Phát triển nghề truyền thống dân tộc La Chí, Pà Thẻn

G.B. 09/12/2020 08:29

Mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc La Chí gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Hà Giang sẽ triển khai tại huyện Quang Bình.

Nghề dệt được đồng bào Pà Thẻn (Tuyên Quang) gìn giữ.

Bộ VHTTDL vừa có Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc La Chí, Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch” năm 2020. Kế hoạch gồm 2 nhiệm vụ chính là xây dựng mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc La Chí gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Hà Giang và mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Tuyên Quang.

Trong đó, mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc La Chí gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Hà Giang sẽ triển khai tại huyện Quang Bình, với các nội dung: Khảo sát, lựa chọn địa điểm, nghề thủ công truyền thống của dân tộc La Chí để tổ chức lớp truyền dạy bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc La Chí;

Tổ chức lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống của dân tộc La Chí phục vụ công tác bảo tồn, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch; Hỗ trợ nguyên liệu, khung dệt, công cụ cho một số hộ gia đình tham gia mô hình trưng bày, trình diễn giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc La Chí phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Đồng bào dân tộc La Chí cư trú chủ yếu ở huyện Xín Mần (Hà Giang), huyện Mường Khương và Bắc Hà (Lào Cai). Ðặc điểm kinh tế của người La Chí là làm ruộng bậc thang trồng lúa nước. Các gia đình thường nuôi trâu, ngựa, dê, lợn, gà, vịt, cá, nhưng theo nếp cũ thì không nuôi bò. Nghề dệt vải bông và nhuộm chàm của phụ nữ La Chí có truyền thống lâu đời.

Xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc La Chí. Mặc dù sự giao thoa về văn hóa diễn ra ngày càng phổ biến, song người La Chí ở Bản Phùng vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc; thể hiện qua ngôn ngữ, tín ngưỡng văn hóa và những lễ hội mang đậm màu sắc. Đặc biệt, với trang phục, phụ nữ La Chí hiện vẫn tự dệt và may quần áo cho các thành viên trong gia đình; qua đó, đã lưu giữ và phát huy nghề trồng bông, dệt vải truyền thống.

Các sản phẩm thủ công truyền thống.

Theo các cụ cao tuổi ở Bản Phùng, thêu thùa và may vá là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đạo đức, sự khéo léo và chăm chỉ của phụ nữ La Chí. Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, các trẻ em gái đã được theo mẹ lên nương để trồng bông; lớn hơn một chút sẽ được các mẹ, các chị dạy tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ để sau này có thể tự dệt vải, thêu thùa và may những bộ trang phục cho riêng mình.

Những cô gái chăm chỉ, biết thiêu thùa, may vá sẽ được nhiều chàng trai để ý và đàn ông La Chí khi chọn vợ cũng thường đặt tiêu chí giỏi việc may vá lên hàng đầu. Hiện nay, dù quần áo may sẵn được bày bán rất nhiều ở các phiên chợ tại trung tâm xã, nhưng phụ nữ La Chí vẫn tự trồng bông, dệt vải, may cho mình và người thân trong gia đình những bộ trang phục truyền thống…

Tương tự, mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Tuyên Quang sẽ triển khai tại huyện Lâm Bình, với các nội dung: Tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm mở lớp truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

Tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt, thêu thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn phục vụ công tác bảo tồn, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch; Hỗ trợ nguyên liệu, khung dệt, công cụ cho một số hộ gia đình tham gia mô hình bảo tồn, trưng bày, trình diễn giới thiệu sản phẩm dệt thủ công truyền thống của dân tộc Pà Thẻn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Cũng như các DTTS khác, trang phục người Pà Thẻn có những nét đặc trưng về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu. Để hoàn thành một bộ trang phục có khi kéo dài cả năm và đòi hỏi sự khéo léo, cần cù, sáng tạo của phụ nữ. Các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Trước kia, nguyên liệu dệt vải là kéo từ sợi cây bông, cây đay, hiện nay chủ yếu dùng len chỉ. Sau khi nhuộm màu là mắc sợi, sang chỉ dệt thành những mảnh vải thổ cẩm hình vuông hay dải vải khổ nhỏ hoặc rộng đắp trực tiếp lên vải áo, khăn, váy. Trong các mảng hoa văn, bao giờ hoa văn chủ đạo cũng được làm nổi bật, màu đỏ là màu sắc chính của bộ trang phục nữ.

Dân tộc Pà Thẻn có một bộ sưu tập các mẫu hoa văn vô cùng phong phú, được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác. Đó là hệ thống những hoa văn hình học phân bố thành các dải băng ngang, làm đường phân tuyến cho những hoa văn khác trên khăn, ngực áo, eo lưng, gấu áo, khuỷu tay áo và thân váy; hoa văn hình người, chân chó, mắt cua, con nghé, sừng trâu phức tạp hơn để làm điểm nhấn trên ngực áo, eo lưng và hai bên hông váy. Ngoài ra, hoa văn cây thông, cây cỏ và một số loại thuốc quen thuộc của đồng bào là những chất liệu độc đáo tôn vinh thêm vẻ đẹp của bộ trang phục.

Ngày nay, hầu hết những cô gái trẻ dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn đều biết các kỹ năng thêu, dệt và chắp vá hoa văn trước khi đi làm dâu. Đó là của hồi môn thiêng liêng mà bà, mẹ trao cho con gái. Để tránh mai một, các địa phương cũng tổ chức dạy nghề cho những người trẻ.

Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc kể trên chính là nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển nghề truyền thống dân tộc La Chí, Pà Thẻn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO