Phát triển thương mại ở miền núi

Thanh Hà 28/08/2020 15:30

Nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa…đã vào được các hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Nhiều huyện miền núi đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được các thương hiệu nông sản hàng hóa tại thị trường trong nước và quốc tế.

Bà con xã Na Bó, huyện Mai Sơn (Sơn La) thu hái xoài xuất khẩu.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, đã có những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mà thông qua các hội nghị, hội thảo, chương trình còn hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, một trong những kết quả nổi bật mà chương trình đạt được trong 5 năm qua là khuyến khích phát triển các mặt hàng là lợi thế của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đến nay, nhiều huyện miền núi đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được các thương hiệu nông sản hàng hóa tại thị trường trong nước và quốc tế.

Điển hình như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong rừng Sơn Động, Chè shan tuyết Mộc Châu, Cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn… cùng với nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh khác đã được đưa vào các hệ thống bán lẻ lớn sau đó xuất khẩu ra nước ngoài.

Mới đây, UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La phối hợp Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức Lễ xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên trong năm sang thị trường Mỹ, Canada và Australia theo đường chính ngạch. Hiện huyện Mai Sơn đã tập trung phát triển cây xoài tại các xã: Cò Nòi, Nà Bó, Hát Lót, Chiềng Mung... với khoảng 2.640 ha xoài, sản lượng quả ước đạt trên 14.200 tấn.

Hay như trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) hiện có gần 25 nghìn đàn ong mật, sản lượng ước đạt hơn 200 tấn mật/năm, giá bán dao động từ 110- 150 nghìn đồng/lít, doanh thu hơn 26 tỷ đồng. Số lượng đàn ong chủ yếu tập trung ở các xã có diện tích rừng tự nhiên lớn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi ong, đồng thời là sản phẩm đặc trưng, có “thương hiệu” mạnh của huyện vùng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng gặp phải không ít khó khăn, bất cập. Nhất là nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo hàng năm chưa được cụ thể hóa trong Luật Ngân sách, nên các bộ, ngành và địa phương bị động trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, các mặt hàng là tiềm năng mới chỉ đạt ở mức sản xuất nhỏ lẻ, đơn thuần, thiếu tập trung, chưa đủ lớn để thu hút đầu tư phát triển, chưa được các tổ chức/cá nhân chú trọng đến bao bì, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu và chủ yếu là sản xuất thô sơ, không có giá trị cao.

Vì vậy, Bộ Công thương sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt thực hiện chương trình 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm để thực hiện theo kế hoạch hàng năm; đồng thời đề xuất Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển thương mại ở miền núi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO