Phát triển du lịch bền vững: Nói không với 'chặt chém'

Phạm Sỹ (thực hiện) 14/05/2022 07:04

SEA Games 31 được xác định là thời cơ thuận lợi để ngành du lịch nước ta đẩy nhanh quá trình phục hồi, đặc biệt đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

PV:Sau hơn hai tháng được cho là mở cửa hoàn toàn, ông đánh giá thế nào về sự phục hồi của ngành du lịch?

Ông Cao Trí Dũng.

Ông Cao Trí Dũng: Thời gian qua du lịch nước ta đã có những tín hiệu rất khả quan. Du lịch nội địa đã trở lại với nhịp độ cao điểm nhất kể từ giai đoạn 2019. Hầu hết các địa phương đều ghi nhận số lượng khách tăng trở lại, hệ sinh thái sản phẩm điểm đến đều tốt hơn. Thời gian qua, các địa phương đã giới thiệu được những sản phẩm mới, nhân lực chuẩn bị khá tốt, công tác quảng bá truyền thông đã được triển khai đồng bộ. Sự phục hồi trở lại với khách du lịch nội địa vượt ngoài mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.

Đối khách du lịch quốc tế thì Việt Nam là quốc gia có độ mở về chính sách nhất, như bỏ khai báo y tế khi khách vào, không cần xét nghiệm khi khách từ Việt Nam trở về… Thực tế, khách du lịch các nước lớn đã bắt đầu trở lại, trừ một số quốc gia chưa khuyến khích công dân đi nước ngoài do tình hình dịch tễ của họ còn phức tạp. Về cơ bản đối với khác du lịch quốc tế chúng ta vẫn đang chờ các thị trường lớn phục hồi và phụ thuộc nhiều vào chính sách của họ.

Sau dịch Covid-19, du khách có xu hướng là khách lẻ, khách đi theo đoàn không còn nhiều. Với xu hướng khách lẻ sẽ không thông qua các công ty lữ hành để bảo lãnh về nhân sự. Khi đó những khách lẻ sẽ tự nộp bảo lãnh xin thị thực, du khách sẽ gặp khó khăn khi làm thủ tục. Chúng tôi cũng đã đề xuất để khách du lịch đi lẻ vào nước ta thuận lợi, từ đó sẽ tăng du khách quốc tế.

SEA Games 31 được tổ chức ở nước ta được coi là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời được kỳ vọng sẽ là cú hích cho ngành du lịch nước ta, thưa ông?

- Các nước Đông Nam Á hiện nay, ở một số thị trường lớn đã phục hồi và khuyến khích công dân đi du lịch nước ngoài. Dịp SEA Games 31, họ đã tổ chức các đoàn vào Việt Nam vừa xem thể thao, kết hợp tham quan, khảo sát điểm đến của nước ta. Các đơn vị lữ hành đã nhận được nhiều yêu cầu. Đây đúng là cú hích cho du lịch Việt Nam.

Chúng ta cần làm gì để tận dụng tốt cơ hội này?

- Trước tiên chúng ta phải có hệ thống dịch vụ, phục vụ đúng theo yêu cầu du khách chất lượng cao. Phải có công tác tổ chức điều hành sự kiện thể thao một cách chuyên nghiệp, hạ tầng hấp dẫn với du khách. Nhân cơ hội này, các địa phương phải tranh thủ giới thiệu tài nguyên du lịch, hình thành tour một cách bền vững để sau SEA Games 31 khu khách vẫn quay trở lại. Theo tôi nên dành một cơ số vé vào cổng cho các đoàn nước ngoài để họ được xem đội tuyển nước nhà thi đấu. Nếu vé vào cổng khó mua thì ta mất cơ hội khai thác.

Các doanh nghiệp du lịch nói riêng và các điểm du lịch nói chung cần làm gì để nâng cao chất lượng dịch vụ?

- Vấn đề này liên quan đến hệ thống lữ hành và hệ thống dịch vụ. Phải đáp ứng nhu cầu của du khách từ khi đến cho tới lúc về sao cho hết sức chỉn chu, chuyên nghiệp. Cùng với đó, phải liên kết tạo ra các sản phẩm trọn gói, chứng minh được lợi thế và năng lực. Các hệ thống dịch vụ nhà nước phải hết sức quan tâm. Hành vi “chặt chém” đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài là vấn đề tồn đọng của du lịch Việt Nam. Cốt lõi vấn đề ở đây là làm thế nào để nâng cao ý thức cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp trong việc phục vụ du khách, nói không với “chặt chém”. Khi đó chúng ta mới khai thác và phát triển du lịch bền vững. Mà muốn thế thì địa phương phải vào cuộc kiểm tra, kiên quyết xử lý ngay hiện tượng “chặt chém”.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển du lịch bền vững: Nói không với 'chặt chém'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO