Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Phạm Sỹ 17/06/2022 13:30

Hà Nội hiện có 806 làng nghề với hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu, có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Làm sao để có thể phát triển du lịch làng nghề? PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

Bà Đặng Hương Giang.

PV: Hà Nội được mệnh danh là mảnh đất trăm nghề, bà đánh giá thế nào về tiềm năng du lịch làng nghề của Thủ đô?

Bà Đặng Hương Giang: Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề” - một trong những thành phố tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 806 làng nghề và làng có nghề. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc dân tộc. Nhiều làng nghề trong số này đã trở thành điểm đến du lịch của Thủ đô, thu hút hàng chục nghìn du khách đến thăm mỗi năm. Điển hình như: Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, tạc tượng Sơn Đồng, khảm trai Chuyên Mỹ...

Các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Du khách đến với làng nghề của Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề.

Hơn nữa, sau 2 năm Covid-19 việc đi du lịch ra nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn nhất định nên trong những năm tới khách nội địa sẽ chuyển hướng đi du lịch trong nước, tới những nơi gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu về cội nguồn văn hóa của dân tộc theo các nhóm nhỏ gia đình, bạn bè sẽ là cơ hội để du lịch làng nghề Hà Nội phát triển. Hiện các làng nghề cũng đã có những thay đổi để thích ứng với việc đón khách du lịch, không chỉ sản xuất đơn thuần như trước đây mà gia tăng các dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch.

Từ những tiềm năng đó, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp các đơn vị để khai thác du lịch ra sao, thưa bà?

- Yếu tố hàng đầu của sản phẩm du lịch là sức hấp dẫn đối với du khách. Đối với du lịch làng nghề, lịch sử và văn hóa hình thành sản phẩm làng nghề mang dấu ấn văn hóa địa phương giữ vai trò chính yếu.

Chính vì vậy, để phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề, Sở Du lịch đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã hỗ trợ các đơn vị làng nghề sắp đặt, bố trí các công đoạn sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ thành sản phẩm du lịch; kết nối, xây dựng tour tuyến; quảng bá, xây dựng hình ảnh cho các làng nghề; hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề Hà Nội, hệ thống biển chỉ dẫn du lịch và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội cho các làng nghề và tổ chức đào tạo, tập huấn văn hóa du lịch cộng đồng cho các điểm du lịch trọng điểm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thành phố cũng đã triển khai đề án thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu, biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội, thực hiện xây dựng nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội và logo cho làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, đồng thời lựa chọn thiết kế một số mẫu sản phẩm lưu niệm đặc trưng của 2 làng nghề nhằm định vị hình ảnh cho làng nghề thủ công nói chung và hai làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng nói riêng.

Du khách trải nghiệm thực tế tại làng gốm Bát Tràng.

Tiềm năng du lịch làng nghề của Hà Nội là rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả và chưa nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương. Bà có nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Phải khẳng định rằng tiềm năng du lịch làng nghề của Hà Nội là rất lớn và chính quyền các cấp trong thời gian gần đây đã rất quan tâm, chú trọng phát triển loại hình du lịch này. Du lịch làng nghề được gắn kết trong du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Hà Nội cũng đã ban hành một loạt các chương trình, kế hoạch phát triển làng nghề phục vụ du lịch.

Mặc dù vậy, du lịch làng nghề Hà Nội vẫn chưa được khai thác hiệu quả vì một số lý do như: Vấn đề quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề là một việc khó khăn đòi hỏi tầm nhìn lâu dài, nguồn lực và sự đầu tư đồng bộ. Hiện các làng nghề mới chủ yếu chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm nổi tiếng được biết đến trên thị trường nhưng vẫn hạn chế đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp không ít khó khăn như: thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa…

Vậy đâu là yếu tố chuyên nghiệp hóa sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch?

- Để chuyên nghiệp hóa sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch, việc định vị sản phẩm bằng mẫu mã bao bì và độ tinh xảo của sản phẩm là yếu tố quan trọng. Điều này giúp các làng nghề xác định phân khúc thị trường sản phẩm và truyền tải giá trị văn hóa đi kèm.

Hiện một số doanh nghiệp đã thành công trong việc định hình thương hiệu, đã tạo ra được những dòng sản phẩm cao cấp, mẫu mã sản phẩm đa dạng, tinh xảo, bao bì độc đáo, bắt mắt, thân thiện với môi trường và minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đã đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch, xuất khẩu được sang các thị trường quốc tế và khẳng định được thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề Việt Nam, mang lại nguồn thu tương xứng cho các làng nghề.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề, đó là lợi thế lớn để phát triển sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, lợi thế đó chưa được khai thác đúng cách, sản phẩm du lịch làng nghề chưa thể đóng góp nhiều hơn vào việc thu hút khách du lịch đến Thủ đô. Theo các chuyên gia, muốn phát triển du lịch làng nghề cần phải có kế hoạch tổng thể, chi tiết để tạo nên một hệ sinh thái bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển làng nghề gắn với du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO