Phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ một cách chặt chẽ

THANH GIANG (thực hiện) 13/10/2022 07:05

Không quá nguy hiểm như dịch Covid-19, song PGS. TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP HCM cho rằng, phải thận trọng và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ một cách chặt chẽ. Phòng, chống chặt chẽ vì ngành y có khả năng thanh toán bệnh này hoàn toàn.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng

PV: Thưa ông, bệnh đậu mùa khỉ có đáng lo ngại như các bệnh truyền nhiễm khác không?

PGS. TS Đỗ Văn Dũng: Bệnh đậu mùa khỉ không quá nguy hiểm vì lây lan ít, tỷ lệ tử vong thấp so với các bệnh Covid-19, sốt xuất huyết. Ngoài ra, biểu hiện bệnh khá rõ ràng và chỉ lây khi bệnh có triệu chứng rồi.

Vừa qua, TP HCM đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm từ ca này. Điều này có phải công tác phòng, chống dịch đậu mùa khỉ ở thành phố thực hiện tốt hay do yếu tố dịch tễ của ca bệnh, thưa ông?

- Cả 2 yếu tố trên giúp ngành y tế phát hiện sớm ca bệnh và không để lây lan. Trong đó, yếu tố dịch tễ là yếu tố then chốt. Bởi vì bệnh chỉ lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết, trường trường hợp ôm, hôn, giao hợp mới bị lây, đứng gần cũng không sao. Dịch Covid-19 mỗi lần ho thì ra rất nhiều virus và có thể lây lan sang nhiều người, thậm chí đứng gần 1-2m là có thể lây. Virus này cũng là loại đậu nhưng là đậu của loại khỉ và các loại gặm nhấm cho nên khả lây lan từ người sang người ít hơn loại đậu mùa của người. Đậu mùa ở người lây từ dịch tiết và lây nhanh hơn. Mặt khác, có thể thấy thời gian qua ngành y tế làm rất tốt công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ qua hoạt động sàng lọc bệnh. Hơn nữa, nhân viên y tế và người dân cũng cảnh giác cao. Cùng với đó, triệu chứng của bệnh này rất đặc thù nên dễ tránh.

Như ông đã nói trên, bệnh đậu mùa khỉ lây lan thấp, không nhanh và không như Covid-19, vậy khi phát hiện ca mắc có cần phun khử khuẩn để phòng, chống bệnh một cách hiệu quả hơn hay không?

- Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ lây lan ít (tỷ lệ khoảng 1/1.000) nhưng về nguyên tắc vẫn còn có dịch, mủ bám ở giường, bàn ghế, vật dụng,... Vì vậy, cần khử khuẩn tại nơi bệnh nhân sinh sống. Bệnh đậu mùa khỉ không nguy hiểm nhưng phải chống triệt để, không để bệnh lây lan, trở thành bệnh lưu hành.

Ông có dự báo gì về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian tới ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng?

- Sau ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện tại TP HCM, tôi cho rằng thời gian tới Việt Nam sẽ ghi nhận thêm vài ca mắc bệnh này. Trong đó, chủ yếu là những ca ngoại lai trở về nước. Tuy nhiên, với sự cảnh giác của người dân như ca bệnh vừa rồi cùng công tác phòng, chống bệnh đậu mua khỉ một cách bài bản thì sẽ phát hiện sớm được.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ một cách chặt chẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO