Phát thải thực phẩm đe dọa mục tiêu khí hậu

Hà Anh 09/03/2023 06:31

Các nhà khoa học cảnh báo, theo xu hướng hiện tại, lượng phát thải khí nhà kính của hệ thống thực phẩm toàn cầu sẽ làm tăng thêm gần 1 độ C vào nhiệt độ bề mặt Trái đất trong năm 2100, phá hủy các mục tiêu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Phát thải từ hệ thống thực phẩm toàn cầu sẽ làm Trái đất tăng thêm gần 1 độ C trong năm 2100. Ảnh: Straitstimes.

Thay đổi chế độ ăn uống

Theo báo cáo được đăng trên tạp chí khoa học Nature Climate Change, bề mặt Trái đất đã nóng lên 1,2 độ C kể từ cuối những năm 1800, hiện chỉ còn lại một biên độ hẹp để duy trì mục tiêu cốt lõi của hiệp ước năm 2015 (Thỏa thuận Paris) là hạn chế sự nóng lên ở dưới mức 2 độ C. Thậm chí ngoài tầm giới hạn tham vọng 1,5 độ C, mức mà khoa học đã chứng minh là ngưỡng an toàn hơn nhiều để tránh các tác động tàn phá của khí hậu, bao gồm lũ lụt, sóng nhiệt và hạn hán.

“Giảm thiểu khí thải từ lĩnh vực thực phẩm là điều cần thiết để hướng tới một tương lai khí hậu an toàn. Chỉ riêng việc cải thiện các phương pháp sản xuất thịt, sữa và gạo có thể làm giảm 1/4 dự báo nóng lên từ lĩnh vực thực phẩm” - bà Catherine Ivanovich, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Columbia ở New York, tác giả chính của nghiên cứu - nói với AFP.

Để cải thiện các ước tính trước đây về lượng thức ăn mà thế giới góp phần vào sự nóng lên của toàn cầu, bà Ivanovich và các đồng nghiệp đã xem xét riêng 3 loại khí nhà kính khác nhau về độ mạnh và khả năng duy trì trong khí quyển. Sau khi được thải ra, carbon dioxide sẽ tồn tại trong khí quyển trong nhiều thế kỷ. Khí mê-tan chỉ tồn tại trong khoảng 10 năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, hậu quả của việc giữ nhiệt của Mặt trời nhiều hơn gần 100 lần.

Các nhà khoa học nhận thấy, khí mê-tan phát ra từ việc gia súc ợ hơi, ruộng lúa và thực phẩm thối rữa chiếm khoảng 60% lượng khí thải liên quan đến thực phẩm, cùng với CO2 từ máy móc và phương tiện giao thông, oxit nitơ do sử dụng quá mức phân bón hóa học, mỗi loại chiếm 20%.

Các nhà nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu về lượng khí thải carbon của gần 100 mặt hàng thực phẩm riêng lẻ. Qua đó kết luận rằng, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất và chế độ ăn uống, việc tiêu thụ thực phẩm toàn cầu sẽ làm tăng nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất thêm 0,7 đến 0,9 độ C vào cuối thế kỷ.

Các tác giả nghiên cứu lưu ý, chỉ riêng sự gia tăng nhiệt độ này là đủ để vượt qua mục tiêu 1,5 độ C và tiến gần đến ngưỡng 2 độ C đã cam kết. Nghiên cứu cho thấy, khí mê-tan rõ ràng là chìa khóa để hạn chế ô nhiễm carbon liên quan đến thực phẩm.

Việc áp dụng chế độ ăn uống tối ưu cho sức khỏe con người trên toàn cầu, sử dụng năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch và giảm sự lãng phí thực phẩm sẽ cắt giảm thêm 25% lượng khí thải. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều biện pháp trong số này đang bị đình trệ hoặc đi sai hướng.

Áp dụng công nghệ mới

Giới nghiên cứu cho rằng, một cuộc đại tu lớn của ngành thực phẩm, từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng, có thể giảm hơn một nửa lượng khí thải dự kiến ngay cả khi dân số toàn cầu tăng lên.

Các nhà khoa học ở trường Đại học Sydney mới đây đã đưa ra một số công nghệ mới nổi trong lĩnh vực thực phẩm có tiềm năng lớn trong việc giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu, giúp đạt được mục tiêu nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Thứ nhất là các nguồn protein thay thế. Báo cáo của IPCC nhấn mạnh tiềm năng của thực phẩm dựa trên thực vật, không chỉ để đạt được mức giảm phát thải mà còn cải thiện đời sống của con người nói chung. Các nguồn protein từ thực vật, bao gồm cả các sản phẩm “thịt giả”, đang được sản xuất ngày càng nhiều theo hướng “bắt chước” hình dáng, hương vị và kết cấu của thịt động vật.

Tiếp theo là các lựa chọn thay thế thịt dựa trên tế bào, còn được gọi là thịt “nuôi trong phòng thí nghiệm”, “nuôi cấy” hoặc “nuôi trong ống nghiệm”. Chúng được sản xuất bằng kỹ thuật sinh học tiên tiến để nuôi cấy tế bào thịt từ một mẫu (tế bào khởi đầu) được chiết xuất từ động vật, bên trong một thiết bị được gọi là “lò phản ứng sinh học”.

So với thịt gia súc, thịt làm từ thực vật tạo ra ít khí thải nhà kính hơn 30–90%, cần ít đất hơn 40-98%, ít nước hơn 70-80% và thải ra ít nitơ phản ứng hơn 85–94%. Tổ chức Nghiên cứu khoa học của Australia (CSIRO) ước tính, các loại protein thay thế có tiềm năng thị trường lớn thứ hai trong tất cả các loại trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh nông sản. Chúng được cho là sẽ tiết kiệm được khoảng 5,4 tỷ AUD về carbon và nước vào năm 2030.

Loại công nghệ mới nổi thứ hai là sản xuất bao bì có thể ăn được và phân hủy sinh học. Loại bao bì này được chế tạo để có thể ăn được hoặc phân hủy sinh học một cách hiệu quả. Bao bì ăn được làm từ các polyme tự nhiên chiết xuất từ các nguồn thực vật, có thể được sản xuất thành các loại màng và lớp phủ khác nhau, bao gồm bao bì dựa trên chitosan, được làm chủ yếu từ chất thải của ngành thủy sản; bao bì làm từ whey - chất thải của ngành công nghiệp sữa và bao bì polysaccharides được chiết xuất từ rong biển.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu và thời gian để biến bao bì có thể ăn được trở thành xu hướng chủ đạo, nhưng lợi ích của nó đã được thấy rõ, khi nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch có thể mất 20-500 năm để phân hủy, thì loại bao bì mới này có thể phân hủy trong vòng 3 - 6 tháng tùy thuộc vào vật liệu.

Bà Ivanovich - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Columbia ở New York - cho biết: “Phần lớn sự nóng lên trong tương lai từ lĩnh vực thực phẩm là do khí thải mê-tan. Bởi vì nó là một chất gây ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn, nên việc giảm phát thải ngay lập tức có thể mang lại lợi ích về khí hậu trong tương lai gần”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát thải thực phẩm đe dọa mục tiêu khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO