vậy các cấp ủy, chính quyền thường xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”, vì vậy trong rất nhiều năm qua việc giảm thiểu thiệt hại do bão lũ được thực hiện tốt đã hạn chế được tổn thất về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua có lượng mưa rất lớn “mưa, lũ lịch sử”, do đó việc thiệt hại về người và tài sản là điều khó tránh khỏi và trong đó có tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân. Để khắc phục hạn chế trên, trong thời gian tới MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân đối với thảm họa do thiên tai gây ra. Đồng thời, phối hợp tổ chức các đợt tập huấn nâng cao kỹ năng tự nhận biết và cách phòng, tránh thiên tai. Vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội chủ động một cách tích cực nhất trong phòng chống bão lũ, thiên tai.
Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân bổ hàng cứu trợ đúng địa chỉ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO