Phát huy tiềm năng con người, tận dụng thời cơ, bước qua thách thức

Ảnh: Hoàng Long 26/01/2016 08:50

Việt Nam đang bước vào hội nhập mà ở đó, con người, với khả năng sáng tạo chính là nguồn lực của phát triển. Chia sẻ với Đại Đoàn Kết trước thềm Xuân Bính Thân 2016, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ niềm tin, trong thời cơ và thách thức hiện nay, với nguồn lực là gần 100 triệu người dân có nền tảng văn hoá 4.000 năm, với truyền thống đại đoàn kết gắn với sức mạnh dân tộc và thời đại, với những đường lối từ Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đản

Phát huy tiềm năng con người, tận dụng thời cơ, bước qua thách thức

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên

PV:Thưa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, năm 2015 trong rất nhiều chuyến công tác đến các địa phương, tiếp xúc với người dân nhiều tầng lớp, thành phần trong xã hội, Chủ tịch cảm nhận như thế nào về cuộc sống của người dân? Kỷ niệm, ấn tượng nào làm Chủ tịch suy nghĩ nhiều nhất?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Nhìn lại năm qua, thực ra không chỉ có tôi mà các vị lãnh đạo khác của Mặt trận trong Đoàn Chủ tịch đi cơ sở rất nhiều. Càng đi nhiều càng học được nhiều. Điều chúng tôi cảm nhận được đầu tiên là nhân dân rất mừng. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên. Kết quả đó có được là từ chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng có sự tham gia và đóng góp của chính nhân dân. Đặc biệt, chúng ta có tiến bộ về giảm nghèo, về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, điều này đã được tổ chức quốc tế thừa nhận. Thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài tiếp tục tăng. Trong khi ở một số nước khác đang phải đối mặt với những căng thẳng, xung đột về tôn giáo, sắc tộc, về khủng bố.

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn có nhiều điều phải suy nghĩ. Trong dịp dự Ngày hội Đại đoàn kết ở TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, chúng tôi tới thăm một hộ nghèo của một gia đình mà cả hai vợ chồng vẫn còn sức khoẻ lao động và có hai con đang tuổi đi học. Trong nhà có tủ lạnh rất to mà chắc để vận hành được nó phải rất tốn điện. Tôi trộm nghĩ, giá như tiền mua tủ lạnh đó để dành để đầu tư nuôi thêm lợn, gà vịt hoặc nuôi bò, trâu thì hiệu quả hơn nhiều. Vấn đề ở đây là thiếu người tư vấn. Nếu gia đình nghèo đó được một tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tham mưu thì chắc không dùng hàng triệu đồng như vậy để mua một cái tủ lạnh thật to mà người nghèo thì lấy đâu nhiều thứ để cất giữ, bảo quản trong đó. Điều này cho thấy, muốn giảm nghèo thì phải đến từng hộ, theo dõi và giúp họ có phương án làm ăn. Mặt trận phải có trách nhiệm trong việc này.

Ấn tượng thứ hai là vừa rồi chúng tôi có đi một số tỉnh Tây Nguyên nhân dịp Ngày Noel của đồng bào công giáo. Đến thăm Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi của những nũ tu công giáo người dân tộc thiểu số thuộc Hội Dòng ảnh Phép lạ, nơi đang nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 800 trẻ mồ côi tại 6 cơ sở bảo trợ, chúng tôi được biết, chỉ có 80 sơ mà nuôi 800 cháu mồ côi, nhà nước không phải hỗ trợ gì. Họ tự đi vận động, tự làm. 80 người phụ nữ này không có con nhưng họ nuôi 800 đứa con của người khác như con của mình, phải nói là rất xúc động. Khi gặp chúng tôi, các sơ vui mừng vì chưa khi nào họ được đón lãnh đạo cấp cao Trung ương đến thăm như thế.

Những hy sinh thầm lặng của các sơ thuộc Dòng ảnh Phép lạ là một minh chứng cho thấy không chỉ có đồng bào công giáo mà các tôn giáo của mình rất gắn bó với truyền thống nhân đạo của dân tộc.

Một sự kiện nữa cũng rất đáng nhớ. Đó là, đầu tháng 12/2015, MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổ chức NCA trợ giúp Việt Nam (Na Uy) cùng với 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc phát huy các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cam kết của các bên tham gia được ký kết trong một chương trình phối hợp giữa 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo, Bộ Tài nguyên Môi trường và MTTQ Việt Nam.

Hình ảnh 40 vị chức sắc tôn giáo cùng ngồi với nhau để ký một chương trình phối hợp thực sự là một hình tượng rất đẹp. Chúng ta biết có những nước tôn giáo không được ngồi với nhau. Chính vì vậy, hình ảnh này đã tác động sâu sắc đến các vị khách quốc tế. Họ nói rằng họ rất ngạc nhiên khi được nhìn thấy các tôn giáo ngồi lại với nhau và càng ngạc nhiên hơn vì biết ở Việt Nam, việc các tôn giáo ngồi được với nhau đã có từ lâu rồi. Đó cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho sự gắn bó, đoàn kết trong Mặt trận.

Chuyển giao địa phương một số chương trình giám sát

Năm 2015, Mặt trận đã triển khai thành công 8 chương trình giám sát được nhân dân đánh giá cao. Trong năm 2016, hoạt động giám sát sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: 8 chương trình giám sát thực chất là 1+7. Tức là một chương trình đã làm đến kết quả cuối cùng: Đó là Tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015 và trả lời được câu hỏi mà Thủ tướng giao là tình hình thực hiện chính sách người có công cho đến thời điểm này là như thế nào. Đồng thời, tiếp nhận những yêu cầu, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đời sống mới, trong đó có quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ giám sát nạn nhân chất độc da cam…

Chúng ta có nhiều chính sách chung để phát huy nguồn lực con người. Nhưng sắp tới có lẽ không phải chỉ chính sách của Nhà nước nữa mà mỗi địa phương cần quan tâm phát huy con người, phát huy nhân tài. Mỗi tổ chức cần tham gia để hình thành lớp người trẻ chủ chốt.

Qua việc này, chúng tôi rút ra một bài học. Đó là có những việc ngắn hạn chính quyền phải làm như tổng rà soát người có công. Nhưng nếu chỉ dựa vào bộ máy công chức nhà nước thì không cách nào làm được. Mặt trận đã vận động Hội Cựu chiến binh là lực lượng nòng cốt với 100 nghìn người là tình nguyện viên cộng với 100 nghìn tình nguyện viên của các đoàn thể khác như Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên… thì mới làm được. Sắp tới, những bài học kinh nghiệm từ cuộc tổng rà soát này có thể áp dụng cho các cuộc rà soát khác như rà soát an toàn thực phẩm.

Như vậy, trong 8 chương trình, 1 hoàn thành, còn 7 cái khác triển khai trong năm 2015 để rút kinh nghiệm như giám sát khiếu nại, tố cáo; giám sát đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp; giám sát điều kiện hành nghề, tuân thủ pháp luật của cơ sở y tế tư nhân; giám sát về đổi mới thủ tục hành chính thuế hải quan… Những chương trình này mới làm năm đầu tiên nhưng giá trị rút ra là chương trình nào thấy ổn, năm 2016 chuyển địa phương làm, Trung ương không làm nữa. Ví dụ như giám sát đầu vào vật tư nông nghiệp; giám sát khiếu nại, tố cáo sẽ chuyển giao địa phương làm. Còn một số giám sát “chưa chín”, Trung ương sẽ làm tiếp như giám sát về thực hiện Luật khoa học Công nghệ; đánh giá sự hài lòng của người dân. Nếu năm 2015 việc đánh giá sự hài lòng của người dân thông qua việc khai trên giấy, phỏng vấn bằng giấy thì năm 2016 sẽ làm phỏng vấn qua điện thoại di động.

Hiện nay đã có Quảng Trị đánh giá sự hài lòng của người dân qua điện thoại di động, chúng tôi sẽ bàn để mở rộng mô hình này. Đồng thời sẽ có thêm một việc mới, đó là, vận động nhân dân thực hiện và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm từ người sản xuất, từ nơi nhập khẩu đến nơi chế biến và tiêu dùng. Mặt trận đang bàn với Chính phủ để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Người Việt không đầu độc người Việt

Đảm bảo an toàn thực phẩm đang là vấn đề xã hội rất quan tâm. Với kinh nghiệm từ những chương trình giám sát của năm vừa rồi, Chủ tịch có thể cho biết thêm về việc triển khai chương trình giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm 2016?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Vấn đề Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mong mỏi và bức xúc của người dân Việt Nam. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể xem là một “cái nợ” của các cơ quan quản lý nhà nước cũng là “cái nợ” của MTTQ với nhân dân. Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc, phải nói một cách chân tình là như vậy. Điều đó trái với văn hoá của người Việt.

Chúng ta thường nói “thương người như thể thương thân”, nhưng ở đâu đó trong câu chuyện này vẫn có việc người không thương người. Biết là độc mà vẫn bán thì chúng ta phải thống nhất lại nhận thức, phải nói không với văn hoá kiếm tiền bằng cách đầu độc chính người Việt Nam. Không được phép làm việc đó. Việc này phải làm Cuộc vận động. Những người sản xuất phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hoá thì không được làm những việc trái với văn hoá là sản xuất không an toàn.

Chúng tôi đã bàn sơ bộ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong tiêu chí gia đình văn hoá từ nay trở đi nếu là người sản xuất nông nghiệp thì phải có tiêu chí là không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn. Làm nghiêm việc này chắc chắn tỷ lệ gia đình văn hoá sẽ giảm xuống không phải 85, 86 % mà còn xuống nữa nhưng cũng nên chấp nhận để làm rõ hiện thực này.

Đối với hàng nhập khẩu. Chúng ta có đủ cơ quan chức năng để giám sát hàng nhập khẩu, không thể để lọt vào những thứ sẽ đầu độc giống nòi Việt Nam. Đồng thời cũng phải có một cuộc vận động với những người chế biến. Đó là người Việt Nam không cung cấp món ăn Việt Nam có hại cho sức khoẻ người Việt Nam, chưa nói là người nước ngoài.

Như vậy phải có một cuộc vận động toàn xã hội để nâng cao nhận thức không được làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, nòi giống người Việt. Chúng tôi rất mừng có một số địa phương như ở Hà Nam hiện đang có nhiều mô hình đăng ký sản xuất an toàn. Như vậy, Trung ương làm, ở địa phương lại có mô hình, kết hợp lại chắc chắn sẽ thành cuộc vận động tốt.

Sức mạnh mới từ mô hình Hợp tác xã

Thưa Chủ tịch, trong năm qua Mặt trận cũng tổ chức nhiều đoàn khảo sát về tình hình nông nghiệp và giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã 2012. Vậy điều này có ý nghĩa, tác dụng như thế nào đối với xã hội?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Trong chương trình công tác năm 2015 của Mặt trận không có kế hoạch khảo sát hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng với tư cách là Mặt trận thay mặt nhân dân, từ năm 2013 và 2014, tôi đã báo cáo trước Quốc hội về ý kiến của cử tri và nhân dân về tình hình đất nước. Trong đó, lần nào cũng thấy nông dân than là được mùa mất giá, khó vay vốn, xuất khẩu nông nghiệp bấp bênh. Hai năm, hai lần tôi thay mặt nhân dân báo cáo trước Quốc hội những khó khăn, vậy năm thứ 3 có nên nói như thế nữa không? Không thể kể khó khăn nữa mà phải hành động, phải đi cùng với chính quyền để khảo sát, tìm hiểu tình hình. Vì vậy Mặt trận mới làm chương trình bổ sung đi khảo sát nông nghiệp và thực hiện Luật Hợp tác xã 2012. Tuy nhiên, chúng tôi không đi một mình mà mời Liên minh Hợp tác xã, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cùng đi khảo sát. Thậm chí trong những chuyến công tác nước ngoài như Đức, Ý, chúng tôi còn kết hợp để xem Hợp tác xã của họ hoạt động như thế nào.

Qua đợt khảo sát thấy rằng, nông dân có một đặc điểm là muốn giữ đất, ruộng của mình. Tức là vẫn muốn giữ làm ăn cá thể, điều đó ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức cũng thế. Nông dân họ vẫn làm ăn cá thể, nhưng không phải chỉ có cá thể mà là vừa cá thể vừa liên kết lại thành Hợp tác xã. Cho nên Hợp tác xã ở các nước không thay thế kinh tế hộ mà làm cho kinh tế hộ mạnh hơn.

Lý luận là thế nên khi đi thực tiễn chúng tôi rất mừng, tuy còn ít nhưng rất nhiều địa phương từ Lào Cai cho đến Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ đều có những mô hình HTX mà nông dân là những người tự liên kết để làm ăn tốt hơn. Những HTX này không lớn, chỉ vài chục hộ nhưng họ hiểu nhau và phối hợp làm ăn có hiệu quả. Như vậy, mô hình HTX theo luật HTX 2012 đã có rồi, vấn đề làm thế nào để nhân rộng và phát huy những mô hình này. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải thay đổi nhận thức.

Chúng ta hay đặt vấn đề là ngân hàng phải cho vay vốn nhưng nếu hộ cá thể đất không được 1 ha, chỉ có 2 lao động, trong khi không học nghề thì làm sao ngân hàng yên tâm dám cho vay bởi họ phải đối diện với việc đảm bảo tỉ lệ nợ khó đòi thấp. Bài toán ở đây là nếu các hộ đó liên kết lại thành HTX, có phương án làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật thì lúc đó ngân hàng sẽ yên tâm cho vay.

Hợp tác xã không làm mất đi động lực của người nông dân sản xuất hộ nhưng trong một khối đoàn kết sản xuất HTX chắc chắn sẽ mạnh về đầu ra, rẻ về đầu vào và có uy tín. Như vậy là tương thích với kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hơn nữa, nếu HTX cùng liên kết với doanh nghiệp sẽ là một sức mạnh mới. Trên cơ sở đó chúng tôi báo cáo về cơ quan ngày 24-7- 2015, Thủ tướng đã có Chỉ thị 19 về đẩy mạnh việc hình thành HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012. Đến nay, trong nhận thức lãnh đạo của trung ương và rất nhiều địa phương thống nhất rằng, đây là con đường căn bản để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bên cạnh liên kết doanh nghiệp.

Tạo điều kiện dân chủ để người dân quyết định việc bầu cử

Thưa Chủ tịch, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận năm 2016 là hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tổ chức cho người ứng cử vận động bầu cử, giám sát việc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá 14 và HĐND các cấp đảm bảo dân chủ, đúng luật pháp. Mặt trận sẽ làm gì đối với những người tham gia ứng cử mà cử tri thấy không đủ thuyết phục?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Nếu bầu cử mà 5 chọn 3, 3 chọn 2 thì chắc chắn bà con phải thấy có một người không thuyết phục bằng người khác. Chuyện bầu có số dư và người họ thấy không thuyết phục là chuyện bình thường. Nhưng vai trò của Mặt trận là gì? Mặt trận trong Luật bầu cử có trách nhiệm về việc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc với cử tri để giới thiệu về mình, mong muốn của mình. Nhưng trước đó, Mặt trận có trách nhiệm làm thế nào có thông tin đầy đủ về nhân thân người đó để cử tri biết được. Phải có thông tin người đó ở nơi cư trú sinh hoạt như thế nào, quan hệ, ứng xử với cộng đồng, tuân thủ pháp luật ra sao, Mặt trận phải góp phần tạo những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để cung cấp cho cử tri, Hội đồng bầu cử các cấp. Đây là điều rất quan trọng.

Năm 2016 sẽ là một năm chuyển mình mới của đất nước. Một năm khoẻ hơn, thành công hơn, may mắn hơn, hạnh phúc hơn với mỗi người dân và mỗi gia đình Việt Nam trong nước cũng như trên thế giới

Nếu có những băn khoăn về phẩm chất, đạo đức của ứng cử viên ở địa phương cũng như phẩm chất, đạo đức trong công việc, kinh doanh, về lý lịch và thân nhân của người được giới thiệu, Mặt trận phải giúp ứng cử viên đó nói rõ cho cử tri hiểu vấn đề. Hay nói cách khác, nếu những sai sót lẽ ra có thể thấy trước trong việc chuẩn bị ứng cử viên thì Mặt trận phải góp phần cố gắng không để xảy ra sai sót. Quyết định lựa chọn là của người dân và Mặt trận cam kết thực hiện đúng luật pháp, tạo điều kiện dân chủ để người dân quyết định trong việc này.

Phát huy lợi thế người Việt Nam sáng tạo

Chủ tịch từng nói, nguồn tài nguyên không cạn kiệt của nước ta chính là gần 100 triệu người dân với khả năng sáng tạo. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể phát huy tối đa nguồn lực này, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn hội nhập hiện nay?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Khi bàn về phát triển và hội nhập, về lâu dài thì nguồn lực tăng, phát triển mới tăng. Nguồn lực, suy cho cùng đó là những tri thức mới ứng dụng vào quản lý và sản xuất, lao động tăng thêm trong quá trình sản xuất. Lao động đó có đào tạo và có khả năng sáng tạo.

Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với nỗi lo thiếu lao động vì tỉ lệ sinh của họ quá ít như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức, không đủ 2 con/ người phụ nữ. Nhưng ở Việt Nam rất may là đến nay duy trì được tỉ lệ sinh bình quân 2 con/ 1 phụ nữ. Với mức sinh như vậy, 2 vợ chồng sinh 2 người con sẽ thay thế mình, tạo điều kiện cân bằng cho nguồn lực lao động của đất nước về lâu dài không bị mất đi.

Theo thống kê của tổ chức trí tuệ, tổng sản phẩm nội địa đầu người Việt Nam đứng hàng thứ 7 trong 10 nước ASEAN. Nhưng năng lực sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng thứ 4. Chứng tỏ rằng chúng ta có một lợi thế người Việt Nam sáng tạo. Cho nên muốn phát triển đất nước thì phải tận dụng tốt nhất tài nguyên con người Việt Nam.

Thứ nhất là về số lượng chúng ta còn gia tăng trong 30, 40 năm nữa. Thứ hai là có khả năng sáng tạo và trình độ ngày càng nâng cao. Thứ 3 là lợi thế Việt Nam do thu nhập đầu người còn thấp, mức giá thấp nên chi phí lao động thấp. Như vậy lao động còn gia tăng, khả năng sáng tạo thì ngày càng tăng, chi phí còn thấp. Ba yếu tố này cộng với đổi mới quản lý kinh tế, đổi mới thể chế chúng ta tin rằng đây là nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển.

Vừa qua chúng ta có nhiều chính sách chung để phát huy nguồn lực con người. Nhưng sắp tới có lẽ không phải chỉ chính sách của Nhà nước nữa mà mỗi địa phương cần quan tâm phát huy con người, phát huy nhân tài. Mỗi tổ chức cần tham gia vào đây để hình thành lớp người trẻ chủ chốt.

Chúng ta đã làm nhiều cuộc thi sáng tạo, tôn vinh sáng tạo của từng giới nhưng Mặt trận chưa có một phong trào sáng tạo của cả nước. Như vậy đã đến lúc Mặt trận phải bàn với các ngành, đoàn thể để từ những sáng tạo của ngành dọc, địa phương hình thành một phong trào sáng tạo cả nước. Và gắn với đó là thu hút được sáng tạo của 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài để chia sẻ tri thức và phát triển tri thức mới.

Xét về tổng thể chưa bao giờ cơ hội phát triển đất nước tốt đẹp như bây giờ. Vì chưa bao giờ bài học chúng ta về kinh tế thị trường nhiều như bây giờ. Chưa bao giờ quy mô kinh tế trên 200 tỷ USD, thu nhập đầu người trên 2 nghìn USD, vượt qua các nước nghèo khổ 2 lần. Đặc biệt chưa bao giờ chúng ta có quan hệ quốc tế rộng rãi và sâu sắc. Chúng ta có các đối tác chiến lược, có các hiệp định thương mại tự do với những nền kinh tế lớn, quan trọng nhất thế giới. Và cũng chưa bao giờ cộng đồng kiều bào Việt Nam về nước nhiều như bây giờ, gắn bó như bây giờ.

Nhưng cũng chưa bao giờ thách thức như bây giờ. Giữa bối cảnh đó, chúng ta chấp nhận thời cơ và thách thức, tận dụng thời cơ, phát huy con người, phát huy nội lực vượt qua thách thức.

Định hướng phát triển theo Đại hội lần thứ 12 của Đảng chính là nền tảng để chúng ta có cơ hội biến những khả năng thành hiện thực, biến những may mắn từ tiềm năng thành hạnh phúc cho mình. Tôi tin rằng, năm 2016 sẽ là một năm chuyển mình mới của đất nước. Một năm khoẻ hơn, thành công hơn, may mắn hơn, hạnh phúc hơn với mỗi người dân và mỗi gia đình Việt Nam trong nước cũng như trên thế giới.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân!

Dạ Yến(thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy tiềm năng con người, tận dụng thời cơ, bước qua thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO