Việc hợp tác làm phim với nước ngoài không chỉ là cơ hội để giao lưu văn hóa mà còn mở ra hướng phát triển cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, sau hàng loạt các sản phẩm hợp tác được ra mắt thì dường như sự liên kết này vẫn chưa “hái được quả ngọt”.
Đầu tư lớn, doanh thu nhỏ giọt
Trong những năm qua, không thể phủ nhận xu hướng hợp tác với các đoàn phim nước ngoài đang tạo nên một “làn gió mới” cho nền điện ảnh Việt Nam. Việc bắt tay với các nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã phần nào nâng tầm và lan tỏa cho thương hiệu phim Việt Nam. Có thể kể đến các dự án như “La La: Hãy để em yêu anh” hợp tác với Hàn Quốc; “Yêu em từ khi nào” hợp tác với Trung Quốc; “Những cô nàng và Găng tơ” hợp tác với Hồng Kông (Trung Quốc); “Nhắm mắt thấy mùa hè” hợp tác với Nhật Bản… Mới đây nhất, trong năm 2022 là 3 dự án “Mỹ nhân thần sách” và “Là mây trên bầu trời của ai đó” hợp tác với Thái Lan; “Kẻ thứ 3” hợp tác với Hàn Quốc. Ở đó, các dự án đều có điểm chung là được đầu tư một khoản kinh phí lớn bên cạnh sự tham gia của dàn nghệ sĩ “đình đám” trong nước và quốc tế. Thậm chí như bộ phim “Những cô nàng và Găng tơ” còn có sự góp mặt của cựu vận động viên quyền anh Mike Tyson.
Thế nhưng, khác với những bộ phim truyền hình hợp tác quốc tế thành công trước đó như “Người cộng sự”, “Tuổi thanh xuân”… thì ở mảng phim điện ảnh ngoài những màn ra mắt, quảng cáo rầm rộ thì kết quả thu lại đều là sự thất vọng. Đến thời điểm hiện tại dù số lượng phim điện ảnh hợp tác nước ngoài chưa nhiều nhưng cũng chưa có tác phẩm nào thực sự “bùng nổ” tại các phòng chiếu, thậm chí là thất bại nặng nề cả về doanh thu lẫn uy tín.
Đơn cử như bộ phim “La La: Hãy để em yêu anh” sau khi ra công chiếu đã nhận được một kết quả ê chề. Bộ phim bị đánh giá như MV âm nhạc kéo dài cả trăm phút. Mặc dù là bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhưng bối cảnh phim quá nghèo nàn, nội dung phim lê thê không tạo được những điểm nhấn. Hay như bộ phim “Là mây trên bầu trời của ai đó” mới ra rạp dù quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của Thái Lan và Việt Nam như Dome Pakorn Lam, August Vachiravit, James Vejvongsatichat, NSND Hồng Vân, Trịnh Tú Trung, Lâm Bảo Châu… nhưng kết quả thu lại cũng không mấy khả quan. Sau một tuần công chiếu phim chỉ đạt doanh thu được gần 500 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu khiến tác phẩm này dù có những tên tuổi nổi tiếng của làng giải trí Thái Lan nhưng vẫn chưa thể chinh phục được khán giả là do kịch bản chưa thật sự thuyết phục. Cùng cảnh ngộ, dự án phim “Kẻ thứ ba” có sự tham gia của tài tử điện ảnh tử Han Jae –suk, diễn viên từng nổi tiếng với phim “Giày thủy tinh” của Hàn Quốc, dù được kỳ vọng rất lớn nhưng cũng chỉ “trụ lại” ở các rạp chiếu trong vài tuần. Phim khi ra rạp đã bị đánh giá đi theo lối mòn của phim truyền hình những năm 2000 và không truyền tải được những thông điệp mới mẻ. Dù đầu tư gần 33 tỷ đồng nhưng phim chỉ đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng. “Thê thảm” nhất là bộ phim hợp tác với Thái Lan “Mỹ nhân thần sách” chỉ thu về gần 200 triệu đồng trước khi phải rút khỏi các phòng chiếu.
Trầy trật “thăng hạng”
Có thể nói, hợp tác với nước ngoài đang trở thành một “trào lưu” khá phổ biến của điện ảnh thế giới hiện nay. Bởi thông qua sự hợp tác sẽ là “một mũi tên trúng 2 đích”. Bên cạnh việc mở rộng nguồn khán giả còn là việc đánh trúng tâm lý “thần tượng” của bộ phận lớn người trẻ. Nhiều dự án dù chỉ mới ở bước khởi động nhưng đã tạo được “cơn sốt” khi mời được những diễn viên nổi tiếng của nước ngoài. Tuy nhiên, với khán giả, họ không ra rạp chỉ vì một diễn viên ngôi sao hay một nhân tố đặc biệt nào đó, họ chọn lựa thưởng thức một tác phẩm có chất lượng về mặt nội dung lẫn hình ảnh, để vừa có thể giải trí lại vừa có những bài học đúc kết cho riêng mình. Mặc dù được đầu tư kinh phí, kỹ thuật nhưng điểm yếu cố hữu của các bộ phim hợp tác nước ngoài của Việt Nam vẫn là khâu kịch bản.
Theo đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, thị hiếu khán giả trong nước vẫn luôn là một ẩn số khó đoán. Các công thức đặt ra như kịch bản hài nhảm, ngôi sao phòng vé… một thời đã không còn tác dụng. Khán giả Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao từ các nhà làm phim, khi chất lượng phim, kịch bản, diễn xuất của diễn viên phải làm một tổng thể hài hoà, chạm đến cảm xúc khán giả. Cũng theo ông Bình, không có nhà sản xuất, đạo diễn nào hiện nay dám “vỗ ngực” khẳng định, họ nắm được thị hiếu công chúng.
Còn theo nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, phim hợp tác với nước ngoài là cơ hội rất tốt để chúng ta học hỏi được nhiều điều hay từ nước bạn. Thông qua việc cùng làm, cọ xát, điện ảnh Việt Nam tự học hỏi kinh nghiệm làm phim của nước ngoài để làm phim chuyên nghiệp hơn. Phim hợp tác còn giúp chúng ta giới thiệu những tài năng điện ảnh Việt đến với bạn bè thế giới, quảng bá hình ảnh, con người, đất nước Việt Nam. Thế nhưng, thực tế, hợp tác thế nào để làm ra một bộ phim chất lượng không phải là điều đơn giản. Còn nếu chỉ nhăm nhăm thu lợi nhuận mà làm ẩu thì sẽ “sôi hỏng bỏng không”
Thực tế cho thấy, phim hợp tác quốc tế luôn là những dự án quan trọng đối với sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên để dòng phim này có hướng phát triển đúng hướng lại là bài toán khó. Nhìn vào dòng phim này chỉ thấy được một sự hòa nhập đến quá dễ dàng vì lợi ích kinh tế, thậm chí là sự “chơi trội” của các nhà sản xuất về khoản kinh phí đầu tư mà quên rằng khán giả Việt Nam đã... khó tính hơn. Phim gắn mác hợp tác nước ngoài không phải để giải quyết “khâu oai” cho nhà sản xuất mà cốt lõi là nội dung phim mang đến cho khán giả thông điệp gì? Muốn thành công, điện ảnh Việt phải tận dụng hiệu quả nguồn lực vốn có, phát huy những điều học hỏi được từ cách làm phim của nước bạn, tạo nét mới để mang đến sức bật cho điện ảnh Việt Nam, thay vì đi theo những “lối mòn” xưa cũ.