Phát triển kinh tế nhưng vẫn chú trọng an sinh xã hội

Thanh Giang 20/10/2021 06:00

Ngày 19/10, HĐND TP HCM bước vào ngày làm việc thứ 2. Tại buổi thảo luận tại hội trường vấn đề phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch và vấn đề an sinh xã hội được nhiều đại biểu quan tâm.

Hầu hết các đại biểu thống nhất đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021. Theo các đại biểu, HĐND, UBND TP HCM thể hiện sự quyết liệt, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất, TP HCM cần quan tâm các chính sách kích cầu tiêu dùng, các giải pháp kích cầu đầu tư, chi tiêu công; giảm thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp, duy trì ngành dịch vụ chất lượng cao giúp phát triển kinh tế- xã hội.

Một số đại biểu cho rằng, thành phố tập trung phát triển đầu tư công nhưng phải rà soát lại các dự án chậm trễ. Xóa quy hoạch treo, đảm bảo sử dụng đất phù hợp tiềm năng, tránh lãnh phí tài nguyên đất. Hiện nay vẫn còn nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành, thậm chí là chưa thực hiện. Trong đó phải kể đến những dự án đầu tư công, như Quốc lộ 50 kéo dài nhiều năm nay, Hương lộ 80, dự án trường học Tân Kiên (huyện Bình Chánh), cải thiện môi trường tại Kênh Ba Bò, dự án xây dựng cầu tại thành phố Thủ Đức…

Liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch UBND TP HCM nhận định, cần tập trung vào 3 nhóm: Vốn lao động; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Về đầu tư, sắp tới, UBND TP HCM chỉ đạo rà soát từng dự án, công trình, đảm bảo tiến độ, khối lượng, phấn đấu giải ngân 95% tổng số vốn đầu tư công. TP HCM cũng sẽ triển khai các nhóm giải pháp thu ngân sách hợp lý, đảm bảo tỉ lệ thu cao nhất có thể.

Dự kiến tháng 11, 12 sẽ tiến hành đấu giá 3.970 căn nhà và 8 lô đất của Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện kết luận, chỉ đạo của Trung ương. “Sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, chúng ta phải trở lại với tinh thần tất cả cùng thi đua để xây dựng thành phố. Chính quyền phải thật sự cải cách, phải thật sự kiến tạo, tháo gỡ các vướng mắc. Doanh nghiệp cũng thi đua để tái cấu trúc, đổi mới để lao động với năng suất cao hơn. Người dân cần có tâm thế mới để cùng chung sức cùng thành phố khôi phục lại tình hình kinh tế xã hội”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Không chỉ phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch bệnh, vấn đề an sinh-xã hội được rất nhiều đại biểu HĐND TP HCM quan tâm. Các đại biểu đề nghị đánh giá lĩnh vực văn hóa – xã hội của thành phố rõ nét hơn. Báo cáo hiện nay chưa phản ánh được sự tác động của dịch bệnh Covid-19 đến lĩnh vực an sinh xã hội. Cần đánh giá sâu hơn các vấn đề như: Mất người thân, trẻ mồ côi, cũng như rà soát, thống kê các trường hợp mất do dịch bệnh.

Liên quan đến nguồn lao động, các đại biểu đề nghị thành phố rà soát người lao động có nhu cầu quay lại và tổ chức kết nối với doanh nghiệp. Phối hợp xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, giảm áp lực chi trả tiền thu nhà của công nhân, ổn định tâm lý người lao động. Ngoài ra, các đại biểu HĐND thành phố yêu cầu tạo điều kiện cho người lao động tự do, lao động thấp có cơ hội làm việc, ổn định cuộc sống cũng như tạo các chuỗi cung ứng hàng hóa để họ tham gia.

Trả lời băn khoăn của đại biểu về những đối tượng dễ bị tổn thương, ông Phan Văn Mãi cho rằng, đối với việc chăm lo cho người già neo đơn và trẻ mồ côi do dịch Covid-19, thành phố sẽ có khung chính sách riêng để chăm lo toàn diện cho các đối tượng này. Trong đó, TP HCM đang tính đến chủ trương hỗ trợ cho các em đi học đến năm 18 tuổi. Khi có khung chính sách chung sẽ triển khai việc này tốt hơn.

TP Hồ Chí Minh đang ở cấp độ 2 trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19

Ngày 19/10, tại cuộc họp trực tuyến giữa UBND TP HCM và các quận, huyện trên địa bàn về định hướng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Theo nghị quyết này có 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Theo ông Thượng, TP HCM đang ở cấp độ 2 nhưng cũng chỉ có tính tức thì ở thời điểm này. Nếu chúng ta chủ quan không làm tốt thì cấp độ dịch sẽ tăng lên, vì chủng Delta còn diễn biến phức tạp. Ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố đang khẩn trương tổng kết đợt bùng phát dịch thứ 4 để cuối tháng 10 sẽ ban hành phương án phòng, chống tổng thể. Trong đó, sẽ đánh giá cơ chế giám sát, cảnh báo và có cơ sở dữ liệu khoa học làm nền tảng phục vụ việc ra quyết định điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển kinh tế nhưng vẫn chú trọng an sinh xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO