Tội ác xâm hại trẻ em: Nhận diện và phòng vệ

Mai Trang 19/03/2017 08:50

Trong thời gian gần đây, hàng loạt nghi vấn về việc xâm hại trẻ em đã làm dư luận xôn xao, hoang mang. Không chỉ ở những nơi vắng vẻ mà học sinh có thể bị lạm dụng ngay tại trường học- nơi tưởng như là an toàn nhất đối với các em. Vậy nhà trường phải làm thế nào và phụ huynh cần trang bị những điều gì để có thể bảo vệ con em mình trước vấn nạn này?

Những con số đáng lo ngại

Khá nhiều cuộc tọa đàm với chủ đề chống xâm hại tình dục trẻ em đã được tổ chức, nhằm đưa ra những ý kiến để nhận diện tội ác xâm hại tình dục trẻ em, dạy cho trẻ biết cách phòng vệ trước nguy cơ bị xâm hại.

Số liệu chính thức từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cung cấp cho hay, trung bình hằng năm có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Trong đó, trẻ bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%. Cụ thể hơn, cứ mỗi giờ trôi qua lại 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại.

Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, con số thống kê chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng chìm, đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện xử lý vì trong xã hội hiện nay trẻ em có thể bị xâm hại ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào. Và trong thời gian gần đây, xã hội đang nóng lên vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục ở Hà Nội, TP HCM và ở Vũng Tàu.

Đặc biệt, vụ trẻ bị xâm hại ở Vũng Tàu nghiêm trọng đến mức chính Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo các cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ. Tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng đã phải chỉ đạo làm rõ vụ bé 8 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội bị xâm hại.

Bác sĩ tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang- Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết: Theo nghiên cứu, trong số trẻ em bị lạm dụng có khoảng 75% là bé gái và nguyên nhân dẫn đến trẻ bị lạm dụng do không có sự quan tâm, chăm sóc của người lớn chiếm 40%. Đặc biệt, những trẻ bị khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn trẻ bình thường.

Thực tế, theo bác sĩ Trang, vấn nạn xâm hại trẻ em đã đến mức báo động. Những trường hợp bị xâm hại được thống kê chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn những phần chìm không thể nào thống kê. Bởi vì, người bị hại quá đau khổ, không thể nói ra vì sợ những điều tiếng của xã hội. Bác sĩ Trang chia sẻ: Trường hợp của một bé gái (6 tuổi) do ba mẹ bận đi làm, ít quan tâm nên bị chính người trong xóm lạm dụng. Thế nhưng, em vẫn ngây thơ không hay biết đã bị lạm dụng. Cho đến khi phát hiện ra sự việc, hậu quả đã rất nghiêm trọng. Còn có trường hợp bé trai 12 tuổi khi đi bơi bị người lạ lợi dụng sờ soạng. Điều đó chứng tỏ rằng mọi đứa trẻ đều có thể là đối tượng xâm hại của bất kỳ ai.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến- Phó khoa Khoa KHXH & NV, chuyên ngành Xã hội học - Tâm lý học, Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: Thực ra tình trạng xâm hại trẻ em đã diễn ra từ rất lâu. Theo tôi, các số liệu hiện hữu ít hơn hiện thực do các con số này không được thống kê đầy đủ. Nguyên nhân là do quan niệm về sự kỳ thị của người bị hại khiến các em không dám nói lên sự thật.

Về những bất an với trẻ em ở trường học, bà Bùi Trân Phượng- nguyên hiệu trưởng ĐH Hoa Sen cho rằng: Ngay cả trường đại học, việc xâm hại vẫn xảy ra và người bị xâm hại vẫn ở thế yếu tuyệt đối.

Dạy cho trẻ biết cách phòng vệ

PGS. TS Trần Thị Kim Xuyến phân tích: Chúng ta vẫn nghĩ trẻ em cần không gian sống thật an toàn, nên chỉ chú ý đến nơi công cộng mà bỏ qua nơi sống của các em. Về thủ phạm xâm hại, đôi khi chúng ta thường dặn trẻ không được tiếp xúc với người lạ nhưng theo thống kê, chính những người thân quen lại xâm hại nhiều hơn. Theo bà Xuyến, sự tổn hại về mặt tinh thần đối với trẻ không phải ngay khi thời điểm bị xâm hại mà dẫn đến tình trạng lệch lạc về tinh thần sau này.

Theo PGS.TS Kim Xuyến khi trẻ bị xâm hại, các em thông báo cho người xung quanh rằng bị xâm hại nhưng ít khi được người lớn công nhận. Thực tế 98% các vụ việc từ lời khai của trẻ được xác định là sự thật. Đôi khi cơ quan chức năng hoặc vô tình hoặc cố ý không tin nạn nhân, khiến cho họ bị đơn độc, giữ kín sự việc trong vòng 1 năm, thậm chí 5 năm và nhiều trẻ sẽ giữ im lặng suốt đời.

Bà Xuyến cũng cho rằng, chúng ta cần phải nói về vấn đề này, các bậc phụ huynh cần phải nói với nhau và nói với con cái về vấn đề xâm hại tình dục. Mọi người và các tổ chức xã hội phải tạo sự an toàn cho các em, hướng dẫn các em cách gọi tên, mô tả kẻ xâm hại để tìm ra được thủ phạm.

Về vấn đề này, BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang cho rằng sau những vụ việc đau lòng trên, ngoài việc suy xét theo pháp luật thì điều mỗi người cần làm không phải là phẫn nộ, lên án mà làm sao bảo vệ những đứa trẻ hồn nhiên thoát khỏi điều đó. Có những phụ huynh quá bao bọc các em nên khi ra ngoài không thể tự vệ, khi gặp kẻ có ý đồ, bé không biết làm gì. Cần phải cho bé biết cơ thể của bé là của bé, người khác không được đụng vào những nơi nhạy cảm. Cần phải đối thoại với trẻ hàng ngày. Bên cạch đó, nhà trường, gia đình phải dùng sách, báo để giáo dục giới tính cho con.

Về khía cạnh xã hội, theo bà Xuyến nguyên nhân ngày càng gia tăng là do việc thực thi pháp luật chưa nghiệm minh. TS xã hội học Phạm Thị Thuý- Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia thì cho rằng mọi người đều biết việc xâm hại trẻ em để lại hậu quả ghê gớm với nạn nhân, nhưng điều quan trọng là phải làm sao hỗ trợ tâm lý cho các con. Nhiều rất phụ huynh cứ bắt con nhớ lại, kể đi kể lại chuyện bị xâm hại. Điều này làm chon trẻ bị di chấn nhiều hơn. Hơn hết, phụ huynh cần dạy trẻ lớn lên như một con người có nhân cách, biết tự bảo vệ mình…

Ở góc độ pháp luật, Luật sư Lê Ngọc Luân- Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng: Phụ huynh phải bình tĩnh, nhẹ nhàng trò chuyện với con và phải ghi âm lời khai. Phía công an là phải hết sức nhẹ nhàng, không để kẻ xâm hại biết để xóa hết các dấu hiệu.

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến- Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), các trường hợp xâm hại trẻ em gây bức xúc nhất trong thời gian qua là nạn nhân đều dưới 10 tuổi. Các cháu này không có khả năng tự vệ. Chính vì các cháu còn nhỏ tuổi, không có khả năng tự vệ nên khi bị xâm hại thì thường không biết mình bị xâm hại. Chỉ khi người lớn phát hiện hoặc có người chứng kiến, các cháu mới kể lại.

Có những vụ việc sau khi xảy ra một thời gian rồi mới bị phát hiện. Thậm chí là có những vụ các cháu bị xâm hại nhưng không để lại dấu vết, chứng cứ vật chất. Hơn nữa, lời khai của các cháu chỉ có một chiều, chủ yếu chỉ có chứng cứ gián tiếp. Do vậy, có một số vụ, việc điều tra kéo dài mà cũng không kết luận được do chứng cứ không đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tội ác xâm hại trẻ em: Nhận diện và phòng vệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO