Pháp lý hóa giáo dục trực tuyến

Tùng Linh 23/08/2020 09:55

Để giáo dục trực tuyến được pháp lý hóa, Bộ GDĐT đã công bố Dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Bộ GDĐT xác định mục đích của việc dạy học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh.

Trong năm học 2019-2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh không thể đến trường suốt 3 tháng ở học kỳ hai, các trường học trên cả nước đã phải chuyển sang dạy trực tuyến. Tuy nhiên, điều này đã làm lộ ra khoảng trống pháp lý của phương thức giáo dục này, từ đó nảy sinh nhiều tranh cãi giữa nhà trường và phụ huynh về vấn đề học phí, đặc biệt là ở các trường ngoài công lập.

Để giáo dục trực tuyến được pháp lý hóa, Bộ GDĐT đã công bố Dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Liên tục đánh giá kết quả

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, khi xây dựng Dự thảo Thông tư, Bộ GDĐT xác định mục đích của việc dạy học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, đặc biệt là khi các em không thể đến trường vì những lí do khách quan. Phương thức này còn bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp, giúp nâng cao hiệu quả công tác dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh.

Dạy học trực tuyến cũng tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thông qua dạy học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Dạy học trực tuyến tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên có cơ hội hình thành và phát triển nhiều năng lực như: “Tự chủ và tự học”, “năng lực tin học”, “năng lực công nghệ”, “giải quyết vấn đề và sáng tạo”. Đây là 4 trong số 10 năng lực cốt lõi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt mục tiêu hình thành và phát triển cho người học.

Dự thảo Thông tư cũng đặt nguyên tắc đối với việc dạy học trực tuyến là phải “đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kỹ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh”. Đặc biệt, “không tạo ra áp lực đối với giáo viên và học sinh” trong việc tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến.

Việc công nhận kết quả dạy và học trực tuyến phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh và theo các quy định của Bộ GDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh. Theo đó, Điều 7 của Dự thảo Thông tư quy định: Đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh trong quá trình dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được thực hiện tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định.

Điều này có nghĩa, việc đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh dù học theo phương thức trực tuyến hay trực tiếp đều có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên đánh giá định kỳ buộc phải thực hiện bằng hình thức trực tiếp và tập trung tại cơ sở giáo dục phổ thông. Việc xét và công nhận kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện như hình thức học tập trực tiếp.

Dạy học trực tuyến theo 3 hình thức

Dự thảo Thông tư quy định 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến. Thứ nhất là hình thức: Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.

Hình thức thứ hai là: Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường.

Hình thức thứ ba là: Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.

Các nội dung khác về tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến; quản lý và lưu trữ hồ sơ; hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học; quyền và nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên, học sinh; trách nhiệm của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông trong việc tổ chức dạy học trực tuyến… cũng được quy định rõ. Trong đó, đáng chú ý là quy định giáo viên được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến và thực hiện được việc dạy học trực tuyến.

Căn cứ Thông tư của Bộ GDĐT, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ xây dựng nội quy dạy học trực tuyến của cơ sở mình, xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt của hoạt động dạy học trực tuyến để đảm bảo chất lượng dạy học. Những quy định liên quan đến dạy học trực tuyến, kế hoạch giáo dục, điều kiện đảm bảo việc dạy học trực tuyến phải được cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai.

Liên quan đến vấn đề gây nhiều tranh cãi thời gian qua là học phí cho thời gian dạy trực tuyến trong các nhà trường, ông Thái Văn Tài cho rằng: Việc học trực tuyến thời gian vừa qua chỉ là giải pháp tình thế, chưa có sự thỏa thuận từ trước giữa phụ huynh và nhà trường cũng như chưa có kiểm soát về chất lượng học nên xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường. “Dự thảo đang tiếp cận dạy học trực tuyến ở mục tiêu số một là nhằm nâng cao chất lượng chương trình chính khoá. Do vậy, học phí được thiết kế theo chương trình chính khoá công bố ngay từ đầu năm học. Nếu trong trường hợp do dịch bệnh hoặc hoàn cảnh bất khả kháng, dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn dạy học trực tiếp thì tới đây, khi đã có quy định chính thức về dạy hoc trực tuyến, việc thực hiện cũng sẽ bài bản hơn”- ông Tài nói.

GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN):

Chúng ta có tất cả các hoạt động, từ Chính phủ điện tử, thương mại điện tử… Rõ ràng, giáo dục không thể đứng ngoài dòng chảy đó được. Tôi nghĩ giáo dục và khoa học phải đi đầu, phải là lĩnh vực tiên phong. Bởi vì sao? Bởi vì chính giáo dục đào tạo ra những công dân số, những người sẽ làm chủ kỷ nguyên số này. Như vậy thì giáo dục không thể đứng ngoài hoặc đi sau được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Pháp lý hóa giáo dục trực tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO