Pháp luật đã chặt, nhưng còn kiểm soát?

Lê Anh Đức 16/07/2016 09:10

Thông tư số 13/2016/TT-BCT quy định quản lý than trôi, do Bộ Công thương ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8 tới, được coi là “cây gậy” để giảm thiểu tối đa tình trạng buôn bán than lậu, tránh tình trạng chảy máu “vàng đen” lâu nay. Quy định thì khá chặt, song việc kiểm soát và thực hiện như thế nào để đảm bảo đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ được vấn nạn than lậu thì là cả một vấn đề nan giải.

Có cán bộ bao che cho than lậu

Tại Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, Thủ tướng Chính phủ nhận định: Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh than. Theo đó, tình trạng khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép đã giảm, việc tiêu thụ than bất hợp pháp cũng được hạn chế.

Tuy nhiên, việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép vẫn còn diễn biến khá phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, tình trạng mất vệ sinh môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn khá phổ biến... Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, giữa các địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than chưa chặt chẽ.

Đặc biệt, có hành vi tiếp tay, bao che của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than đối với các đầu nậu than thổ phỉ, các hành vi khai thác vận chuyển và buôn bán than lậu. Cùng với đó, việc xử lý những vi phạm còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, lợi nhuận bất chính từ than rất lớn nên khiến nạn buôn bán than lậu khó kiểm soát, cứ dẹp một thời gian lại nổi lên như bắt cóc bỏ đĩa. “Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép; xử lý nghiêm theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép” – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

“Cây gậy” pháp lý

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 13 (có hiệu lực thi hành vào 25/8 tới đây) quy định quản lý than trôi để ngăn chặn nạn khai thác, buôn bán than trái phép. Thông tư 13, khẳng định rõ về nguyên tắc quản lý than trôi: Than trôi ngoài phần dành để đáp ứng nhu cầu sử dụng trực tiếp của người thu gom (nếu có), chỉ được phép tiêu thụ theo hình thức bán trực tiếp cho đơn vị thu mua.

Và để tránh việc người dân muốn bán nhưng đơn vị có trách nhiệm lại không “hào hứng” mua và ép giá, Thông tư quy định: Việc thu mua than trôi của cá nhân, tổ chức do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu nhằm giảm tổn thất tài nguyên than, góp phần ngăn chặn tình trạng kinh doanh than trái phép.

Các đơn vị thu mua có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn điểm thu mua và cách thức thu mua than trôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực, đảm bảo thuận tiện cho người thu gom; đồng thời thông báo công khai tại các điểm thu mua về phương thức xác định khối lượng, chất lượng than, thời gian định kỳ tổ chức thu mua. Mở sổ theo dõi than trôi thu mua được; xuất phiếu xác nhận thanh toán than riêng cho than trôi thu mua; thanh toán tiền mua than cho người thu gom bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo quy định, nhưng không chậm quá 5 ngày làm việc kể từ ngày mua, bán than.

TKV và TCTy Đông Bắc cũng phải thực hiện niêm yết công khai giá thu mua than trôi tại điểm thu mua. Để tránh tình trạng than tốt đang ở trong bãi bị một số cán bộ, công chức, viên chức thông đồng tuồn ra ngoài rồi quay lại bán như là than trôi thu gom được, Thông tư 13 yêu cầu TKV và TCTy Đông Bắc phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định nội bộ để ngăn chặn, xử lý nghiêm và triệt để hiện tượng móc nối, tuồn than ra bên ngoài để tiêu thụ dưới danh nghĩa than trôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Pháp luật đã chặt, nhưng còn kiểm soát?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO