Phản ứng sau tiêm thấp hơn tiêu chuẩn chung

Đức Trân – Lan Anh (thực hiện) 05/07/2021 08:30

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết sáng 4/7 ngay tại điểm tiêm chủng Trung tâm y tế huyện Văn Lâm (Hưng Yên), TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế thông tin về quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine phòng Covid-19 Nanocovax.

TS Nguyễn Ngô Quang.

PV:Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về tình hình tiêm chủng thử nghiệm vaccine Nanocovax, đặc biệt là các buổi tiêm chủng thực hiện tại Hưng Yên?

Ông Nguyễn Ngô Quang: Trước tiên, công tác tiêm chủng thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Nanocovax diễn ra ở các điểm nghiên cứu như Học viện Quân y, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang đến thời điểm hiện tại đều được thực hiện rất tốt, đảm bảo an toàn về mọi mặt.

Đặc biệt, công tác chuẩn bị rất chu đáo. Lực lượng y tế đã đảm bảo việc vừa thực hiện công tác nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, đồng thời giữ vững được việc tuyển tình nguyện viên và thực hiện tiêm thử nghiệm vaccine đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.

Số lượng người tham gia tiêm chủng thử nghiệm lớn, mỗi ngày gần 1.000 đối tượng ở tất cả các điểm. Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy, tiến độ đảm bảo, các quy trình đều được thực hiện với chất lượng tốt.

Ông có thể chia sẻ về tỷ lệ người gặp phản ứng sau khi tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax? Lộ trình tiếp theo của quá trình nghiên cứu vaccine Nanocovax như thế nào?

- Hiện nay, qua theo dõi thử nghiệm giai đoạn 1, 2 và một phần giai đoạn 3, chúng tôi nhận thấy, độ an toàn của vaccine Nanocovax nằm trong mức độ cho phép, chưa gặp những trường hợp tai biến quá nặng, quá nghiêm trọng. Chỉ có một số trường hợp phản ứng cấp độ 1, cấp độ 2 và đều được xử lý kịp thời, sức khỏe của các trường hợp trên đều ổn định. Tỷ lệ đó là thấp so với mặt bằng chung của phản ứng sau tiêm các vaccine phòng Covid-19.

Về lộ trình tiếp theo của quá trình nghiên cứu vaccine Nanocovax, dự kiến, giai đoạn 3 sẽ tiêm thử nghiệm 15.000 người. Trong đó, theo kế hoạch, ngày 15/7 sẽ hoàn thành tiêm mũi 1 và đến khoảng 15/8 sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 cho các đối tượng trên. Sau đó, lực lượng chuyên môn sẽ thực hiện đánh giá kết quả sơ bộ ban đầu của vaccine Nanocovax, cụ thể là dựa trên đánh giá của 1.000 đối tượng tiêm thử nghiệm đầu tiên của giai đoạn 3 về độ an toàn và miễn dịch. Còn đối với các đối tượng tiêm thử nghiệm sau đó, lực lượng chuyên môn sẽ nghiên cứu, đánh giá về tính an toàn và hiệu quả. Trên cơ sở đó, có thể xem xét việc điều chỉnh đề cương. Đồng thời, xem xét những dữ liệu cần thiết, trong trường hợp có đủ dữ liệu có thể xem xét cấp phép vaccine Nanocovax.

Với tư cách là đại diện của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, ông có thể dự đoán về thời điểm Việt Nam có vaccine phòng Covid-19 nội?

Từ đầu năm 2020, chúng ta đã xác định, về lâu dài bệnh Covid-19 phải có vaccine bởi bệnh này sẽ “chuyển sang dạng lưu hành” như một số bệnh dịch khác. Chính vì vậy, để “sống chung” với Covid-19 thì bắt buộc chúng ta phải có vaccine. Theo đó, Bộ Y tế được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đã xúc tiến việc triển khai nghiên cứu vaccine.

Và để rút ngắn được thời gian nghiên cứu vaccine thì chúng ta đã thực hiện rất nhiều giải pháp. Trong đó, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn, quy trình để đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo các bước khoa học, xem xét “gối đầu” các giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm. Ví dụ như chưa hoàn thiện hoàn toàn giai đoạn 1 nhưng đã có những dữ liệu ban đầu để xem xét có thể chuyển sang giai đoạn 2. Khi có kết quả ban đầu giữa kỳ của giai đoạn 2 thì chúng ta chuyển sang giai đoạn 3.

Về vaccine Nanocovax, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, nếu đưa ra đánh giá chính thức thì cần phải dựa trên số liệu khách quan, khoa học. Đến thời điểm hiện tại, sơ bộ chúng ta có thể nhận thấy được tính an toàn của vaccine Nanocovax. Còn về tính miễn dịch thì chúng ta cần phải đợi thêm một số dữ liệu của tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 bởi giai đoạn 1, 2 chúng ta thực hiện ở số lượng mẫu nhỏ nên chưa thể đưa ra những đánh giá toàn diện. Nhưng đây là vaccine có triển vọng nên mới được tiếp tục thử nghiệm giai đoạn 3.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Bình thường một giai đoạn thường mất ít nhất 1 năm vì chúng ta phải theo dõi người tiêm sau 1 năm từ khi tiêm mũi cuối cùng thì mình mới đánh giá được đầy đủ các dữ liệu. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, chúng ta phải thực hiện đánh giá dữ liệu giữa kỳ. Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Việt Nam phải có vaccine trước tháng 6 năm 2022, chúng tôi vẫn xúc tiến tạo điều kiện thuận lợi nhất để có thể có được vaccine nội sớm nhất, nếu được, có thể cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 chúng ta có vaccine nội.”

(TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phản ứng sau tiêm thấp hơn tiêu chuẩn chung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO