Phát huy du lịch cộng đồng

Minh Quân 24/12/2020 07:38

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, du lịch cộng đồng đang là một hướng đi hiệu quả trong việc kích cầu du lịch nội địa. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả mô hình này cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Mô hình du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Tổng cục Du lịch vừa tổ chức lấy ý kiến dự thảo báo cáo xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Theo dự thảo, giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng sẽ tập theo định hướng theo định hướng phát triển bền vững, giữ bản sắc, không gây tác động lớn vào không gian văn hóa và hệ sinh thái; Đảm bảo phát triển du lịch cộng đồng phải có trách nhiệm với xã hội với chính cộng đồng đó; Thực hiện bảo tồn song song với phát huy giá trị tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa. Chú trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, địa phương, tạo sức hút với du khách từ những điểm khác biệt; Người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải tất cả các điểm đến, các bản du lịch cộng đồng đều được phát triển thành công. Thực tế, hiện nay, một số địa phương có tài nguyên nhưng chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển du lịch cộng đồng. Một số địa phương chỉ phát triển hoạt động du lịch cộng đồng khi có các dự án tài trợ. Khi dự án kết thúc thì hoạt động du lịch cũng èo uột và không triển khai được như trường hợp làng cổ Phước Tích ở Thừa Thiên - Huế.

Bên cạnh đó, mô hình này đang làm một số nơi dần mất bản sắc văn hóa vì một số người Kinh lên bản làng kinh doanh du lịch, chạy theo lợi nhận, bỏ qua yếu tố bảo tồn như trường hợp làng bảo tồn văn hóa Mông tại Hà Giang. Một số nơi nhầm lẫn giữa du lịch cộng đồng và homestay như trường hợp nhà A Chu tại Sơn La, các nhà homestay tại Mai Hịch (Hòa Bình) vì sự gắn kết giữa điểm kinh doanh lưu trú và cộng đồng chưa thật chặt chẽ.

Chưa kể, một số nơi còn khó khăn về hạ tầng nên khách khó tiếp cận, chưa được đầu tư nên chưa phát huy được giá trị tài nguyên hoặc đón được ít khách do đường vào khó khăn, hạn chế về tiếp cận giao thông, chưa có điện, thiếu nước, thiếu nơi đón tiếp khách… như Cao Bằng, Tây Nguyên.

Hầu hết các tuyến, điểm du lịch cộng đồng chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch thiết yếu theo quy định như đường giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh cộng cộng, điểm dừng chân ngắm cảnh và giới sản phẩm địa phương, hệ thống biển báo và biển chỉ dẫn du lịch, nhà du lịch cộng đồng,.... gây khó khăn cho du khách và các đơn vị lữ hành trong tiếp cận điểm đến và phục vụ du khách tại điểm đến.

Đặc biệt, hiện tượng đeo bám, chèo kéo khách du lịch và bán hàng rong vẫn diễn ra (như tại trung tâm thị xã Sa Pa và các xã phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Lào Cai). Có nguy cơ tệ nạn xã hội phát sinh do những khách có hành vi xấu. Cá biệt một số địa phương có tình trạng chạy theo thu nhập nên trẻ em lơ là việc học để phục vụ khách, đi bán hàng…

Bắt tay vượt khó

Có thể nói, với tình hình dich Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, du lịch cộng đồng đang là một hướng đi nhằm phục hồi ngành công nghiệp “không khói” tại Việt Nam. Nhưng để việc hỗ trợ đạt được hiệu quả vẫn là câu chuyện cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Theo ThS Lê Hoàng Anh, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, để sự hỗ trợ đạt hiệu quả cần có sự phân chia lợi ích từ các hoạt động du lịch ở địa phương. Cộng đồng phải được chia sẽ lợi ích từ phát triển du lịch. Theo nguyên tắc này cộng đồng phải cùng được hưởng lợi như các thành phần khác tham gia vào hoạt động kinh doanh cung cấp các sản phẩm cho khách du lịch, nguồn thu từ hoạt động du lịch được phân chia công bằng cho mọi thành viên tham gia hoạt động, đồng thời lợi ích đó cũng được trích để phát triển lợi ích chung cho xã hội như tái đầu tư cho cộng đồng xây dựng đường sá, cầu cống, điện và chăm sóc sức khoẻ, giáo dục.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch gây ra những mâu thuẫn giữa các bên tham gia nếu không phân chia lợi ích công bằng. “Muốn khai thác lâu bền các giá trị của cộng đồng, nhất thiết phải thực hiện du lịch có trách nhiệm. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển du lịch có trách nhiệm phải chia sẻ lợi ích, đảm bảo sự tham gia đồng đều của tất cả các bên. Đối với du khách, phải làm sao để họ thay đổi nhận thức và có những hành động thiết thực tại điểm đến”- ThS Lê Hoàng Anh nói.

Đồng quan điểm, TS Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, để mô hình du lịch cộng đồng vận hành hiệu quả trước mắt cần tập chung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn, ven biển và hải đảo. Trong đó, việc hỗ trợ cần áp dụng chuẩn hóa theo hệ thống tiêu chuẩn nghề quốc gia, tiến tới hội nhập quốc tế cho tất cả các khóa đào tạo nghiệp vụ du lịch. Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch, văn hóa và môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào công tác nghiên cứu, thống kê phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Từng bước hiện đại hóa công tác thống kê du lịch để dự báo nhu cầu nhân lực…

Nhìn chung, du lịch cộng đồng trong thời gian tới cần đưa ra những quy chuẩn chính xác cho mô hình hoạt động. Có kế hoạch tài chính cụ thể để hỗ trợ phát triển mô hình du lịch cộng đồng và cũng có thể gắn liền với việc phát triển nông thôn mới dựa trên tiêu chí hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại từng địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy du lịch cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO