Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Tiết kiệm 30% chi ngân sách

Nguyên Khánh 21/07/2020 07:30

Nếu phân định lại vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo các tiêu chí mới sẽ tiết kiệm được chi ngân sách 30%. Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm được này sẽ tập trung dồn cho các vùng khó để thu hẹp khoảng cách các vùng này với vùng phát triển, đó là những thông tin từ Hội thảo “Tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2020-2025” do Ủy ban Dân tộc tổ chức sáng qua 20/7.

Theo đó, tại Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 10/3/2020 của Chính phủ quy định vùng dân tộc thiểu số và miền núi gồm: Xã và thôn có từ 15% trở lên số hộ dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng.

Theo Dự thảo của Ủy ban Dân tộc, xã đặc biệt khó khăn là xã thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi chưa được công nhận chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên. Trường hợp các xã có tỉ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% nếu có 60% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh sống; có từ 20% trở lên số người dân tộc thiểu số từ độ tuổi 15-60 tuổi mù chữ; trên 80% lao động có việc làm nhưng chưa qua đào tạo từ 3 tháng trở lên; đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã trên 20km trong đó có trên 50% số km chưa được trải nhựa, đổ bê tông thì sẽ được công nhận là xã đặc biệt khó khăn.

Nếu phân định theo các tiêu chí mới này xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm: 1.851 xã, trong đó giảm do sáp nhập địa giới hành chính là 183 xã và giảm do không đủ 15% hộ dân tộc thiểu số là 1.599 xã. Các xã thuộc các khu vực phân định theo trình độ phát triển biến động trong đó xã khu vực I tăng 348 xã so với giai đoạn 2016-2020; xã khu vực II giảm 1.682 xã, tập trung chủ yếu ở các xã trước đây không có hoặc có rất ít đồng bảo thiểu số sinh sống thành cộng đồng; xã khu vực III giảm 398 xã so với giai đoạn trước.

Theo Ủy ban Dân tộc, việc áp dụng các tiêu chí mới này sẽ tác động đến chi ngân sách nhà nước bởi nếu tính riêng đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 ngân sách nhà nước giảm 1.223 tỷ đồng (tương đương khoảng 30% ngân sách đầu tư hiện nay). Đây là điều kiện để nâng định mức, ưu tiên đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đảm bảo được quan điểm “ưu tiên tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Tiết kiệm 30% chi ngân sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO