Phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ: Không để dịch bùng phát

THANH GIANG 13/10/2022 07:04

Dự báo của các chuyên gia trong ngành, sau ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại TP HCM, chắc chắn thời gian tới sẽ ghi nhận thêm các ca mắc đậu mùa khỉ mới. Vì vậy, phải tiếp tục kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh một cách chặt chẽ, tránh bệnh lây lan, bùng phát.

Tăng cường kiểm soát thân nhiệt người nhập cảnh để sớm phát hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: HNM.

Kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm

Gần cuối tháng 9, hệ thống giám sát y tế của TP HCM báo cáo ca nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhân nữ trở về từ Dubai. Sau khi làm xét nghiệm chẩn đoán, cả 2 mẫu xét nghiệm PCR được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TP HCM thông báo kết quả dương tính. Ngay khi xác định ca bệnh đầu tiên, ngành y tế thành phố tiến hành điều tra dịch tễ và xác định 9 người tiếp xúc gần được cách ly theo dõi. Khu vực nhà ở của bệnh nhân được khử khuẩn.

Ông Quách Kim Ưng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh cho biết: “Ngay khi nhận thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP HCM (HCDC), chúng tôi đến nhà bệnh nhân tiến hành điều tra dịch tễ. Đồng thời, hướng dẫn ngay cho người nhà khử khuẩn đồ dùng, vật dụng, quần áo,... Song song đó, ngành y hướng dẫn người dân thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà. Trường hợp phát hiện những triệu chứng như bệnh đậu mùa khỉ phải báo cho y tế địa phương”.

Từ việc phát hiện sớm ca mắc đậu mùa khỉ và chưa ghi nhận trường hợp lây từ bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “TP HCM làm tốt công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, như cách ly điều trị, kiểm soát lây nhiễm, tránh sự lây lan người tiếp xúc, hạn chế lây ra cộng đồng”.

Ghi nhận của phóng viên, công tác sàng lọc bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được thành phố triển khai khá tốt. Tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nơi đón khách quốc tế vào Việt Nam có khu kiểm dịch y tế, khu vực cách ly bệnh nhân nghi ngờ theo quy trình một chiều, trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, bố trí kíp trực 24/24 giờ. Ngoài việc giám sát ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Y tế TP HCM cũng tăng cường giám sát tại các cơ sở y tế.

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện giám sát kỹ các trường hợp có dấu hiệu lâm sàng nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ khi đến khám bệnh, phòng, chống nhiễm khuẩn lây nhiễm trong bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế. Đơn cử, tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, công tác sàng lọc bệnh nhân đậu mùa khỉ được thực hiện chặt chẽ. Theo đó, các trường hợp đến khám vì do sốt, đau cơ, phát ban mụn nước, mụn mủ, kèm theo nổi hạch, bác sĩ nghi ngờ sẽ chuyển bệnh nhân ra khu vực cách ly để được khám sàng lọc lại. Đồng thời, khai thác kỹ hơn về các yếu tố dịch tễ xem bệnh nhân có đi về từ vùng dịch tễ bệnh đậu mùa khỉ, có tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ không.

“Nếu có nghi ngờ, bệnh nhân được lấy mẫu làm xét nghiệm, cách ly tại khu vực cách ly của bệnh viện và báo cho HCDC biết. Nếu không có nghi ngờ, hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe và khai báo khi có nghi ngờ, đảm bảo các biện pháp phòng, chống lây nhiễm” - BSCKII Vũ Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TP HCM cho biết.

Nữ bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Ngăn chặn triệt để

Dự báo, sau ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên chắc chắn thời gian tới sẽ ghi nhận thêm các ca ngoại lai trở về. Bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC khẳng định: “Với mức độ giao lưu, tiếp xúc như hiện nay, việc xuất hiện ca bệnh xâm nhập nữa hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, hệ thống giám sát phải được tăng cường, củng cố chặt chẽ, từ giám sát tại sân bay, tất cả các phòng khám, cơ sở y tế. Theo các chuyên gia trong ngành, phải tiếp tục kiểm soát, tránh bệnh lây lan, bùng phát hoặc lưu hành như một số bệnh truyền nhiễm khác. Khả năng lây nhiễm trong nước không nhiều nhưng vẫn phải làm tốt. Nếu như ít ca mắc và đang kiểm soát được thì phải ngăn chặn triệt để”.

Bàn về giải pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, từ việc phát hiện kịp thời ca đầu tiên mắc đậu mùa khỉ, ngành y tế thành phố tin tưởng sự cảnh giác của đội ngũ y bác sĩ để có chẩn đoán chính xác, hạn chế thấp nhất mức độ lây lan ra cộng đồng. Nhờ việc phát hiện sớm ca đầu tiên mắc đậu mùa khỉ, đến nay những người có tiếp xúc gần kể cả nhân viên y tế cũng như người nhà bệnh nhân đều chưa có biểu hiện lây lan.

Song song với công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, thu dung nhanh người bệnh, không để dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, việc tập huấn cho các phòng khám tư nhân, các phòng khám da liễu trên địa bàn giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ cũng rất quan trọng. Ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành, nhất là công an để giám sát nhóm người có nguy cơ cao.

Từ ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên hoang mang nhưng cũng không quá chủ quan. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, vật dụng sinh hoạt trong gia đình như cách phòng, chống các bệnh khác. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng giống bệnh đậu mùa khỉ hoặc người mắc bệnh đậu mùa khỉ. “Khi có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt, đau đầu, đau cơ, phát ban mụn nước, mụn mủ, nổi hạch cần đến bệnh viện để các bác sĩ khám và tư vấn. Trường hợp vẫn còn nghi ngờ có thể đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần với những người xung quanh” - bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo nói.

6 biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, ngay từ trước đó, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
M.K

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ: Không để dịch bùng phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO