Phát triển kinh tế tư nhân để giảm nghèo

H.Vũ 19/12/2018 22:57

Dẫu tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm đáng kể song khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Do đó cần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất lao động, bởi đây là khối tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đó là các ý kiến được ghi nhận tại Hội thảo “Công bố Báo cáo Nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người”, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam,Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP phối hợp tổ chức ngày 19/12.

Theo ông Phan Văn Hùng- Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, để giảm nghèo có hiệu quả cần nghiên cứu, điều chỉnh có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bằng việc gộp chung, tích hợp lại các chính sách để đảm bảo nguồn lực và khả năng thực hiện. Tháng 4 vừa qua Ngân hàng Thế giới đã công bố tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh, nhưng các kết quả điều tra vừa qua cũng chỉ ra nhiều thách thức khi vùng dân tộc thiểu số chiếm 14% dân số nhưng lại chiếm 50% nghèo cả nước.

Đặt câu hỏi: Cùng một chính sách nhưng tại sao có vùng thực hiện tốt, nhưng vẫn có vùng nghèo? Ông Hùng nhìn nhận, đây là vấn đề cần phải nghiên cứu, suy nghĩ, thiết kế lại chính sách cho phù hợp để không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Caitlin Wiesen, quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: Trong 17 mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam cam kết thực hiện đến năm 2030 thì mục tiêu giảm nghèo thực hiện được cao nhất. Tính đến nay thành tích giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 thế giới trong tổng số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc, đáng chú ý chỉ số giảm nghèo trong năm 2018 đã tăng 9 bậc so với năm 2017.
Tuy nhiên, theo bà Caitlin Wiesen, thời gian tới Việt Nam cần quan tâm hơn nữa để thu hẹp khoảng cách nghèo giữa các vùng miền, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền và nhóm dân tộc, bà Caitlin Wiesen khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân, và áp dụng công nghệ 4.0 vào trong quá trình sản xuất nâng cao năng suất lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân góp phần xóa đói giảm nghèo.

“Kinh tế tư nhân là nơi tạo ra nhiều nhất công ăn việc làm cho người dân, chỉ có thể giảm nghèo thành công khi nền kinh tế tăng trưởng khá và tạo ra nhiều công ăn việc làm. Tôi tin rằng với cam kết của Chính phủ, sự sáng tạo của người dân Việt Nam thì Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo” - bà Caitlin Wiesen cho hay.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu, bà Phạm Minh Thu (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường minh bạch, chống tham nhũng để có thêm nguồn lực cho giảm nghèo và kiềm chế gia tăng bất bình đẳng. Nông nghiệp vẫn là kế sinh nhai của nhiều lao động, người nghèo, người dân tộc thiểu số do đó cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các hộ kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc chuyển dịch cơ cấu, rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp để chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ để có thu nhập cao hơn, giúp giảm nghèo bền vững. Do đó cần thúc đẩy tăng năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh bằng việc thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Quốc hội thông qua”-bà Thu cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển kinh tế tư nhân để giảm nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO