Phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa

M.Loan 05/01/2022 09:35

Chiều 4/1, Ban Kinh tế Trung ương, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tổ chức Hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và và đô thi giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045".

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chủ trì hội thảo.

PGS.TS Đinh Thị Nga, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần đẩy mạnh bảo tổn và phát triển du lịch, văn hóa… để phát triển kinh tế, không nhất thiết phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghiệp theo một mô hình duy nhất.

"Quy hoạch phát triển vùng, các địa phương phải rất rõ nét, phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp phải rất rạch ròi từng địa phương, hài hòa với văn hóa, cư dân, thiên nhiên. Để nông dân tự sống trên mảnh đất, quê hương mình thay vì chỉ luôn là đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp, hỗ trợ từ năm này qua năm khác"- bà Nga trăn trở.

Tán đồng, Nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát lo ngại: "Phải xử lý như thế nào, khi nguy cơ "hồn cốt văn hóa ở nông thôn bay đi mất".

Ông Phát cũng bày tỏ sự trăn trở về nội lực doanh nghiệp trong lĩng vực nông nghiệp khi một năm sản xuất 22 triệu tấn thức ăn chăn nuôi là con số lớn nhưng hơn 50% là DN FDI và chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu.

"Tức là nông nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc nước ngoài. Với việc xác định vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới như thế nào? Kiến nghị với Đảng về phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, nâng cao chuỗi giá trị theo hướng nào"- ông Phát đặt vấn đề.

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng tình với các ý kiến cho rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là đợt dịch Covid-19 vừa qua. Nếu không có nông nghiệp, khu vực nông thôn thì khó khăn còn lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông Lợi, thời gian tới, cần tìm động lực mới ở vùng nông nghiệp, nông thôn. Ông Lợi đề xuất cần bổ sung thêm 1 nhà vào danh sách "3 nhà" (nhà nông - nhà nước và doanh nghiệp) đó là nhà tư vấn gắn với áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, cần quan tâm nguồn nhân lực ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua đào tạo nghề chủ yếu dùng vốn ngân sách, tài trợ từ các tổ chức chứ chưa gắn nhiều với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn.

"Ly nông bất ly hương cần có đánh giá mới, không phải chỉ nhằm vào số lượng mà cả chất lượng. Không chỉ giữ đội ngũ lao động thuần túy ở lại nông thôn mà cả nhóm có nguồn lực tài chính, trình độ, chất xám ở lại nông thôn thay vì chạy ra thành phố", ông Lợi nhìn nhận.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội chia sẻ kinh nghiệm từng là phó chủ tịch một tỉnh miền núi đã nhìn thấy sự bất cập trong đào tạo nghề ở nông thôn. "3 tháng đào tạo cho người nông dân sao mà hiệu quả được. Nay học trồng nấm, ít lâu sau trồng rau… Vấn đề đào tạo là quan trọng nhất nhưng đầu tư thời gian qua là chưa trúng. Không cải thiện được chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ khó tạo ra sự đột phá. Đầu tư phải đúng, phải trúng mới mang lại hiệu quả", ông Thanh góp ý.

Cũng theo ông Thanh, việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nông thôn cũng không dễ dàng vì thực tế mô hình thành công chủ yếu là trí thức, người có nguồn lực, tri thức từ thành phố về làm, thậm chí là từ nước ngoài. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng muốn tuyển dụng kỹ sư nông, lầm nghiệp chứ không thiết tha tuyển dụng nông dân (trình độ, tác phong làm việc…).

Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu kết luận hội thảo.

Kết luận hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết, nông nghiệp, nông dân và nông thôn là lĩnh vực có tính chiến lược quốc gia và đặc biệt là phát triển nông nghiệp là phát triển lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, phát huy được vị thế.

Theo ông Hưng, thống kê gần đây cho thấy, 1 năm trung bình có hơn 900.000 người được sinh ra và nông thôn là nôi để nuôi sống 100 triệu dân Việt Nam. Thế giới dự báo 10 năm tới sẽ tăng thêm 1 tỉ dân là 1 tỉ suất ăn thì nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam cần phát huy trong thời gian tới. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh con đường phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp chăm lo đời sống người dân. Nói đến phát triển nông nghiệp là phải nói đến phát triển bền vững.

Theo đó, kinh tế phải hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và đáp ứng xuất khẩu. Nông nghiệp phải gắn liền với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, coi ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số là một trong những động lực tạo đột phát trong lĩnh vực nông nghiệp, xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, thành công thì sẽ biến người dân thành một doanh nhân, một hợp tác xã thành một doanh nghiệp và ngành nông nghiệp sẽ chuyển hướng thành công.

"Từ đó tạo được việc làm cho người nông dân và thời gian gần đây thống kê cho thấy có 3 triệu người rời khỏi thành phố trở về lại nông thôn trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Tạo việc làm tại chỗ để người nông dân không phải di chuyển về thành phố tạo áp ứng việc làm, xã hội cho đô thị"- ông Hưng chia sẻ.

Cùng với đó chú trọng yếu tố bảo bệ môi trường, giảm phát thải hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng là mục tiêu, con đường của nông nghiệp, nông thôn hướng đến. Trong xu hướng phát triển nền nông nghiệp trên thế giới hiện nay còn đặt ra vấn đề trách nhiệm xã hội. Rất nhiều nước đặt ra rào cản nông sản nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu trách nhiệm xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO