Phiến quân IS và những 'con sói đơn độc'

Khánh Duy 26/03/2017 08:00

Khalid Masood, một công dân Anh 52 tuổi đến từ Kent, kẻ tấn công khủng bố tại Wesmintster trong tuần qua, đã lập tức được những kẻ cực đoan tung hô là “một chiến binh của Nhà nước Hồi giáo” sau khi thực hiện vụ tấn công bằng xe hơi khiến 4 người thiệt mạng và 40 người khác bị thương ở trung tâm thủ đô London (nước Anh).

“Con sói đơn độc” Masood bị cảnh sát bắn gục. Nguồn: Dailymail.

Vì sao IS nhanh chóng nhận trách nhiệm?

Ngay sau khi vụ tấn công Wesminster xảy ra, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lập tức tuyên bố nhận trách nhiệm vụ việc và đưa ra một tuyên bố mang tính chất tuyên truyền nói rằng kẻ tấn công đơn độc là một trong số các chiến binh dưới trướng của chúng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích lại cho rằng IS nhận trách nhiệm vụ tấn công trên là nhằm che giấu những thất bại to lớn mà chúng đang phải hứng chịu trên các chiến trường Syria và Iraq.

Tuyên bố mới nhất của IS cũng giống như những tuyên bố nhận trách nhiệm mà chúng đưa ra trong hàng loạt các vụ tấn công khủng bố khắp châu Âu diễn ra trong một năm qua, mà hầu hết trong số này là các vụ tấn công xuất phát từ “lời kêu gọi tấn công nhằm vào công dân các nước thuộc liên minh chống IS”.

Giới chuyên gia cho rằng, các tuyên bố nhận trách nhiệm của IS thiếu thông tin cá nhân và đặc điểm nhận dạng của kẻ tấn công; điều này cho thấy chúng không thực sự đứng đằng sau lên kế hoạch các vụ tấn công này.

Jean-Marc Rickli - chuyên gia nghiên cứu thuộc ĐH King ở London và Trung tâm nghiên cứu chính sách An ninh Geneva, nói rằng những kẻ chiêu mộ của IS có khả năng đã liên hệ với Masood qua Internet. “Khi IS không trực tiếp chỉ thị một vụ tấn công, chúng thường thực hiện một tiến trình kiểm tra hồ sơ để xem liệu kẻ tấn công nọ có liên hệ với các thành viên của chúng theo cách nào đó hay không”- ông Rickli nói với tờ The Independent.

“Khái niệm tấn công kiểu “sói đơn độc” là rất khó bởi trong hầu hết các trường hợp không hề có sự liên hệ với những kẻ chiêu mộ hoặc khó có thể lần ra dấu vết của các tổ chức đứng đằng sau những kẻ tấn công. Vậy nên các vụ tấn công đơn độc là rất hiếm”- ông Rickli nói thêm.

Renad Mansour- học giả thuộc chương trình nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, cũng cho rằng khái niệm các vụ tấn công “sói đơn độc” rất khó lý giải cụ thể.

Do có nhiều kẻ tấn công hành động dựa trên “trực giác của chúng” và không có chỉ thị từ một tổ chức, chúng thường là thành viên của các mạng lưới cực đoan hoạt động trên Internet hoặc trong đời thường, vốn gồm các nhóm bạn hay thành viên gia đình.

“Đôi lúc những thành viên thuộc các mạng lưới này di chuyển tới Syria và sau đó trở về nước, nhưng rất khó để có thể vạch ra mối liên hệ cụ thể giữa chúng và các mạng lưới khủng bố”- ông Mansour cho hay.

Khủng bố một cách dã man

Trong vụ tấn công tại Westminster, các nhà điều tra đang làm rõ khả năng có mối liên hệ giữa Masood và một mạng lưới cực đoan, nói rằng dù không có thông tin tình báo về dự định tấn công của tên này, nhưng hắn đã bị cơ quan tình báo Anh MI5 theo dõi từ rất lâu.

Dù chưa từng bị khởi tố, nhưng Masood đã từng lọt vào danh sách đen của lực lượng cảnh sát Anh do có nhiều tiền sự kể từ năm 1983 cho đến nay, trong đó gồm nhiều vụ tấn công bạo lực, sở hữu vũ khí và gây mất trật tự công cộng.

Các nghiên cứu từ các vụ khủng bố trước đó cho thấy có hơn một nửa số chiến binh IS nằm vùng ở châu Âu có tiền án, trong khi những kẻ chiêu mộ cũng thường nhắm tới các tội phạm bạo lực và thành viên băng đảng để lôi kéo chúng tham gia vào cuộc “thánh chiến”.

Ngay cả bản thân tổ chức khủng bố IS cũng không thích khái niệm tấn công kiểu “sói đơn độc”, mà thay vào đó chỉ thị cho những kẻ dưới quyền của chúng sử dụng cụm từ “khủng bố” đơn thuần trong các cuộc tấn công nhằm vào những kẻ mà chúng gọi là “kẻ vô đạo”- gồm thường dân và các thành viên của lực lượng an ninh.

Trước khi bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu hồi tháng 8-2016, người phát ngôn hàng đầu của IS Abu Muhammad al-Adnani đã đưa ra hàng loạt lời kêu gọi tới những kẻ ủng hộ không thể tham chiến ở Syria hay Iraq rằng hãy khuấy động “thánh chiến” ở các quốc gia mà chúng đang nằm vùng.

Kể từ sau cái chết của Adnani, chương trình tuyên truyền của IS vẫn tiếp tục kêu gọi tấn công khủng bố nhằm vào châu Âu, Mỹ, Australia và các quốc gia đang ủng hộ chiến dịch quân sự nhằm vào chúng.

Một bài viết đăng tải trên tạp chí Rumiyah của IS hồi tháng 10 năm ngoái còn đưa ra một bản hướng dẫn dài về cách thực hiện các vụ tấn công bằng dao, trong đó gồm hướng dẫn lựa chọn loại dao, các địa điểm để thực hiện vụ tấn công một cách thuận lợi và cách để vượt qua tâm lý “bất an” của một kẻ giết người…

Số tiếp theo của tạp chí tuyên truyền này, được viết bằng nhiều ngôn ngữ và ra mắt hồi tháng 11 năm ngoái, còn đăng tải bài viết kêu gọi những kẻ cực đoan thực hiện các vụ tấn công bằng phương tiện giao thông, lấy vụ tấn công bằng xe tải ở Nice – khiến 86 người thiệt mạng- làm ví dụ.

“Hãy mang theo một vũ khí phụ, như một khẩu súng hoặc một con dao, đó là cách tốt để phối hợp một vụ tấn công bằng phương tiện với các hình thức tấn công khác”- bài viết tuyên truyền của IS có đoạn.

Phô trương thanh thế

Trong vụ tấn công Westminster vừa qua, kẻ tấn công Masood dường như đã làm đúng các hướng dẫn trên khi nhằm vào đám đông khách bộ hành đang di chuyển trên cầu Wesminster khiến 2 người thiệt mạng, và bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. Hắn bước ra khỏi xe hơi của mình với con dao trên tay và cố gắng chạy tới cửa vào gần nhất, đâm vào người sỹ quan Keith Palmer trước khi bị lực lượng cảnh sát bắn hạ.

Theo Tiến sỹ Mansour, tòa nhà Quốc hội Anh là một mục tiêu “biểu tượng” đối với phiến quân IS, cũng giống như các khu vực biểu tượng của các nước trên thế giới.

“Những kẻ ủng hộ IS đang cố gắng chứng tỏ phạm vi tấn công của chúng rộng hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng”- ông Mansour nói. “Trong lúc mà IS đang dần mất đi lãnh thổ ở Iraq và Syria, chúng cần phải tìm ra một cách khác để phô trương thanh thế”.

Tiến sỹ Rickli cho rằng tổ chức khủng bố này sẽ còn tiếp tục các âm mưu của chúng nhằm khuấy động các vụ tấn công khủng bố công nghệ thấp nhưng khó lường trên khắp thể giới nhằm duy trì danh tiếng của chúng.

“Do IS đang bị thách thức ở Syria và Iraq nên chúng cần phải chuyển sang chế độ nổi loạn”- ông Rickli nói, chỉ ra các vụ tấn công sử dụng súng và bom mà thế giới từng chứng kiến ở Paris hay Brussels hồi năm ngoái.

Giới lãnh đạo châu Âu cũng hết sức quan ngại rằng IS sẽ lợi dụng các chiến binh trở về nước của chúng để thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố hơn nữa ở chây lục này. Theo ước tính của Anh, hiện có khoảng 400 chiến binh thánh chiến được cho là đã trở về nước họ từ vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng.

Trong hôm thứ Tư vừa qua, các thành viên thuộc liên minh chống IS mà Mỹ dẫn đầu đã có cuộc họp tại Washington để hoanh nghênh sự thành công trong việc đẩy lùi phiến quân IS khỏi các vùng lãnh thổ mà chúng từng chiếm đóng.

Những kẻ phiến quân này hiện đang phải chiến đấu vất vả ở khu vực phía Tây thành phố Mosul (Iraq) trong khi cũng hứng chịu một cuộc tổng tấn công của các lực lượng quốc tế ở Raqqa (Syria).

Liên minh Mỹ dẫn đầu tính đến nay đã thực hiện trên 19.000 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS, tiêu diệt hàng chục nghìn phiến quân và khoảng 180 thủ lĩnh của chúng, phá hủy nhiều kho đạn dược, nhà máy, cơ sở chỉ huy…. của tổ chức phiến quân này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phiến quân IS và những 'con sói đơn độc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO