Phố cà phê đường tàu ở Hà Nội: Không nên thấy khó là dẹp

PHƯƠNG CHI 18/09/2022 08:16

Mấy ngày vừa qua, câu chuyện đóng cửa “phố cà phê đường tàu”- một trong những điểm “check in” hấp dẫn của du khách khi tới Hà Nội khiến nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối, nhất là du khách nước ngoài. Bên cạnh những lý do mất an toàn, vi phạm hành lang đường sắt, không ít ý kiến cho rằng Hà Nội nên cân nhắc giữ nét độc đáo của phố cà phê đường tàu thay vì xóa bỏ.

Một số du khách nước ngoài bày tỏ sự nuối tiếc khi phố “cà phê đường tàu” đóng cửa. Trong ảnh: Du khách ngồi uống cà phê trước khi “phố cà phê đường tàu” đóng cửa. Ảnh: Đặng Long.

Du khách tiếc nuối

Sau khi nhận được văn bản của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ngày 12/9 về việc kiến nghị xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng ở “phố cà phê đường tàu”, từ sáng 15/9, Công an phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã dựng hàng rào trên các lối dẫn vào xóm cà phê đường tàu trên các tuyến phố Trần Phú, Phùng Hưng và Điện Biên Phủ (quận Hoàn Kiếm). Mỗi ngày, lực lượng chức năng chia làm 4 ca trực từ 7h đến 23h với nhiệm vụ tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách tạm thời không đến “phố cà phê đường tàu” trong thời gian đợi biện pháp giải quyết giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải.

Ông Nguyễn Vũ Linh - Chủ tịch UBND phường Hàng Bông thông tin: Hiện phường đang tham mưu cùng quận để xây dựng đề án trình các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp phù hợp đối với việc đóng hay mở cửa tuyến “phố cà phê đường tàu”. Chúng tôi sẽ xây dựng đề án báo cáo Bộ Giao thông vận tải và UBND TP làm sao đưa ra được phương án để tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh trong khu vực này trên nguyên tắc đảm bảo an toàn. Nếu được các cấp phê duyệt đề án thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh, thời điểm hiện tại chúng tôi sẽ tạm thời yêu cầu đóng cửa các quán cà phê sau văn bản của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Tuy vậy, sau khi lực lượng chức năng tiến hành dựng hàng rào chắn, vẫn có không ít khách du lịch đến và bày tỏ sự tiếc nuối khi không được vào uống cà phê. Chị Calia, du khách Algeria, chia sẻ: Tôi biết đến con phố này qua mạng xã hội. Điểm “check in” này thật đặc biệt. Tôi rất buồn vì nó đóng cửa, có lẽ ngành chức năng cảm thấy nó có thể gây nguy hiểm nên không còn sự lựa chọn khác.

Còn Anna Coleman, du khách Australia vừa đến Hà Nội nên lỡ dịp đặt chân đến phố cà phê nổi tiếng. “Tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì ngồi uống cà phê ngắm tàu đi trên đường ray xe lửa rất thú vị. Đó cũng là một phần trong kế hoạch chuyến du lịch của chúng tôi tới Hà Nội, vì ở đất nước chúng tôi không có. Tôi nghĩ rằng đây là một điểm thu hút khách du lịch tuyệt vời, và chính quyền có thể tìm biện pháp quản lý, để nơi này có thể tiếp tục mở cửa phục vụ du khách”, chị Anna mong muốn.

Về phía du khách trong nước, anh Trần Mạnh Quân đến từ Quảng Ninh đồng tình với việc duy trì phố đường tàu này. Một điểm du lịch mà cả người nước ngoài cũng thích thì cần quan tâm, biến thành sản phẩm du lịch của Hà Nội, bởi ai cũng biết, việc xây dựng một sản phẩm du lịch mới không hề đơn giản. “Vì vậy, chỉ nên tìm giải pháp để làm sao giữ an toàn hơn. Ở Đài Bắc (Đài Loan,Trung Quốc) có Shifen old street, cũng có tàu hỏa chạy qua, hai bên là những tiệm bán đèn lồng cho du khách đến thắp thả lên trời. Đường tàu lúc nào cũng đầy du khách, khi có tàu chạy qua mọi người được thông báo dạt ra khỏi đường tàu. Thái Lan cũng có chợ đường tàu khá nổi tiếng và thu hút khách du lịch. Nên tận dụng, biến nguy thành cơ chứ không nên thấy khó là dẹp”, anh Quân chia sẻ.

Buồn về “phố đường cà phê đường tàu” đang đông đúc nay trở nên vắng lặng, chủ một quán cà phê ở đây - ông Tuấn Anh bày tỏ: Chính quyền nên linh động hơn, quy định khung giờ nào đóng cửa, khung giờ nào mở cửa các quán cà phê. Tôi nghĩ rằng, vào 21h tàu chạy thì yêu cầu các quán cà phê đóng cửa trước 21h, chứ không nên đóng cửa cả ngày như thế này. “Giữa tuần tàu bắt đầu chạy từ lúc 21h đêm, vì sao bắt chúng tôi đóng cửa cả ngày”, ông Tuấn Anh băn khoăn.

Cần tổ chức lại bài bản, có kiểm soát

Sau khi Bộ Giao thông vận tải đề nghị Hà Nội giải tỏa “phố cà phê đường tàu” trong hành lang đường sắt vì mất an toàn giao thông, giới chuyên gia giao thông, du lịch cũng đưa ra những ý kiến khác nhau.

Ở góc nhìn giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: Hà Nội nên có giải pháp quản lý các quán cà phê này chứ không đơn giản là xóa hết. “Nhiều năm qua, người dân Hà Nội sống ven đường tàu vẫn đi lại, sinh hoạt trong hành lang đường sắt, họ vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân. Nếu phải xóa theo đúng quy định thì các hộ dân này cũng phải giải tỏa”, ông Quyền nêu quan điểm.

Chỉ ra nguyên nhân cần xóa tụ điểm cà phê đường tàu, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các quán cà phê ven đường sắt từ đầu năm nay có chiều hướng gia tăng mạnh hơn các năm trước, trải dài khu vực đường tàu gần phố Điện Biên Phủ và Khâm Thiên. Việc du khách đi lại sát đường tàu gây mất an toàn khi có tàu chạy qua và gây cản trở đến việc duy tu bảo trì đường sắt. Cùng với đó, môi trường dọc đường sắt bị ảnh hưởng bởi rác thải, một số hộ dân cải tạo lối đi làm ảnh hưởng thoát nước đường sắt… Đây là hành lang chạy tàu, chúng ta không nên suy nghĩ là nơi kinh doanh du lịch. Hà Nội đã quy hoạch khu vực tham quan tại vòng cầu đường sắt phố Phùng Hưng hay ga Long Biên để phục vụ du khách.

Trong khi đó, từ góc nhìn du lịch, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần tính toán và có sự phối hợp với ngành giao thông vận tải để khai thác hình thức du lịch này.

Chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt đề xuất: Để đảm bảo an toàn, ngành đường sắt nên lắp thêm chuông cảnh báo hoặc đèn cảnh báo tại các quán để tạo hiệu ứng hấp dẫn khi chờ tàu. Chính quyền nên quản lý các dịch vụ du lịch tại đây vì nơi này có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội.

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam gợi mở cơ quan quản lý nên có cuộc khảo sát quy mô rộng ý kiến của người dân Thủ đô Hà Nội trước khi quyết định giữ hay bỏ phố cà phê đường tàu.

Theo TS Nguyên, nếu chiếu theo luật, những hộ gia đình dọc tuyến đường sắt đã vi phạm quy định hành lang an toàn. Vì thế, mục tiêu xóa sổ “phố cà phê đường tàu” để bảo đảm an toàn cho người dân là hợp lý. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào mục đích này thì chưa đủ sức thuyết phục người dân vì thực tế khu vực này từ khi phát triển mô hình cà phê phục vụ du lịch, chưa xảy ra tai nạn đường sắt. Chưa có chứng minh tai nạn đáng tiếc xảy ra hoặc hành khách đi trên tàu phàn nàn, không hài lòng với dịch vụ hai bên đường. Chưa kể hình thức kinh doanh này lại đang là nguồn thu nhập chính của người dân tại đây và dần trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách quốc tế.

Để tiếp tục duy trì sản phẩm du lịch này, TS Nguyên cho rằng cần tổ chức lại bài bản, có kiểm soát, không để tình trạng lộn xộn như thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phố cà phê đường tàu ở Hà Nội: Không nên thấy khó là dẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO