Nợ đọng Bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng

Minh Long 27/10/2016 09:15

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song vẫn có tới 14 tỉnh có số chi khám chữa bệnh (KCB) 9 tháng đầu năm 2016 tăng cao hơn 155% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2016 số chi KCB BHYT vẫn nằm trong phạm vi dự toán được giao. Tuy nhiên, sẽ có khoảng 41 đơn vị bội chi quỹ với số tiền trên 8.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Trên đây là những thông tin được ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT ngày 26/10.

Trục lợi BHYT chưa giảm

Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam trong quý 3 đã có 16 tỉnh (Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Yên Bái, Lạng Sơn) thực hiện áp dụng giá DVYT có cơ cấu tiền lương. Do đó chi phí KCB của một số tỉnh tăng cao. Lũy kế 9 tháng đầu năm có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Các tỉnh 6 tháng đầu năm bội chi cao thì tiếp tục 9 tháng số bội chi càng gia tăng. Ước có 6 tỉnh có số bội chi trên 200 tỷ đồng gồm Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình. Trong đó Nghệ An, Thanh Hóa vẫn là 2 tỉnh dự kiến có số bội chi cao nhất.

Đáng chú ý tuy chi phí KCB trong tháng 8,9 của quý 3 tại một số tỉnh đã được kiểm soát, nhưng so 9 tháng đầu năm 2016 với cùng kỳ năm trước thì nhiều tỉnh vẫn có tỷ lệ gia tăng số chi KCB tại tỉnh khá cao. Có 14 tỉnh có số chi KCB 9 tháng đầu năm 2016 tăng cao hơn 155% so với cùng kỳ năm trước.

“Để chấn chỉnh công tác giám định BHYT 6 tháng cuối năm 2016, ngày 31/8/2016, BHXH Việt Nam có Công văn số 3358/BHXH-CSYT. Tuy nhiên, một số tỉnh triển khai thực hiện còn chậm, báo cáo sơ sài, chung chung, chưa chỉ ra được những nguyên nhân chủ quan thuộc về phía cơ sở KCB làm gia tăng chi phí KCB BHYT, có những tỉnh không báo cáo được cụ thể những việc đã thực hiện trong thời gian qua theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam” – ông Sơn nói.

Kinh doanh có lãi vẫn chây ì nợ

Cùng với vấn đề bội chi quỹ BHYT thì vấn nợ đọng BHXH cũng được cơ quan BHXH liệt vào điểm nóng trong quý 3.

Cụ thể theo Báo cáo tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra hầu hết các địa phương trong cả nước. Tính đến ngày 30/9/2016, nợ BHXH là 13.121 tỷ đồng, chiếm 6% số phải thu, trong đó nợ BHXH bắt buộc là 8.987 tỷ đồng. Đáng lưu ý trong số 3.351 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng, không chỉ nợ của các đơn vị khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bao gồm nợ của các đơn vị khu vực doanh nghiệp nhà nước, tập trung ở ngành giao thông, xây dựng và các tập đoàn đang thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp.

Cũng theo cơ quan BHXH Việt Nam nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi cố tình nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động (trừ tiền lương) nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác không nộp vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH theo ông Phạm Lương Sơn tới đây cơ quan BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp giám sát liên ngành giữa 5 cơ quan gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ và BHXH Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH tại các địa phương. Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thông tin, báo cáo kịp thời tình hình vi phạm pháp luật BHXH của các đơn vị trên địa bàn để có hướng chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ đọng Bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO