Luật hở hay lợi dụng?

Hải Phong 20/04/2016 09:10

Dư luận đang tỏ ra băn khoăn vì Khoản 1, Điều 25 Bộ luật Hình sự đang trở thành “phao cứu sinh” cho không ít cơ quan tố tụng trốn tránh bồi thường khi không thể chứng minh được tội phạm, gây oan sai cho người vô tội.

Đơn cử một ví dụ. Năm 1972, ông Đặng Văn Mười (trú tại xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) được du kích giác ngộ, móc nối mang truyền đơn về xóm rải nhiều lần rồi bị bắt giam, bị đánh đập. Sau gần 6 tháng bị giam giữ tại nhà lao Phan Thiết, ông Mười được thả. Tại hồ sơ lưu trữ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn còn lưu lại được thì ngày 18/7/1972, ông Mười đã bị Đội Thám sát đặc biệt tỉnh Bình Thuận bắt. Hồ sơ này khẳng định ông Mười giữ chức vụ tổ viên thanh thiếu niên tiền phương cộng sản của xã Thuận Hòa đã rải truyền đơn và là tổ viên báo động...

Năm 2001, ông Mười lập hồ sơ xin hưởng chế độ ưu đãi người tham gia hoạt động kháng chiến bị tù đày và được trợ cấp một lần 1 triệu đồng. Sau đó, ông Mười xin giám định thương tật để được hưởng chế độ thương binh hơn 400.000 đồng/tháng. Tới năm 2009, ông Mười nhận được hơn 18 triệu đồng tiền trợ cấp.

Song, không hiểu vì lý do gì cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc ra quyết định khởi tố ông Mười về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 11/2010, ông Mười bị TAND huyện Hàm Thuận Bắc phạt 9 tháng tù với lý do: Ông Mười có tham gia cơ sở du kích mật hay không chưa đủ căn cứ kết luận bởi hai người trực tiếp giao nhiệm vụ cho bị cáo đều đã chết. Sau đó, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Tháng 10/2011, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra theo Khoản 1, Điều 25 Bộ luật Hình sự.

Ở đây có mấy vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, đó là việc CQĐT đã không thể làm rõ được việc ông Mười có tham gia hoạt động cách mạng không, trong khi hồ sơ lưu trữ của chế độ cũ vẫn còn. Để biện minh cho sự yếu kém về nghiệp vụ, CQĐT Hàm Thuận Bắc đã lý giải hết sức khiên cưỡng: 2 cán bộ giao nhiệm vụ cho ông Mười đã chết nên không thể xác định ông này có tham gia cách mạng hay không. CQĐT hoàn toàn có thể căn cứ vào hồ sơ lưu của chế độ cũ để xác minh. Điều này không phải là quá đơn giản đối với trình độ nghiệp vụ của cơ quan công an hay sao?

Thứ hai, TAND huyện Hàm Thuận Bắc dù khẳng định việc ông Mười có tham gia cách mạng hay không còn chưa đủ căn cứ kết luận, nhưng vẫn kết tội ông này là hoàn toàn thiếu trách nhiệm và trái pháp luật. Bởi lẽ, việc ông Mười không tham gia hoạt động cách mạng mà khai man để hưởng tiền trợ cấp thì mới cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Song, không hiểu do trình độ nghiệp vụ non yếu, hay có động cơ cá nhân không trong sáng mà thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vẫn kết tội ông Mười dù “chưa có căn cứ ông có hoạt động cách mạng hay không”.

Điều đáng nói là trong thời gian ông Mười đang khiếu nại việc bị khởi tố, truy tố, kết án oan, thì tháng 9/2013, ông được công nhận là người hoạt động kháng chiến, được địa phương trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì do Chủ tịch nước ký. Rõ ràng trong vụ án này đã có sự “khập khiễng” giữa các cơ quan chức năng của địa phương, một bên kết tội khai man để lừa đảo, một bên lại tặng huy chương. Điều đó chứng tỏ rằng các cơ quan tố tụng của địa phương đã cố tình “lách luật” để né bồi thường, chứ không phải là quy định của luật bị hở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật hở hay lợi dụng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO