Trọng chứng hay trọng cung?

Hải Phong 08/12/2015 08:00

quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo sẽ “bó tay” các điều tra viên làm sai quy trình tố tụng, nôn nóng lập công, ngại khó ngại khổ... chứ chả hề ảnh hưởng đến những điều tra viên làm đúng quy trình, thực sự “lành nghề”, có tâm và tràn đầy nhiệt huyết...

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo để đảm bảo nội dung vụ án được khách quan, tránh việc bức cung, nhục hình dẫn đến oan, sai.

Có thể nói, đây là bước tiến vượt bậc trong quá trình cải cách tư pháp, dù vẫn còn một số ý kiến quan ngại quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo sẽ “trói tay” CQĐT. Có thể thấy ngay rằng, lập luận này khá khiên cưỡng bởi lời khai của bị can, bị cáo chỉ là một phần trong việc chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã từng thẳng thắn thừa nhận, hiện có thực trạng đáng buồn là khá nhiều điều tra viên chỉ nhăm nhăm vào lời khai của nghi can, rồi tìm chứng cứ, tài liệu cho phù hợp với lời khai đó để chứng minh họ có tội.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, đây là lỗi cơ bản, sơ đẳng không được phép mắc phải, bởi bất cứ điều tra viên nào cũng đã từng được dạy rất kỹ khi còn ngồi trên ghế các trường công an: Khi phá án phải trọng chứng, không trọng cung.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc có không ít điều tra viên mắc lỗi như đã nêu, là tìm mọi cách, bằng mọi giá lấy lời khai của nghi can để chứng minh tội phạm, song có nguyên nhân chủ yếu là họ nôn nóng lập công, ngại khó khăn, vất vả truy tìm những chứng cứ, tài liệu khách quan chứng minh tội phạm. Vậy nên, thay vì tìm kiếm, tập hợp chứng cứ, tài liệu khách quan rồi đấu tranh với nghi can để chứng minh tội phạm, thì điều tra viên làm ngược lại, là lấy lời khai rồi tìm chứng cứ, tài liệu cho phù hợp với lời khai.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến không ít vụ án bị làm sai lệch hồ sơ, nội dung vụ án bị thay đổi, dẫn đến gây oan, sai cho người vô tội. Chẳng phải những vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)... là những ví dụ đau lòng của việc cẩu thả, bừa bãi, làm sai quy trình tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đó sao?

Nếu như ông Chấn, ông Nén không bị ép cung thì đời nào các ông khai là mình phạm tội? Và nếu các ông không khai nhận phạm tội thì điều tra viên làm sao có thể tìm chứng cứ, tài liệu để khớp vào vụ án?

Trở lại câu chuyện Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được thông qua đề ra quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo là hết sức văn minh, tiến bộ. Đúng như một số ý kiến quan ngại, quy định trên sẽ “bó tay” các điều tra viên làm sai quy trình tố tụng, nôn nóng lập công, ngại khó ngại khổ... Chứ quy định trên không thể “gây khó” cho CQĐT nếu thực sự mỗi điều tra viên làm đúng quy trình, thực sự “lành nghề”, có tâm và tràn đầy nhiệt huyết thì quyền im lặng của bị can cũng không thể làm khó họ, bởi lẽ trong mỗi vụ án cần trọng chứng hơn trọng cung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trọng chứng hay trọng cung?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO