Phản ứng quốc tế về ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ của Nga

Mai Nguyễn (tổng hợp) 24/02/2022 15:48

Trước tuyên bố về "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga nhắm vào Donbass (miền ĐôngUkraine), cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng khác nhau.

Mỹ

Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 24/2 cho biết sẽ không có kịch bản nào xảy ra với việc Mỹ tham chiến, triển khai quân đến Ukraine để chống lại Nga.

Bà Jen Psaki nêu rõ: “Tôi không biết phải lặp lại điều này bao nhiêu lần. Sẽ không có kịch bản nào mà Tổng thống Mỹ gửi quân đội đến Ukraine để chống lại Nga”, đồng thời nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện không có kế hoạch tiếp xúc hay đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về khủng hoảng Ukraine.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: CBS News.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: CBS News.

Cũng trong một tuyên bố khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi cuộc tấn công nhằm vào Ukraine là “vô cớ và phi lý”, đồng thời nhấn mạnh rằng, Nga đã lựa chọn một cuộc chiến “sẽ mang lại thiệt hại thảm khốc về người và tài sản”.

Ông Biden cho biết, ông sẽ theo dõi tình hình và gặp gỡ những người đồng cấp ở các quốc gia G7 khác, cùng với các đồng minh của Mỹ trong NATO để đảm bảo “một phản ứng thống nhất mạnh mẽ”.

Liên hợp quốc

Tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang họp khẩn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Đại sứ các quốc gia khác bao gồm Mỹ, Anh và Albania đã lên tiếng tố cáo sự leo thang của xung đột ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tham dự cuộc họp và đưa ra quan điểm: “Hãy dừng việc tấn công quân sự vào Ukraine và cho hòa bình thế giới một cơ hội”.

Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, ông Guterres cảnh báo Tổng thống Putin rằng hành động quân sự của Nga không những “tàn phá Ukraine” và “gây tổn thất cho Nga”, mà còn tạo ra tác động không thể lường trước được đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: CNN.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga dừng các hành động quân sự. Ảnh: CNN.

Liên minh châu Âu

Chủ tịch Liên minh châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã lặp lại việc Mỹ lên án Nga và nói rằng, EU sẽ buộc Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm.

“Trong những giờ phút đen tối này, suy nghĩ của chúng tôi hướng về Ukraine cùng những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội khi họ phải đối mặt với một cuộc tấn công vô cớ và sống trong nỗi sợ hãi”, bà nhấn mạnh trong một bài đăng trên Twitter.

Chủ tịch Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: CNBC.
Chủ tịch Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: CNBC.

Nhật Bản

Trong khi đó, tại thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang phát biểu trước cơ quan lập pháp của quốc gia này về các vấn đề tại Ukraine, tin tức về các hoạt động quân sự của Nga được truyền tới.

Theo Kyodo News, ông Kishida tuyên bố với các nhà lập pháp Nhật Bản rằng, sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước G7 để đối phó với cuộc khủng hoảng.

“Điều quan trọng nhất lúc này là cộng đồng quốc tế phải đoàn kết và thể hiện ý chí mạnh mẽ của mình”, ông nêu rõ.

Phần Lan

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cho biết các biện pháp quân sự của Nga có thể chỉ nhằm vào Ukraine, nhưng chúng cũng là “một cuộc tấn công vào toàn bộ trật tự an ninh của châu Âu”.

Bỉ

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã gọi tình hình hiện tại ở Ukraine là “những giờ phút đen tối nhất” của châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ I.

Đức

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, cũng khẳng định sẽ đoàn kết với Ukraine.

Vương quốc Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ “nỗi kinh hoàng” trước những biến động quân sự ở Ukraine. Trong một bài đăng trên Twitter, Johnson cho biết, ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy để thảo luận về các bước tiếp theo.

“Tổng thống Putin đã chọn con đường đổ máu và hủy diệt bằng cách phát động cuộc tấn công vô cớ này nhằm vào Ukraine”, nhà lãnh đạo Anh nêu rõ.

Trung Quốc

Trong khi đó, Trung Quốc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga, đã lựa chọn quan điểm trung lập, không đứng về phía nào, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia giải quyết các tranh chấp quốc tế “bằng các biện pháp hòa bình”.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Zhang Jun đã nêu rõ quan điểm với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng tình hình hiện nay ở Ukraine là “kết quả của nhiều yếu tố phức tạp”.

Ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang theo dõi sát tình hình ở Ukraine và nói rằng lo ngại an ninh của tất cả các bên cần được tôn trọng.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói.

Ấn Độ

Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc, ông TS Tirumurti cho biết, tình hình giữa Nga và Ukraine là một vấn đề “đáng quan ngại sâu sắc” và kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế” khi đối mặt với căng thẳng leo thang.

“Mối ưu tiên hàng đầu hiện nay chính là giảm căng thẳng leo thang giữa các quốc gia. Chúng tôi kêu gọi sự kiềm chế ở tất cả các bên. Chúng tôi tin rằng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại ngoại giao”, ông TS Tirumurti nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phản ứng quốc tế về ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ của Nga

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO