Phát triển hệ thống trường chuyên: Không vì những tấm huy chương

PHƯƠNG ANH 23/01/2022 13:15

Một lần nữa, câu chuyện trường chuyên lại được bàn luận sôi nổi tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 vừa được Bộ GDĐT tổ chức cuối tuần qua theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huy chương…

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM. Ảnh: Nguyễn Quang.

Vai trò dẫn dắt, đi đầu

Hội nghị này, ngoài tổng kết những kết quả đạt được, đại biểu các địa phương đã đưa ra những kiến nghị để phát triển hệ thống trường THPT chuyên hơn trong giai đoạn tới. Hầu hết đều kiến nghị cần có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên về công tác tại trường chuyên.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho rằng, nhờ có Đề án phát triển trường chuyên, từ 1 lớp A0, ĐHQG Hà Nội đã thành lập được 3 trường chuyên; các trường chuyên trong hệ thống ĐHQG Hà Nội phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế. Cũng nhờ đề án này mà nhiều địa phương, kể cả địa phương khó khăn đã có giải thưởng quốc tế.

Tương tự, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng khẳng định, mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua đã phần nào khẳng định được vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng khẳng định, trường chuyên không phải nơi đào tạo “gà nòi” mà phải đào tạo nhân tài có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, có ước mơ, đam mê, hoài bão… Cần đổi mới chương trình đào tạo trường chuyên; quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên trường chuyên, làm sao giáo viên trường chuyên phải là những thầy cô giỏi nhất...

Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, trường chuyên phải có vai trò dẫn dắt, đi đầu, là nơi sáng tạo dành cho những người sáng tạo nhất. Nhờ có hệ thống trường chuyên các tỉnh miền núi khó khăn mới phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi - đó chính là sự công bằng trong giáo dục, do đó hệ thống trường chuyên phải được khẳng định hơn nữa trong xã hội.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng bày tỏ, bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít những khó khăn.

“Đội ngũ giáo viên của trường chuyên mặc dù đã là những “cây đa, cây đề” của tỉnh nhưng so với mặt bằng chung của khu vực, toàn quốc thì còn khoảng cách nhất định. Bên cạnh đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng lạc hậu do điều kiện kinh tế của tỉnh chưa nhiều”, ông Hưng nói, đồng thời kiến nghị cần có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên về trường chuyên.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng cũng đề xuất Bộ GDĐT sớm có định hướng phát triển trường THPT chuyên giai đoạn tiếp theo. Có giải pháp để tăng cường kết nối hơn nữa giữa trường chuyên với các trường đại học hàng đầu. Có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển trường chuyên.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách trong việc huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển trường chuyên để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang bị dạy học hiện đại, bồi dưỡng giáo viên...

Cần đổi mới chương trình và triết lý đào tạo

Dư luận từng có nhiều bàn luận, trao đổi về mô hình trường chuyên. Thậm chí, có những ý kiến gay gắt hơn, đặt vấn đề: Có nên tồn tại trường chuyên? Theo GS Nguyễn Đình Đức, không phải người ta phản đối mô hình trường chuyên mà họ nói rằng nếu trường chuyên mới chỉ chú ý đào tạo gà nòi, mà không quan tâm đến kỹ năng, ngoại ngữ, sự tự tin cần thiết cho những chặng sau đó.

“Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần đổi mới chương trình và triết lý đào tạo. Cần xác định rõ triết lý là đào tạo gà nòi hay đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực tài năng. Và để đào tạo nhân tài thì phải đào tạo các em có đầy đủ kiến thức, kỹ năng toàn diện, phải có kỹ năng tin học, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác...”, GS Đức nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc phát triển hệ thống các trường chuyên là một thành tố của đổi mới giáo dục và đào tạo.

“Không chỉ có đầu tư phát triển mà cần tiếp tục đổi mới cả mô hình trường chuyên. Phát triển và đổi mới mô hình trường chuyên là một phần của đổi mới giáo dục phổ thông, là một khâu để phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng một phần các trường chuyên hiện nay vẫn đang dừng ở mức các trường chất lượng cao, trường chọn hơn là trường chuyên. Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển.

Đào tạo chuyên dù đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu, vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

“Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng cho rằng, các địa phương không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác, cần có sự đầu tư, phát triển một cách hài hòa, bảo đảm công bằng trong giáo dục.

“Trường chuyên được đầu tư “lộng lẫy” trong khi còn những trường chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Đồng thời, cần xác định trường chuyên là môi trường áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt, cổ vũ phương pháp giáo dục cá thể hóa. Phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp; trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng tỏa ra. Trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, ngoài đầu tư cần lưu ý phương pháp phù hợp cho hệ thống này.

Được biết, để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ GDĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022 - 2032” nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển hệ thống trường chuyên: Không vì những tấm huy chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO