Phát động toàn quốc Chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

Nguyễn Hoài 12/09/2021 22:53

Tối 12/9, Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 6 điểm cầu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Tham dự buổi lễ còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Cùng tham dự còn có lãnh đạo một số Bộ ngành; Đđại diện một số doanh nghiệp tài trợ; Điểm cầu địa phương do lãnh đạo tỉnh chủ trì.

Chương trình được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ GDĐT thực hiện nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình sẽ được lan tỏa thực hiện ở các ngành, các cấp địa phương trên cả nước.

Phủ sóng toàn bộ hơn 1.900 điểm chưa kết nối internet

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, “Sóng và máy tính cho em” là chương trình lớn, như một lời hiệu triệu cả triệu người theo.

Đây là chủ trương đúng đắn, nhân văn nên chỉ trong 5 ngày phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã vào cuộc tích cực và có được sự kiện ngày hôm nay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Lễ phát động tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chương trình gồm 3 phần: Sóng Internet, máy tính và giá cước viễn thông phù hợp.

“Sóng và máy tính cho em” sẽ thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, ở các vùng quê, các em sẽ hỗ trợ bố mẹ làm quen với chuyển đổi số, mua bán bằng điện tử.

Trình bày Kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” giữa Bộ GDĐT với Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, nội dung chính của kế hoạch là: Trong tháng 9/2021, phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Trong năm 2021, phủ sóng toàn bộ hơn 1.900 điểm chưa kết nối internet di động trên toàn quốc.

Về hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến, giai đoạn 1 (trong năm 2021), huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.

Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023), tiếp tục phát động chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.

Bên cạnh đó, một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến gồm: Miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố;

Miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến;

Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến.

Khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến

Theo thống kê của Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT), tính đến ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang tổ chức học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến).

Tổng số học sinh các cấp đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 em. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.

Ông Lê Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) cho biết, hương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục tiêu hỗ trợ và cung cấp máy tính cho học sinh ở các vùng khó khăn, vùng thực hiện giãn cách xã hội không những giải quyết được vấn đề dạy học trực tuyến trước mắt mà lâu dài còn hỗ trợ cho các nhà trường chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn thay mặt Ngành Giáo dục nhận ủng hộ từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chương trình cũng hướng đến mục tiêu có sóng và có Internet đến các hộ gia đình, có máy tính cho các em học sinh, có giá cước phù hợp cho các hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo. Chương trình sẽ đem đến sự đổi thay và một tương lai tốt hơn trong tương lai không xa.

Theo lộ trình, trong năm 2021, chương trình đảm bảo phủ sóng toàn bộ các điểm chưa kết nối internet trên toàn quốc; huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên nghèo; miễn phí sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến; miễn phí cước Internet di động, các nền tảng dạy, hỗ trợ gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin.

Trong năm 2022 - 2023, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để học sinh nghèo có máy tính học trực tuyến.

Mới đây, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã huy động được 10 nghìn máy tính từ cán bộ, công nhân viên. Mỗi người đã góp từ 1 đến 5 ngày lương. Sắp tới, số máy tính trên sẽ chuyển tới tay các em học sinh nghèo khó khăn.

Trao tặng máy tính cho Chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Tại lễ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng 400 nghìn máy tính; Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng 200.000 máy tính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tặng 100.000 máy tính (từ đóng góp của nhiều ngân hàng); Bộ Ngoại giao trao tặng 240.000 máy tính; Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trao tặng 250.000 máy tính; 9 tập đoàn, doanh nghiệp trao tặng hơn 10.000 máy tính; Uỷ ban UNICEF tại Việt Nam ủng hộ 1.500 máy tính; nhiều UBND các tỉnh, thành cũng ủng hộ máy tính cho Chương trình.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thay mặt ngành Giáo dục nhận ủng hộ.

Đến thời điểm này, Chương trình đã tiếp nhận hơn 1 triệu máy tính, tương đương 2.350 tỷ đồng; Giá trị phủ sóng tương đương 3.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát động toàn quốc Chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO