Phí bảo trì đường sắt: Rõ quyền phân bổ 2.800 tỷ đồng

Hạnh Nhân 21/05/2021 06:26

Thủ tướng Chính phủ vừa  ký văn bản số 636/TTg-CN về việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 24/5/2021.

Công nhân bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, bảo đảm hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến câu chuyện nhùng nhằng phí bảo trì đường sắt, vấn đề xuất phát từ năm 2019 trở về trước Bộ GTVT là đơn vị quản lý trực tiếp VNR, doanh nghiệp (DN) được Nhà nước giao dự toán hằng năm khoảng 2.800 tỷ đến 3.000 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường sắt. DN này lại đặt hàng 20 công ty con là các công ty cổ phần thực hiện nhiệm vụ cho đến hết năm 2019.

Đến đầu năm 2020, Bộ GTVT không thể giao dự toán cho VNR được nữa vì không phù hợp với Điều 49 của Luật Ngân sách nhà nước. Theo quy định này, Bộ GTVT chỉ được giao dự toán và đặt hàng các DN thuộc bộ, trong khi VNR không còn là DN thuộc bộ này nữa, mà thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

Cho tới đầu năm 2020, do không giải ngân được số tiền này, VNR đã kêu cứu và đến tháng 4/2020, để giải quyết những khó khăn trong quá trình chuyển tiếp giữa các cơ quan quản lý và quy định của luật, Thủ tướng đã ra Nghị quyết đồng ý giao vốn bảo trì 2.800 tỷ đồng của năm 2020 cho VNR thực hiện như những năm trước.

Từ năm 2021 trở đi Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ GTVT chấp bút, trong đó có phần liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính là “Giao dự toán bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia” thì cả Bộ Tài chính và Bộ GTVT đều thống nhất quan điểm, việc bảo trì phải thực hiện theo Luật Ngân sách. Do đó, việc giao dự toán 2.800 tỷ nói trên cho VNR là không phù hợp với quy định. Số tiền này được đề xuất giao cho Cục Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng để thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách.

Bộ GTVT lý giải là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không có ngành, nghề kinh doanh thực hiện bảo trì mà chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt nên việc đặt hàng đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019.

Trong khi đó, VNR lại cho rằng, đề xuất cơ chế giao vốn bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam, đã phá vỡ nguyên tắc điều hành, quản lý thống nhất, tập trung - nguyên tắc chủ chốt nhất trong hoạt động vận tải đường sắt từ trước đến nay. Với những tranh cãi về quyền quản lý phần dự toán nghìn tỷ nói trên nên dù tổ chức hàng loạt cuộc họp giữa Cục Đường sắt với VNR cũng đã không thể đi đến thống nhất, dù số tiền 2.800 tỷ đồng từ ngân sách đã sẵn sàng.

Như vậy, với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những vướng mắc liên quan đến việc phân giao khoản kinh phí trị giá 2.800 tỷ đồng phục vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 kéo dài gần 5 tháng đã cơ bản được tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phí bảo trì đường sắt: Rõ quyền phân bổ 2.800 tỷ đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO