Phát thải từ hoạt động giao thông

H.NHÂN 02/10/2022 08:27

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Môi trường và tài nguyên (ĐHQG TPHCM) hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất tại TPHCM. Trong khi đó, một khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cũng chỉ ra rằng, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải ra môi trường gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Khí thải từ phương tiện giao thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe.

Cụ thể, kết quả của Viện Môi trường và tài nguyên (ĐHQG TPHCM) chỉ rõ: hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất tại TPHCM, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO của toàn TPHCM, 97% NMVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa metan), 93% NOx (khí thải hình thành từ quá trình đốt khí Nitơ), 78% SO2 (lưu huỳnh điôxit), 46% bụi và 64% CH4 (metan). Xe gắn máy là phương tiện phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất với 90% lượng CO, 65,4% NMVOC, 37,7% bụi và 29% NOx.

Bên cạnh đó, một khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cũng chỉ ra rằng, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường. Phần lớn lượng khói bụi độc hại phát thải ra môi trường không khí của thành phố bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ nát đang ngày ngày lưu thông trên đường.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 65 triệu xe máy, riêng Hà Nội có khoảng 6 triệu chiếc. TPHCM có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân lưu thông, gồm hơn 8 triệu xe máy và trên 800.000 ôtô. Ước tính có tới khoảng 40% phương tiện tham gia giao thông là những xe máy cũ đã sử dụng thời hạn trên 15 năm. Trên thực tế vẫn chưa thể kiểm soát được xe mô tô, xe gắn máy cũ, nát, không đảm bảo điều kiện an toàn kĩ thuật. Hiện rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp khẩn cấp để giảm thiểu loại hình phương tiện này.

Trước thực tế hoạt động giao thông đang là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng, và là nguyên nhân gây nhiều loại bệnh như hô hấp, ung thư, rồi các loại bệnh về tim mạch... PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp - Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) cho rằng: Cần triển khai áp dụng nhanh chóng các quy định kỹ thuật về khí thải cho sản xuất cũng như nhập khẩu các phương tiện giao thông cơ giới. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách nâng cao chất lượng giao thông công cộng. Nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đang là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, một lượng lớn phát thải khí từ nguồn này nằm ngoài danh mục kiểm soát hiện hành. Vì vậy, cần phải có biện pháp giải quyết cụ thể vấn đề này. “Xu thế chung các nước trên thế giới là phát triển giao thông công cộng thật tốt, người dân sẽ tự động từ bỏ xe cá nhân. Đầu tư phát triển hệ thống xe buýt, tàu điện…, kết nối các điểm trung chuyển thật tốt là điều chính quyền thành phố Hà Nội và TPHCM phải làm sớm”, TS Diệp kiến nghị.

Nêu nhóm giải pháp xử lý xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe còn lưu hành, chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung đề xuất: Song song với nhóm giải pháp xử lý xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe còn lưu hành, cần có hai nhóm giải pháp khác để hạn chế khí thải xe máy là giảm dần lượng xe máy mới lưu thông, khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện “xanh” như xe máy điện, xe buýt điện, tàu điện…

Chuyên gia Vũ Hoàng Chung nhấn mạnh: Nhóm giải pháp khả thi và có thể nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân hơn cả trong bối cảnh hiện nay là khuyến khích người dân chuyển đổi sang các phương tiện “xanh”. Những năm qua, xe máy điện đã dần trở nên quen thuộc với người dân, Hà Nội có thể kêu gọi người dân dần chuyển sang sử dụng loại hình này.

“Thành phố cần tập trung xây dựng các hạng mục hạ tầng tiện ích cho xe máy điện như các trạm sạc công cộng, tạo điều kiện cho nhà sản xuất cung cấp thêm những vị trí sửa chữa xe máy điện… Ngoài ra cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là tàu điện, xe buýt nhiên liệu sạch để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Khi đó xe máy xăng sẽ tự giảm dần, việc hạn chế khí thải sẽ cho thấy hiệu quả rõ rệt và bền vững hơn”, ông Chung gợi mở.

Từ năm 2017, Hà Nội đã có kế hoạch hạn chế hoạt động của xe cơ giới cá nhân nói chung, xe máy nói riêng bằng cách phân vùng hoạt động hoặc thu phí xe cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, biện pháp này đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, do lo ngại những khó khăn bất cập trong quá trình di chuyển của người dân. Nhưng đây là một trong những biện pháp cần thiết.

Ông Chung kiến nghị: Muốn hạn chế xe máy cần chuẩn bị trước những điều kiện tốt nhất phục vụ người dân đi lại. Trong đó giải pháp đặc biệt quan trọng là hoàn thiện, phát triển mạng lưới giao thông công cộng phủ đều và giá rẻ. Trong đó đường sắt đô thị phải đóng vai trò xương sống. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi xe buýt thường sang xe buýt nhiên liệu sạch, chất lượng cao để thu hút hành khách, khuyến khích người dân tự chuyển đổi phương tiện nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường sống cho người dân các thành phố lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát thải từ hoạt động giao thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO