'Khóc dở, mếu dở' vì buông lỏng quản lý

Trần Duy Hưng 30/03/2016 09:35

Mấy chục hộ dân xã Yên Tiến (Ý Yên, Nam Định) cho rằng, nếu không bắc cầu qua kênh thì họ không có đường đi trong khi chính quyền khẳng định việc tự ý xây cầu  là trái phép, xâm hại công trình thủy lợi, công trình giao thông; yêu cầu tháo bỏ. Mâu thuẫn từ đó phát sinh, căng thẳng. Vì sao lại có chuyện như vậy?

'Khóc dở, mếu dở' vì buông lỏng quản lý

Chính quyền nói người dân xây nhà trên mặt bờ kênh, tự ý bắc cầu là trái phép.
Trong khi người dân “kêu” không mở cầu thì không có đường đi.

Hồn nhiên giao đất, xây nhà trên bờ kênh

Có mặt tại xã Yên Tiến (Ý Yên, Nam Định)- nơi những ngày qua xảy ra mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền liên quan đến mấy chục cây cầu dân sinh- PV báo Đại Đoàn Kết ghi nhận: Tại đây, công trình đường 57B, đoạn qua địa bàn xã đang được thi công; chạy song song là con kênh S48. Phía bờ bên kia, dọc theo đoạn kênh dài trên dưới 2km là một khu dân cư khá đông đúc, nhà cửa xây dựng kiên cố, có cả nhà 2-3 tầng. Nhiều nhà trong số này được xây dựng ra sát mép nước. Đặc biệt, trên đoạn kênh này, cứ vài chục mét lại có một cây cầu, gồm cả cầu bêtông, cầu ghép ván gỗ từ phía nhà dân “trổ” sang đường 57B. Nhiều hộ sinh sống tại đây có nghề sơn mài, chắp nứa ghép, các hoạt động sản xuất, vận chuyển diễn ra khá sôi động…

Thông tin với PV, ông Ngô Văn Chiên- Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tiến cho biết khu dân cư này là một phần của xóm Trung Thôn, được hình thành từ trước năm 1990. “Ngày đó vẫn còn cơ chế “xin cho”. Ai chưa có đất ở thì được HTX nông nghiệp “cho ra đây để ở” rồi thu một ít tiền. Có điều, khi đó HTX đã cho đất không theo quy hoạch mà cho người dân xây nhà ngay trên mặt bờ kênh”- ông Chiên dẫn giải.

Theo thời gian, chỉ từ một số hộ ban đầu, đến nay khu dân cư đã “sinh sôi, nảy nở” lên khoảng 40 hộ. “Do người dân xây nhà ở ngay trên mặt bờ kênh, xâm hại hành lang bảo vệ công trình thủy lợi nên đất ở của toàn bộ các hộ dân ở đây chưa được cấp sổ đỏ và cũng sẽ không bao giờ được cấp”- ông Chiên khẳng định.

Ông Chiên cũng cho biết: trước đó, địa phương đã quy hoạch, dành diện tích đất phía sau khu dân cư này để làm đường đi cho người dân. Tuy nhiên từ lâu diện tích đất này “cơ bản cũng không còn” vì những hộ dân ở đây đã lấn chiếm để làm nhà, làm công trình. Để có đường đi, mấy chục năm qua, người dân cứ tự ý bắc cầu qua kênh để sang đường 57B. Theo kiểm đếm mới đây của chính quyền xã, trên 2,2km kênh chạy qua địa bàn xã đến nay có tổng cộng 39 cây cầu do dân tự xây. “Những cây cầu trên đều được người dân xây dựng bất hợp pháp, không xin phép chính quyền, không theo một quy hoạch nào”- ông Chiên khẳng định.

Trả lời câu hỏi của PV vai trò, trách nhiệm quản lý đất đai, quản lý xây dựng của chính quyền địa phương ở đâu khi để tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà ở, công trình tràn lan, xâm hại nghiêm trọng công trình thủy lợi trong một thời gian dài? Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tiến cho biết chính quyền xã cũng có ngăn chặn, lập biên bản sai phạm nhưng cũng nói rằng “việc quản lý đất đai, xây dựng ở nông thôn không được chặt chẽ như ở thành phố”…

'Khóc dở, mếu dở' vì buông lỏng quản lý - 1

Cần sự hợp tác, đồng thuận tháo gỡ

Việc lấn chiếm đất đai, tự ý xây dựng hàng loạt cây cầu, xâm hại công trình thủy lợi ở xã Yên Tiến sẽ cứ mặc nhiên tồn tại, nếu như không có việc đường 57B qua địa bàn xã Yên Tiến đang được mở rộng, nâng cấp.

Theo ông Ngô Văn Chiên, trước khi công trình được thi công, chính quyền xã phải tiến hành giải phóng mặt bằng. Theo đó, những mấu cầu nằm vào chỉ giới mở rộng đường 57B phải cắt bỏ để nhà thầu mở rộng đường và làm mái kè. Trong thời gian đường được thi công, để có đường đi, người dân phải dùng những vật liệu tạm để “đấu nối” cầu vào thân đường. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Đại- đại diện Cty Đại Phong, nhà thầu thi công đường 57B, ngay sau khi bờ kè được xây dựng, chỉ “sau một đêm”, người dân đã xây lại mấu cầu bằng gạch, xi măng, rộng hơn nhiều so với mấu cầu cũ, đấu nối trực tiếp vào thân kè.

“Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình. Thân kè chỉ có đất đá, trọng lượng cầu cũng như người xe qua lại sẽ khiến bờ kè sớm bị sạt lở, đường cũng bị sạt lở theo, công trình do vậy không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, sẽ không được nghiệm thu. Chỉ có một đoạn đường ngắn mà có đến mấy chục cây cầu đấu nối vào, giao thông qua đây sẽ rất nguy hiểm”- ông Đại nói. Từ đó, ông Đại cho biết nhà thầu này đã phải kiến nghị Ban quản lý dự án, UBND huyện Ý Yên có biện pháp can thiệp.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tiến cho biết, trước sự việc này chính quyền xã đã ra thông báo, yêu cầu các hộ dân phải tự giác tháo bỏ các mấu cầu trên, ra hạn đến hết ngày 17-3-2016 phải hoàn thành. Tuy nhiên, hết hạn người dân đã không thực hiện việc tháo dỡ trên, dẫn đến việc sau đó chính quyền huyện Ý Yên phải tiến hành cưỡng chế. Khi tiến hành, việc cưỡng chế “vấp” phải sự phản ứng của người dân, với lý do nếu phá cầu họ không còn đường nào để đi, đồng thời mặc cả: chỉ tháo dỡ cầu khi được chính quyền làm đường…

Được hỏi về hướng giải quyết, các ông Nguyễn Huy Liệu- Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, ông Trần Doãn Thảo- Giám đốc Cty khai thác công trình thủy lợi huyện đều nhìn nhận đây là một việc khó khăn, phức tạp. Người dân không thể một ngày không có đường đi trong khi không thể để công trình thủy lợi, công trình giao thông bị xâm hại, mất an toàn. Giải pháp trước mắt chính quyền địa phương đưa ra là quy hoạch lại những cây cầu dân sinh hiện có, chỉ để lại một số cây cầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, không để tồn tại tình trạng “mỗi nhà tự bắc một cầu”, kèm theo đó là làm đường gom dọc kênh. Về lâu dài, sẽ thu hồi đất người dân đã lấn chiếm để làm đường đi phía sau khu dân cư như trước đó đã quy hoạch…

Tuy nhiên, để thực hiện được phương án nào thì nhiều hộ dân cũng sẽ phải thực hiện dỡ bỏ nhà ở, công trình lâu nay đã xây dựng trên đất lấn chiếm (mặt bờ kênh, diện tích đất quy hoạch làm đường phía sau). Điều đó đòi hỏi quá trình thực hiện giữa người dân và chính quyền phải có sự hợp tác, đồng thuận. Chỉ có như vậy mới có thể tìm ra hướng giải quyết hợp lý, dân sinh mới được đảm bảo, pháp luật cũng được thượng tôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Khóc dở, mếu dở' vì buông lỏng quản lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO