Phim truyền hình: ‘Hụt hơi’ đề tài chính luận

Phạm Sỹ 30/07/2021 06:06

Từ đầu năm 2021, sau khi “Hồ sơ cá sấu” khép lại, các phim truyền hình đề tài gia đình đã đồng loạt chiếm sóng giờ vàng. Trong khi đó, phim về đề tài chính luận lại có dấu hiệu “hụt hơi”.

Phim “Quỳnh Búp bê” của đạo diễn Mai Hồng Phong đã đi sâu vào đề tài mại dâm.

Từng có những bộ phim thành công

Phim truyền hình nước ta từng có những bộ phim chính luận tạo được sự quan tâm của khán giả như Mê cung, Sinh tử, Lựa chọn số phận… Đặc biệt có những bộ phim tạo được hiệu ứng cao trong dư luận như Người phán xử, Quỳnh búp bê.

Trước tiên phải nhắc đến bộ phim truyền hình “Người phán xử”, đây là bộ phim thuộc thể loại hình sự đã mang tới cho khán giả góc nhìn đa chiều về một thế giới ngầm nhiều góc khuất. Thể hiện được một bức tranh đa chiều về hành trình chống tội phạm và cuộc chiến giành quyền lực trong giới giang hồ hiện đại. Với sự kết hợp của 3 đạo diễn NSƯT Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng, những tình tiết trong “Người phán xử” gay cấn, bất ngờ và cuốn hút khán giả đến phút cuối cùng.

Thế giới ngầm trong “Người phán xử” xoay quanh ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng), một doanh nhân chuyên xét xử, dàn xếp những vụ mâu thuẫn tiền bạc, tình ái, ân oán nhằm phân chia ranh giới làm ăn và kiểm soát quyền lực các băng nhóm xã hội đen.

Nhưng rồi đế chế của Phan Quân bắt đầu lung lay trước một bên là đối thủ truyền kiếp - Thế chột (nghệ sĩ Chu Hùng), một bên là những mâu thuẫn trong nội bộ. Với lối kể chuyện nhanh, hiện đại, mô tả những tình tiết gay cấn, kịch tính, “Người phán xử” đã khéo léo tái hiện thế giới xã hội đen đầy phức tạp thông qua câu chuyện gia đình với những diễn biến đầy bất ngờ.

Một cảnh trong phim “Mùa hoa tìm lại”.

Phim “Quỳnh Búp bê” của đạo diễn Mai Hồng Phong là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên ở phía Bắc đi sâu vào đề tài mại dâm, vốn bị coi là đề tài cấm kỵ với phim truyền hình từ nhiều năm nay. Phim đã nhận được sự quan tâm của người hâm mộ bởi cách kể chuyện chân thật. Tuy nhiên, dự án này cũng vướng không ít tranh cãi vì lời thoại táo bạo và nhiều cảnh bạo lực. Sau khi trình chiếu được 6 tập, VTV tạm ngưng để điều chỉnh lại khung giờ và kênh cho phù hợp mới phát sóng trở lại.

Gần đây nhất, một bộ phim truyền hình chính luận được khán giả hết sức quan tâm đó là bộ phim “Lựa chọn số phận” do Đặng Minh Châu viết kịch bản, đạo diễn Mai Hồng Phong. Là bộ phim gây cấn nói về nghề thẩm phán, được Đài truyền hình Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng và chuẩn bị kỹ càng trước khi ra mắt khán giả.

“Lựa chọn số phận” đang làm tốt nhiệm vụ của mình khi thu hút được khán giả trở lại với dòng phim chính luận. Đây là đề tài mới và hấp dẫn, hiếm và chưa ai khai thác sâu. Nhưng cũng chính vì thế nên khá khó và có phần khô khan.

Không tiết chế, sẽ nhàm chán

Thời gian gần đây, các phim truyền hình lên sóng vào khung giờ vàng đều thuộc đề tài gia đình, như Trở về giữa yêu thương, Hướng dương ngược nắng, Hương vị tình thân… Mỗi bộ phim là một câu chuyện khác nhau nhưng cũng không ngoài những khúc mắc, xung đột trong gia đình.

Có thể thấy phim về đề tài hôn nhân, gia đình luôn dễ chiếm được cảm tình với khán giả. Câu chuyện phim là những khúc mắc, mâu thuẫn trong đời sống thường nhật mà có thể ai cũng đều đã từng nếm trải. Đó là những vấn đề của bạn bè, người thân, hàng xóm hay của chính mình mà thông qua đó, khán giả có thể tìm được cho mình một bài học hay giải pháp cần thiết.

Chính vì vậy lựa chọn dòng phim hôn nhân, gia đình để sản xuất có thể coi là sự khôn ngoan của các ê kíp làm phim. Hơn nữa, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, sản xuất phim về đề tài gia đình thường được đánh giá là đơn giản, dễ làm.

Sự thắng thế của các đề tài gia đình trên sóng truyền hình trong thời gian qua cũng xuất phát từ thị hiếu của khán giả. Những mẩu chuyện xoay quanh mối quan hệ cha mẹ và con cái, mẹ chồng nàng dâu vẫn có một sức hút kỳ lạ dù được khai thác trong nhiều năm qua.

Nhận xét về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Việt Nga cho rằng: “Trong những năm gần đây, phim đề tài gia đình lấn át dòng phim chính luận vì trong khi lựa chọn đề tài các nhà biên kịch, đạo diễn cũng nắm bắt tâm lý của khán giả.

Đó là vấn đề cảm xúc gia đình hơn là vấn đề xã hội. Những vấn đề chính luận thường khô cứng. Các tác giả bây giờ nắm bắt tâm lý khán giả là có được cảm xúc ngay. Những vấn đề gia đình hiện đại khi người xem ai cũng cảm thấy hình ảnh, nhân vật, câu chuyện… giống với diễn biến trong chính ngôi nhà mình.

Nếu làm phim chính luận mà không làm tới sẽ dễ bị phất cờ trắng dừng lại. Đôi khi làm phim chính luận sẽ không qua được cửa kiểm duyệt vì thế nhiều người đi vào đề tài gia đình sẽ dễ hơn”.

Mặc dù các phim truyền hình lên sóng vào khung giờ vàng thời điểm này đều thuộc đề tài gia đình, đang có sức hút với khán giả. Song nhiều ý kiến cho rằng nếu không tiết chế hay thay đổi phù hợp, phim về đề tài hôn nhân, gia đình sẽ nhàm chán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim truyền hình: ‘Hụt hơi’ đề tài chính luận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO