Phát triển công nghiệp vật liệu là chìa khóa để có nền kinh tế tự chủ

M.Loan 25/11/2020 16:29

Sáng 25/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Để có thêm luận cứ phục vụ xây dựng Đề án về vấn đề nêu trên, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào ngày 25/11 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với sự tham dự của trên 300 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, đại diện các tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu.

Hội thảo có sự tham gia và đồng chủ trì của ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, ông Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về Định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp.

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

TS. Cao Đức Phát phát biểu tại hội thảo
TS. Cao Đức Phát phát biểu tại hội thảo.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần phải có những bước phát triển đột phá về công nghiệp. Trong đó, một trong những nhiệm vụ then chốt là phải phát triển được ngành công nghiệp vật liệu vì ngành này là một lợi thế phát triển của nước ta, có vai trò rất quan trọng cho phát triển công nghiệp quốc gia, góp phần bảo đảm xây dựng được một nền công nghiệp độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã đề ra tại các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, các loại vật liệu sản xuất trong nước chưa thực sự trở thành nguồn nguyên vật liệu đầu vào chính cho các ngành công nghiệp sản xuất, cũng như chưa đáp ứng được các mục đích sử dụng khác cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cho đến nay Đảng ta chưa có một nghị quyết hoặc kết luận tổng thể lãnh đạo về phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Trước yêu cầu phát triển công nghiệp quốc gia cho giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận và tư duy mới về phát triển công nghiệp vật liệu. Từ đó, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để trình Bộ Chính trị ban hành các quyết sách lãnh đạo phát triển ngành công nghiệp vật liệu đất nước trong thời gian tới.

Mục đích của Hội thảo là nhằm phân tích, làm rõ thực trạng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành công nghệ vật liệu của Việt Nam trong thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển công nghiệp vật liệu cũng như các mô hình, chính sách thí điểm, cách làm hay của địa phương, ngành/lĩnh vực hoặc doanh nghiệp cụ thể về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu; nhận diện bố cảnh, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy và nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển công nghiệp vật liệu là chìa khóa để có nền kinh tế tự chủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO