Là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, các tôn giáo trên địa bàn Hà Nội đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, tích cực vận động các tín đồ, chức sắc cùng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau hơn 5 năm các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Hà Nội ký cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đến nay toàn thành phố đã có 584 xã, phường, thị trấn; 5.136 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức ký cam kết thực hiện đến từng hộ gia đình và tại các cơ sở thờ tự. Không dừng lại ở đó, các tổ chức tôn giáo còn đẩy mạnh việc tuyên truyền về văn minh trong lễ hội, không đốt, rải vàng mã trên đường đưa tang, thực hiện hỏa táng người quá cố; vận động giáo dân sống “Tốt đời, đẹp đạo”, cùng nhân dân ra quân dọn vệ sinh môi trường và duy trì ngày chủ nhật “Xanh - sạch - đẹp”…
Với số lượng giáo dân lớn, đồng bào Công giáo Thủ đô đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường. TS Phạm Huy Thông - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hà Nội cho biết, các giáo phận trên địa bàn thành phố luôn thực hiện tốt đường hướng “Người tín hữu Công giáo có ý thức, có hành vi tích cực để bảo vệ môi trường và làm giảm biến đổi khí hậu” với những mô hình và việc làm thiết thực nhất.
Tiêu biểu như Linh mục Đào Bá Thuyết đã vận động nhân dân giáo xứ Hoàng Nguyên (huyện Phú Xuyên) bãi bỏ bãi rác tại địa bàn, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan. Họ giáo Khuyến Lương (quận Hoàng Mai) đã chung tay cùng nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường ngõ phố hàng ngày. Toàn bộ 198 gia đình của họ Cơ giáo, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín đã đăng ký trồng rau sạch, xây dựng khu chăn nuôi xa khu dân cư, thực hiện đổ rác đúng quy định, phân loại rác hữu cơ, hạn chế sử dụng túi nilon. Địa bàn họ Cơ giáo sinh sống là một điển hình về gìn giữ vệ sinh môi trường tại địa phương.
Ở góc độ khác, Trưởng ban cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô, Lễ sanh Thượng Mai Thanh cho biết, Thánh thất đã vận động toàn phái Đạo trồng cây xanh, hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan môi trường, làm vệ sinh, dọn dẹp cỏ dại đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp; không vứt xả rác thải hay đốt giấy vàng mã trong tất cả các nghi lễ cúng bái.
Hội Thánh còn khuyến khích mọi người ăn chay và làm việc thiện, thể hiện lòng từ bi, bác ái đối với cộng đồng. Các Thánh thất cũng đưa ra nội quy thực hiện nếp sống văn minh cơ sở tôn giáo trong các nội dung bảo vệ cảnh quan, môi trường tại cơ sở tôn giáo. Hàng tháng các tín đồ cũng dành một ngày cuối tuần tham gia hoạt động như dọn dẹp vệ sinh rác thải và trồng cây xanh, cây cảnh xung quanh Thánh thất.
Đối với một huyện ngoại thành như Đông Anh, việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường sống không hề đơn giản nhưng với sự kiên trì, bền bỉ trong tuyên truyền, vận động mà ý thức người dân đã có sự thay đổi cơ bản.
Ông Đỗ Ngọc Bích - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Anh cho biết, MTTQ đã phối hợp với UBND huyện hạn chế việc đốt rơm rạ trên địa bàn bằng việc hỗ trợ 100% chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại ruộng, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, phát tờ rơi hướng dẫn đến các hộ gia đình tham gia và hướng dẫn bà con sử dụng chế phẩm trực tiếp tại đồng ruộng. Đồng thời phối hợp với các chuyên gia và đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát hiệu quả việc sử dụng chế phẩm sinh học đối với các hộ gia đình tham gia mô hình để hướng tới mục tiêu không còn đốt rơm rạ trên địa bàn toàn thành phố.
Chia sẻ thành công trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức tôn giáo, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tích cực của chính quyền và MTTQ các cấp đa số bà con giáo dân, các tín đồ và nhân dân tại các mô hình và các khu dân cư đã ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.
“Tại các khu dân cư, cơ sở thờ tự cũng như tại các gia đình, đa số bà con nhân dân đã có những việc làm cụ thể, thể hiện trách nhiệm chung trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến việc tạo ra môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp trên địa bàn toàn thành phố” - bà Dung cho biết.