Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Minh Quân 12/11/2021 10:51

Nhằm đánh giá thực trạng nhu cầu, xu hướng đọc của người trẻ trong bối cảnh bùng nổ thông tin, ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, phát triển văn hoá đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số”.

Phát biểu tại Hội thảo, ThS Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM cho biết, với sự phát triển của công nghệ thông tin việc tiếp cận văn hoá đọc của người trẻ đang gặp một số rào cản, thậm chí đang tạo ra tâm lý không thích đọc sách. Hiện nay thay vì lật, giở và tìm thông tin trên các trang giấy hoặc đến thư viện thì giờ là bấm, gõ hoặc “search”.

Người trẻ có thể dành vài ba tiếng mỗi ngày để xem tivi, lướt web, truy cập mạng xã hội nhưng rất khó khăn trong việc ngồi yên 30 phút để đọc sách. Bên cạnh đó, thời gian dành cho vui chơi, giải trí của người trẻ ngày càng ít. Ở các thành phố lớn ngoài giờ học chính khoá là học thêm nên thời gian thư giãn là vô cùng ít ỏi.

Ngoài ra, cha mẹ, người lớn cũng chưa thực sự làm gương khi theo số liệu thống kê sức đọc của người Việt Nam rất thấp chưa đến 1 bản sách/đầu người/1 năm. Hệ thống thư viện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao và đa dạng của người trẻ. Hầu hết, các cơ sở vật để phục vụ nhu cầu đọc còn nghèo nàn, thiếu thốn…

Chính những lý do khách quan và chủ quan trên đã dẫn đến việc người trẻ ít, thậm chí là không thích đọc và chưa mặn mà với việc đến thư viện hoặc tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức.

Với sự bùng nổ của công nghệ, không thể phủ nhận văn hoá đọc của người trẻ đang chịu những tác động mạnh mẽ. Dẫn chứng về thanh niên thế hệ “Z” là những người sinh ra trong giai đoạn 1997 đến 2006, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, đây là thế hệ có thói quen làm việc đa nhiệm và tốc độ dẫn đến văn hoá đọc lướt tăng, đọc nghiềm ngẫm đi xuống.

Một số điểm chung của thế hệ này là họ không còn thấy mình là người ham đọc sách khi so sách với thế hệ cha anh, họ không còn tìm kiếm hay sở hữu những cuốn sách hay để đọc nhiều như trước đây, thay vì thế họ lưu giữ một danh mục các cuốn sách để khi nào thực sự cần thiết thì sẽ tìm đọc…

Thế hệ “Z” bây giờ không còn tìm tới đọc sách như một hình thức giải trí, thư giãn và suy tư cho những ý tưởng sáng tạo mà thường bị áp lực đọc để phục vụ công việc do thực tiễn yêu cầu hoặc đó là nhiệm vụ mà họ phải thực hiện trong các chương trình học…

Với những dẫn chứng trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, thế hệ “Z” là những công dân số sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến có khả năng mở rộng các cơ hội truy cập thông tin không giới hạn. Điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen và đặc điểm của họ đối với việc đọc, đặc biệt là đọc sách.

Sự chú ý của thế hệ này ngày càng trở nên ngắn hơn, họ có xu hướng tìm kiếm các thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là âm thanh hay con chữ, được cá nhân hoá theo sở thích. Việc hiểu các đặc điểm của thế hệ “Z” cũng như thói quen của thế hệ này chính là điểm khởi đầu để kiến tạo thói quen và văn hoá đọc cho các em. Vì vậy, trong tương lai, sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu liên quan đến chủ đề này làm cơ sở xây dựng các chính sách phù hợp.

Đồng quan điểm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên Lê Thanh Hà cho rằng, để vượt qua những thách thực hiện tại chúng ta cần có những cách tiếp cận mới, rộng hơn khái niệm đọc sách, thói quen đọc, văn hoá đọc. Chỉ có thay đổi, cập nhật mới có thể tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của thể hệ độc giả trẻ, góp phần thực sực vào việc phát triển năng lực và xây đắp tâm hồn của họ.

Từ câu chuyện này cũng có thể có những gợi mở để chúng ta bổ sung hoàn thiện các khung khổ pháp lý, phát triển ngành xuất bản, tiếp cận với phát triển, đóng gói, cung cấp dữ liệu khoa học, văn chương, kinh tế, công nghệ… với nhiều phương tiện, trên nhiều nền tảng khác nhau, hợp thời và có khả năng tự mở ra cơ hội mới cho chính mình.

Những gì đã làm và đang làm hiện nay dù rất nỗ lực nhưng vẫn còn khiêm tốn, đôi khi dùng cách rất cũ để mong thúc đẩy một việc quá mới. Một trong những điều cần làm đầu tiên là tập trung trí tuệ làm chính sách, cơ chế, thúc đẩy ứng dụng công nghệ để đi cùng đối tượng độc giả trẻ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO